Thúc đẩy hợp tác kinh tế biển và kinh tế xanh Nam Định - Italy
Theo phóng viên TTXVN tại Rome, trong các ngày 25-26/10, đoàn đại biểu tỉnh Nam Định, do ông Phạm Gia Túc, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy dẫn đầu, đã có chuyến công tác Italy với trọng tâm là kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực kinh tế biển và kinh tế xanh, tham gia hội thảo 'Hợp tác kinh tế biển và kinh tế xanh Việt Nam - Italy: Điểm nhấn Nam Định'.
Hội thảo còn có sự tham dự của Đại sứ Việt Nam tại Italy Dương Hải Hưng; Ủy viên Hội đồng vùng Puglia, ông Napoleone Cera; Giám đốc sở du lịch thành phố Prato, ông Gabrielle Bosi; Chủ tịch Cơ quan quản lý cảng phía Nam Adriatic, ông Ugo Patroni Griffi, Phó Chủ tịch quỹ Italy - Việt Nam Francesco Maringio, cùng các đại diện của Tập đoàn tài chính CDP, Tập đoàn bảo hiểm tín dụng SACE…
Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Gia Túc nhấn mạnh rằng Nam Định mong muốn được tiếp đón và chào mừng các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư Italy, đến tỉnh để tìm hiểu, nghiên cứu về môi trường đầu tư, địa điểm đầu tư; qua đó, có thể lựa chọn Nam Định là điểm đến tiềm năng, là nơi quyết định đầu tư để cùng nhau hợp tác, phát triển và thành công.Tỉnh Nam Định luôn coi sự thành công của nhà đầu tư là thành công của chính quyền và nhân dân tỉnh Nam Định.
Trong khi đó, Đại sứ Dương Hải Hưng nêu bật rằng sự hiện diện của các đồng chí lãnh đạo tỉnh Nam Định cùng đại diện chính quyền miền Trung, miền Nam Italy, các tập đoàn CDP, SACE và các hiệp hội, doanh nghiệp Italy tại hội thảo cho thấy nhu cầu và cơ hội hợp tác giữa hai bên là rất lớn và cần tranh thủ khai thác trong bối cảnh quan hệ hai nước đang phát triển hết sức tích cực và sôi động trong năm kỷ niệm 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Đại sứ hy vọng hai bên sẽ xem xét, đánh giá cụ thể những tiềm năng hợp tác của Nam Định, nhằm thắt chặt và tăng cường mạnh mẽ quan hệ hợp tác giữa Nam Định và Italy, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế biển và kinh tế số.
Giới thiệu về môi trường đầu tư tỉnh Nam Định, ông Trần Anh Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định đã nêu bật những thế mạnh của tỉnh như có vị trí chiến lược; nguồn nhân lực dồi dào - Dân số vàng; tăng trưởng kinh tế ổn định; chi phí sản xuất cạnh tranh; thị trường tiềm năng; thủ tục hành chính thông thoáng; hạ tầng giao thông thuận lợi; quỹ đất hạ tầng Khu kinh tế, khu công nghiệp, công nghệ cao đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư. Ông cho biết tỉnh Nam Định đang chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu; ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, chuyển giao công nghệ, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; và tạo sự kết nối, lan tỏa, hợp tác hiệu quả giữa khu vực đầu tư nước ngoài và khu vực kinh tế trong nước. Tỉnh coi nhà đầu tư là công dân danh dự của tỉnh; Nhà đầu tư được tiếp cận đầy đủ thông tin trong quá trình tìm hiểu đầu tư; Được công nhận và bảo hộ quyền sở hữu về tài sản, vốn đầu tư, thu nhập hợp pháp. Tỉnh đảm bảo cung cấp hạ tầng: Giao thông, điện, nước, viễn thông… cho nhà đầu tư.
Về phần mình, ông Napoleone Cera đánh giá cuộc làm việc với Bí thư Tỉnh ủy Phạm Gia Túc và hội thảo là cơ hội lớn để vùng Puglia có thể tăng cường hợp tác với tỉnh Nam Định, từ đó tiếp cận Việt Nam và châu Á, thị trường mà vùng Puglia rất quan tâm, nhất là trong lĩnh vực kinh tế biển và kinh tế xanh. Kinh tế biển đã được triển khai tại Puglia và đóng vai trò quan trọng, chiếm 5,5% sản lượng kinh tế vùng. Hiện nay, một ưu tiên quan trọng của vùng Puglia là đẩy mạnh toàn diện nhận thức và năng lực kinh tế biển cho chính quyền các địa phương, các bộ ngành, doanh nghiệp, lực lượng lao động. Puglia đang có bước tăng trưởng tương đối nhanh trong khu vực miền Nam Italy, với nhiều ngành kinh tế quan trọng như hàng không, tự động hóa, cơ khí, năng lượng tái tạo, kinh tế biển. Vùng Puglia và Nam Định nói riêng, cũng như Việt Nam nói chung có thể thúc đẩy hợp tác trong một số lĩnh vực như: khai thác bền vững công nghiệp dầu khí; năng lượng tái tạo như điện gió ngoài khơi; nuôi trồng và đánh bắt hải sản; phát triển du lịch biển; xây dựng năng lực, chia sẻ kiến thức chuyên môn về quản lý hàng hải, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường biển...
Cũng có mặt tại hội thảo, ông Gabrielle Bosi vui mừng chia sẻ rằng thành phố Prato đã từng có một thỏa thuận kết nghĩa với tỉnh Nam Định từ năm 1975. Ông đánh giá hội thảo là cơ hội nối lại và tăng cường mối quan hệ hữu nghị và hợp tác dài lâu, mong được đón các đoàn cấp cao, doanh nghiệp, thương mại của tỉnh Nam Định đến thăm thành phố để có thể thảo luận về hợp tác cụ thể. Thành phố Prato thuộc vùng Toscana, có rất nhiều sự gắn kết lịch sử, văn hóa, con người và nhiều tiềm năng hợp tác với Việt Nam.
Qua trao đổi tại hội thảo, các đại biểu Italy rất quan tâm đến môi trường đầu tư của tỉnh Nam Định, đánh giá cao thị trường Việt Nam là thị trường phát triển nhanh và ổn định và hy vọng sớm có các dự án đầu tư tại Việt Nam. Hợp tác địa phương cũng là một điểm sáng trong quan hệ Việt Nam - Italy, khi nhiều địa phương hai nước đã kết nghĩa, kết nối hợp tác như Hà Nội với vùng Lazio và thủ đô Roma; Bình Dương, Bình Phước với vùng Emilia Romagna, Bà Rịa-Vũng Tàu và Yên Bái với vùng Veneto, Lâm Đồng với Como.