Thúc đẩy hợp tác tài chính bền vững, có chiều sâu, ngày càng hiệu quả giữa Việt Nam - Ả-rập-Xê-út
Sáng 23/4, tại trụ sở Bộ Tài chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã có buổi tiếp ông Mohammed Ismaeil A. Dahlwy - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Ả-rập-Xê-út tại Việt Nam.
Việt Nam và Ả-rập-Xê-út thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 21/10/1999, trong 25 năm qua, mối quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng chặt chẽ. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đánh giá cao những bước tiến quan trọng trong hợp tác hai nước ở các lĩnh vực chính trị, thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, văn hóa - du lịch và giáo dục - đào tạo.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Ả-rập-Xê-út là một trong những đối tác ưu tiên tại thị trường Trung Đông trong quan hệ hợp tác về thương mại, đầu tư, tài chính của Việt Nam. Đặc biệt, trong quan hệ hợp tác tài chính, Việt Nam và Ả-rập-Xê-út đã và đang phối hợp trên các lĩnh vực vay nợ, viện trợ; hợp tác thuế và hải quan.
Tính đến nay tổng số vốn Quỹ SFD đã cam kết cho Việt Nam vay là 615,375 triệu Riyals Ả rập (tương đương khoảng 164,100 triệu USD) cho 12 dự án tập trung vào các lĩnh vực như cải tạo cơ sở hạ tầng nông thôn, phát triển nguồn nhân lực, y tế tại các địa phương của Việt Nam còn nhiều khó khăn về kinh tế.
Theo Bộ trưởng, về lĩnh vực vay nợ, viện trợ, Việt Nam và Ả-rập-Xê-út hợp tác thông qua các Hiệp định vay giữa Chính phủ Việt Nam (đại diện là Bộ Tài chính) và Quỹ Phát triển Ả-rập-Xê-út (SFD). Quỹ SFD bắt đầu tài trợ nguồn vốn vay ưu đãi cho Việt Nam vay từ năm 2011.
Bộ trưởng khẳng định, nguồn vốn vay từ Quỹ phát triển Ả-rập-Xê-út là sự hỗ trợ quỹ báu cho Chính phủ và Nhân dân Việt Nam trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo cũng như góp phần vào mục tiêu chung trong việc ứng khó với biến đổi khí hậu.
Trong lĩnh vực thuế, hai nước đã ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và có hiệu lực từ ngày 01/02/2011. Quá trình thực hiện Hiệp định đến nay không phát sinh vướng mắc giữa hai quốc gia.
Bên cạnh đó, về hợp tác trong lĩnh vực hải quan, Bộ trưởng nêu rõ, hải quan hai nước chủ yếu phối hợp một số hoạt động trong khuôn khổ của Tổ chức Hải quan Thế giới. Gần đây, phía Ả-rập-Xê-út có đề cập đến khả năng hai bên đàm phán Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Ả-rập Xê- út về hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan. Đến nay, phía Việt Nam đã nhận được dự thảo Hiệp định từ phía Ả-rập-Xê-út.
“Tôi đã giao cho Tổng cục Hải quan nghiên cứu trao đổi thêm về khả năng đàm phán Hiệp định. Chính phủ, Bộ Tài chính Việt Nam cũng như cá nhân tôi rất mong muốn sớm ký kết Hiệp định này”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định.
Chia sẻ thêm tại buổi tiếp, ngoài vấn đề nợ công, Bộ trưởng mong muốn các nhà đầu tư của Ả-rập-Xê-út sẽ tích cực đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Bộ trưởng bày tỏ hy vọng Ngài Đại sứ sẽ làm cầu nối để giúp kết nối các ngân hàng, các tập đoàn tài chính, các tổ chức tài chính trung gian như các ngân hàng thương mại giữa hai nước “xích lại gần nhau”.
