Thúc đẩy hợp tác khu vực ứng phó với thiên tai

Đông Nam Á đã xây dựng một số cơ chế hợp tác khu vực trong lĩnh vực quản lý thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Sau vụ động đất tại Myanmar, cơ chế này đã được kích hoạt.

Hàng hóa cứu trợ được vận chuyển lên máy bay chiều 30/3 đến Myamar. (Ảnh: Nguyễn Quang/VTV)

Hàng hóa cứu trợ được vận chuyển lên máy bay chiều 30/3 đến Myamar. (Ảnh: Nguyễn Quang/VTV)

Ngày 28/3 vừa qua, một trận động đất mạnh 7,7 độ Richter đã làm rung chuyển khu vực Sagaing của Myanmar, gây ra những ảnh hưởng lan rộng khắp khu vực Đông Nam Á. Sau đó, khu vực này tiếp tục hứng chịu nhiều dư chấn đáng kể. Chấn động của trận động đất không chỉ tàn phá nhiều khu vực của Myanmar mà còn lan sang các nước láng giềng như Thái Lan, gây thiệt hại nặng nề về con người và cơ sở vật chất. Rung lắc nhẹ cũng được ghi nhận ở các khu vực xa hơn như Trung Quốc và Việt Nam, cho thấy sự kết nối chặt chẽ của khu vực trước các thảm họa tự nhiên.

Kích hoạt cơ chế hợp tác khu vực ứng phó thảm họa

Đông Nam Á đã xây dựng một số cơ chế hợp tác khu vực trong lĩnh vực quản lý thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Nổi bật trong số đó là Hiệp định ASEAN về Quản lý Thảm họa và Ứng phó Khẩn cấp (AADMER), một khuôn khổ pháp lý ràng buộc trong khu vực, được ký kết vào năm 2005 và có hiệu lực từ năm 2009. Hiệp định này đặt ra các mục tiêu và nguyên tắc chính nhằm thúc đẩy hợp tác, phối hợp, hỗ trợ kỹ thuật và huy động nguồn lực trong mọi khía cạnh của quản lý thảm họa, ưu tiên giảm thiểu rủi ro thiên tai và khuyến khích sự tham gia của tất cả các bên liên quan.

Một cơ chế quan trọng khác là Trung tâm Điều phối ASEAN về Hỗ trợ Nhân đạo trong Quản lý Thảm họa (AHA), được thành lập vào năm 2011. AHA đóng vai trò là cơ quan điều hành chính của AADMER, chịu trách nhiệm giám sát, đánh giá và điều phối các hoạt động ứng phó thảm họa trong khu vực. Trung tâm này hoạt động theo nguyên tắc “Một ASEAN, một ứng phó”.

Nhiều nghiên cứu pháp lý khu vực ASEAN đã chỉ ra sự điều phối và đơn giản hóa thủ tục hiệu quả là nền tảng cho việc thực hiện thành công AADMER. AADMER đã tạo điều kiện cho việc cung cấp hỗ trợ trong nhiều thảm họa khác nhau trong khu vực, trước đó có thể kể tới bão Haiyan ở Philippines và các trận lũ lụt ở Thái Lan. Hiệp định này được xem là một khuôn khổ quan trọng cho hỗ trợ nhân đạo ở Đông Nam Á, giải quyết các vấn đề liên quan đến thiên tai, tình huống khẩn cấp phức tạp và xung đột.

Bên cạnh đó, Mạng lưới Thông tin Thảm họa ASEAN (ADInet) là một cơ chế hiện có cho hoạt động này. Phối hợp hành động là một yếu tố then chốt khác, bao gồm việc lập kế hoạch ứng phó chung, tổ chức các cuộc diễn tập khu vực và phối hợp các hoạt động cứu hộ, cứu nạn và hỗ trợ nhân đạo để bảo đảm sự thống nhất và hiệu quả. Đội Ứng phó và Đánh giá Thảm họa Khẩn cấp ASEAN (ASEAN-ERAT) cũng là một ví dụ về cơ chế phối hợp ứng phó.

Việt Nam luôn đóng vai trò tích cực trong các hoạt động hợp tác về quản lý thảm họa trong khuôn khổ ASEAN. Là một thành viên tích cực của AADMER. Sáng 30/3/2025, theo đề nghị của Malaysia, nước Chủ tịch ASEAN 2025, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã tổ chức cuộc họp khẩn trực tuyến để bàn về công tác khắc phục hậu quả trận động đất xảy ra tại Myanmar và Thái Lan. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt đại diện Việt Nam tham dự, chuyển lời chia buồn sâu sắc và khẳng định sự đoàn kết với hai nước bị ảnh hưởng. Cùng ngày, Việt Nam đã khẩn trương chuẩn bị viện trợ hàng hóa, vật tư thiết yếu và triển khai hơn 100 cán bộ, chiến sĩ từ Bộ Quốc phòng và Bộ Công an sang Myanmar tham gia cứu hộ, cứu nạn.

Tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu

Đông Nam Á là khu vực trọng điểm của hành động khí hậu. Các quốc gia trong khu vực như Myanmar, Philippines, Việt Nam và Thái Lan là những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới về số người chết do thảm họa khí hậu trong hai thập kỷ qua. Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã liệt kê 19 thành phố Đông Nam Á trong số 25 thành phố trên thế giới chịu ảnh hưởng của tình trạng nước biển dâng.

Trong bối cảnh thiên tai ngày càng gia tăng về tần suất và cường độ do tác động của biến đổi khí hậu, vụ động đất ở Myanmar một lần nữa nhấn mạnh vai trò then chốt của hợp tác khu vực trong việc ứng phó hiệu quả với những thách thức này. Lợi ích của hợp tác khu vực không chỉ giới hạn ở việc cứu trợ thảm họa ngay lập tức mà còn bao gồm việc tăng cường năng lực và khả năng chống chịu lâu dài. Bên cạnh đó, việc trao đổi thông tin kịp thời về cảnh báo sớm, đánh giá thiệt hại, nhu cầu cứu trợ và kinh nghiệm ứng phó giúp các quốc gia chuẩn bị và hành động hiệu quả hơn.

Lợi ích của hợp tác khu vực không chỉ giới hạn ở việc cứu trợ thảm họa ngay lập tức mà còn bao gồm việc tăng cường năng lực và khả năng chống chịu lâu dài. Bằng cách hợp tác, các quốc gia có thể học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau và phát triển các hệ thống mạnh mẽ hơn để phát triển hệ thống cảnh báo sớm, chuẩn bị công tác ứng phó, ngăn chặn và giảm thiểu tác động của các thảm họa trong tương lai và biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh các thảm họa tự nhiên ngày càng trở nên thường xuyên và khốc liệt hơn, sự đoàn kết và phối hợp giữa các quốc gia Đông Nam Á là “chìa khóa” để bảo vệ cộng đồng và xây dựng một khu vực an toàn và có khả năng chống chịu cao hơn.

Đỗ Trang

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/thuc-day-hop-tac-khu-vuc-ung-pho-voi-thien-tai-post544060.html