Thúc đẩy hợp tác trong hoạt động nghiên cứu, đào tạo giữa Việt Nam và Bỉ
Hôm nay, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với các đơn vị giáo dục của Bỉ tổ chức chuỗi sự kiện trao đổi học thuật giữa, ký kết hợp tác nghiên cứu và đào tạo giữa các bên.

Các đại biểu tham gia hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+).
Hôm nay, 1/4, Đại học Quốc gia Hà Nội đã phối hợp với Phái đoàn Wallonie-Bruxelles (cộng đồng Bỉ nói tiếng Pháp) tại Việt Nam và hai đại học của Bỉ là Đại học KU Leuven và Đại học Vrije Universiteit Brussel tổ chức chuỗi sự kiện trao đổi học thuật và kết nối. Nhân dịp này, Đại học Quốc gia Hà Nội và các đơn vị thành viên ký kết 6 thỏa thuận hợp tác với các đơn vị của Bỉ.
Sự kiện có sự tham gia của đoàn các bộ trưởng - thủ hiến Bỉ: bà Elisabeth Degryse, Bộ trưởng - Thủ hiến Chính phủ Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp (Wallonie-Bruxelles), ông Adrien Dolimont, Bộ trưởng - Thủ hiến Chính phủ vùng Wallonie và Bà Cieltje Van Achter, Bộ trưởng khu vực Brussels và Truyền thông - Chính phủ vùng Flanders, cùng lãnh đạo các đại học, cơ quan nghiên cứu của Bỉ.
Đây là hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Nhà vua và Hoàng hậu Vương quốc Bỉ.
Chuỗi sự kiện trao đổi học thuật gồm hội thảo “Ba mươi năm thúc đẩy phát triển bền vững thông qua hợp tác nghiên cứu chung giữa Việt Nam và Vương quốc Bỉ”; tọa đàm học thuật cấp cao "Làm thế nào để tăng cường hợp tác học thuật, hợp tác nghiên cứu và đổi mới giữa Bỉ và Việt Nam?"; hội thảo "Y học số trong điều trị các bệnh do rối loạn thoái hóa thần kinh: Góc nhìn toàn cầu.”
Trong khuôn khổ hội thảo “Ba mươi năm thúc đẩy phát triển bền vững thông qua hợp tác nghiên cứu chung giữa Việt Nam và Vương quốc Bỉ”, các đại biểu được nghe trình bày về một số dự án hợp tác tiêu biểu giữa các nhà khoa học Việt Nam các đối tác Bỉ. Hội thảo cũng nghe các ý kiến trao đổi, thảo luận về các cơ chế, kế hoạch thúc đẩy và mở rộng hợp tác nghiên cứu trong tương lai giữa Việt Nam và Bỉ.

Phó giáo sư Nguyễn Thu Thủy đưa ra một số định hướng hợp tác với Bỉ. (Ảnh: PV/Vietnam+).
Các cơ quan phía Bỉ chia sẻ thông tin về nguồn tài trợ nghiên cứu và cơ hội hợp tác của Bỉ. Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thu Thủy cũng thông tin tới phía Bỉ về Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2019–2030, tầm nhìn 2045.
Phó giáo sư Nguyễn Thu Thủy đưa ra một số định hướng hợp tác với Bỉ như hợp tác trong đào tạo sau đại học, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong khuôn khổ Đề án 89; hợp tác nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo; tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính từ các chương trình quốc tế; đẩy mạnh trao đổi sinh viên và giao lưu văn hóa; thúc đẩy các chương trình ngắn hạn; mở rộng hợp tác với các tổ chức và mạng lưới giáo dục của Bỉ…
Các ý kiến đều cho rằng cần tiếp tục đầu tư vào các quan hệ đối tác học thuật và tăng cường các chương trình tài trợ chung, điều này sẽ cho phép mở rộng và phát triển các giải pháp sáng tạo và sáng tạo để giải quyết các thách thức chung.
Phát biểu tại sự kiện, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân nhận định chuỗi các hoạt động học thuật và kết nối hợp tác này là dấu mốc quan trọng, nhìn lại chặng đường 30 năm hợp tác thành công và tốt đẹp giữa hai quốc gia trong lĩnh vực khoa học, nghiên cứu và đào tạo đồng thời mở ra những triển vọng hợp tác mới trong tương lai.

Giáo sư Lê Quân phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: PV/Vietnam+).
Theo Giáo sư Lê Quân, sự hiện diện của các Bộ trưởng - Thủ hiến Bỉ tại sự kiện thể hiện sự coi trọng, quan tâm của Chính phủ Bỉ đối với việc phát triển quan hệ hợp tác trong giáo dục với Việt Nam. Với sự nỗ lực chung của các bên, cùng sự ủng hộ của Chính phủ hai nước, sự hỗ trợ từ các bộ, ngành, hợp tác giữa Đại học Quốc gia và các đối tác Bỉ sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, mang lại những lợi ích thiết thực cho cả hai quốc gia, góp phần vào sự phát triển bền vững của khu vực và thế giới.
Cùng chia sẻ này, Giám đốc Đại học KU Leuven Luc Sels cho hay quan hệ hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Bỉ luôn được duy trì và phát triển bền vững thông qua hợp tác nghiên cứu giữa các trường đại học và viện nghiên cứu của hai nước.
Ông Luc Sels nhận định các tổ chức của Việt Nam và Bỉ đã thiết lập một mô hình hợp tác mẫu mực và nhấn mạnh ba trụ cột chính của sự hợp tác này, đó là: sự xuất sắc, tác động và sự gắn kết xã hội. Sự xuất sắc đảm bảo nghiên cứu có tính cạnh tranh cao và đạt tiêu chuẩn toàn cầu. Tác động chính là chuyển hóa các kết quả nghiên cứu thành lợi ích cụ thể cho cộng đồng, doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách. Sự gắn kết xã hội đảm bảo tính phù hợp, khả năng tiếp cận và đóng góp của quan hệ hợp tác cho sự phát triển con người.
Mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Vương quốc Bỉ trong lĩnh vực khoa học, nghiên cứu và đào tạo đã có lịch sử lâu dài từ đầu những năm 1990. Trong suốt 30 năm qua, hợp tác giữa hai nước đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực giáo dục, y tế công cộng, nước sạch và vệ sinh môi trường./.