Thông tin đến Ngài Đại sứ Ả-rập-Xê-út về việc thành lập Trung tâm tài chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, đây là một trong những nội dung quan tâm lớn của Việt Nam. Hiện phía Việt Nam đang từng bước hoàn thiện khung khổ pháp lý, đẩy mạnh tái cơ cấu và xây dựng các chiến lược phát triển các thị trường tài chính.
“Hy vọng không xa, Việt Nam sẽ trở thành Trung tâm tài chính quốc tế, vì vậy Bộ Tài chính mong muốn nhận được chia sẻ kinh nghiệm trong việc hình thành, phát triển Trung tâm tài chính của phía Ả-rập vì Ả-rập là quốc gia có thị trường tài chính phát triển”, Bộ trưởng nêu rõ.
Phát biểu tại buổi tiếp, ông Mohammed Ismaeil A. Dahlwy - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Ả-rập-Xê-út tại Việt Nam vui mừng cảm ơn Bộ trưởng và các cán bộ Bộ Tài chính đã đón tiếp chu đáo ông cùng các cộng sự khi đến thăm và làm việc. Ngài Đại sứ khẳng định, mối quan hệ hợp tác giữa hai nước trong 2 năm vừa qua thực sự đã phát triển rất tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực mà hai nước cùng quan tâm.
“Mối quan hệ hai nước xây dựng dựa trên tình hữu nghị, sự quan tâm, hỗ trợ và tôn trọng lẫn nhau. Mối quan hệ này đã phát triển trên nhiều mặt, bên cạnh hợp tác song phương thì sự phối hợp trên các diễn đàn quốc tế cũng ngày càng hiệu quả. Đây là kết quả hợp tác chặt chẽ, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai quốc gia”, Ngài Đại sứ nhấn mạnh.
Cũng theo Ngài Đại sứ, phía Ả-rập-Xê-út luôn theo dõi bước phát triển của Việt Nam, điểm chung lớn giữa hai quốc gia chính là tầm nhìn khát vọng được hiện đại hóa, đa dạng hóa nền kinh tế. Do đó, cá nhân ông sẽ đóng vai trò là cầu nối giữa các bên liên quan và hết sức phối hợp để đưa các ý kiến của Bộ Tài chính Việt Nam đến các cơ quan, bộ, ngành liên quan của Ả-rập.
Đề cập đến những điểm nhấn quan trọng trong mối quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước, Ngài Đại sứ bày tỏ việc sẵn sàng nghiên cứu, hỗ trợ những nội dung cần thiết cho Việt Nam trong việc xây dựng Trung tâm tài chính. Theo đó, phía Ả-rập-Xê-út mong muốn nối lại đàm phán việc khuyến khích đầu tư và bảo vệ đầu tư giữa hai quốc gia để kích thích, nâng cao hơn nữa khả năng đầu tư lẫn nhau giữa hai nước nói chung và doanh nghiệp hai nước nói riêng.
Phát biểu kết luận buổi tiếp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, phía Việt Nam cũng rất ủng hộ và sẽ tích cực đẩy mạnh việc nối lại đàm phán về khuyến khích đầu tư và bảo vệ đầu tư. Về phía Bộ Tài chính Việt Nam, sẽ thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển ngày càng bên vững, đi vào chiều sâu và có hiệu quả trên lĩnh vực tài chính.
Khẳng định năm 2024 là dấu mốc quan trọng trong quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam - Ả-rập-Xê-út, là năm hai nước kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, về phía Bộ Tài chính nói riêng, sẽ thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển ngày càng bên vững, đi vào chiều sâu và có hiệu quả trên lĩnh vực tài chính.
“Nhân dịp kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao năm 2024, tôi được biết Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có lời mời Hoàng thái tử, Thủ tướng Ả-rập-Xê-út thăm chính thức Việt Nam. Chúng tôi chờ đón chuyến thăm cấp cao này và sự hỗ trợ của ngài Đại sứ ở Việt Nam sẽ mở rộng nhiều hơn nữa hợp tác giữa Việt Nam và Ả-rập-Xê-út, thúc đẩy sự phát triển thịnh vượng của hai quốc gia”, Bộ trưởng cho biết.