Thúc đẩy hợp tác và an ninh biển

Cuối tuần qua, tại Đà Nẵng, Việt Nam đã diễn ra Diễn đàn Biển ASEAN (AMF) lần thứ 9 và Diễn đàn Biển ASEAN Mở rộng (EAMF) lần thứ 7, với sự tham dự của trên 90 đại biểu gồm quan chức chính phủ, nhà nghiên cứu đến từ 10 nước ASEAN, 8 nước Đối tác Đối thoại, Ban Thư ký ASEAN và một số tổ chức quốc tế liên quan, các diễn đàn đã trao đổi sâu rộng về tình hình hợp tác và an ninh biển khu vực thời gian qua và đề xuất các biện pháp đẩy mạnh hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực này. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của hợp tác và an ninh biển và vấn đề này vẫn đang được ASEAN cùng nhiều nước đặc biệt quan tâm.

Toàn cảnh Diễn đàn Biển ASEAN (AMF) lần thứ 9. Ảnh: VGP

Toàn cảnh Diễn đàn Biển ASEAN (AMF) lần thứ 9. Ảnh: VGP

Hợp tác là cần thiết

Tại các diễn dàn, các nước đánh giá, trong thời gian vừa qua, tổng cộng 12 cơ chế phối hợp, hợp tác biển của ASEAN và ASEAN với các đối tác đã có nhiều kết quả tích cực cả trên lĩnh vực an ninh, an toàn hàng hải, phát triển kinh tế biển và trên những lĩnh vực bảo vệ môi trường, xử lý rác thải nhựa và chống đánh bắt cá trái phép.

Một loạt các văn bản hợp tác về biển đã được các nước ASEAN thông qua như: Tuyên bố của lãnh đạo cấp cao ASEAN về chống rác thải trên biển và Khung hành động nhằm xử lý vấn nạn rác thải, sáng kiến lập Mạng lưới ASEAN về chống đánh bắt cá trái phép, không khai báo và không theo quy định (IUU), đề xuất nghiên cứu về chính sách nghề cá chung của ASEAN, Quy tắc hướng dẫn về tương tác trên biển do các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN thông qua. Bên cạnh đó, các nước ASEAN cũng đã có nhiều hoạt động xây dựng củng cố lòng tin, trao đổi kinh nghiệm và nâng cao năng lực cho các nước trong việc thực thi các luật lệ trên biển.

Đại biểu tham dự các diễn đàn cũng đánh giá, an ninh biển tại khu vực đang gặp phải nhiều thách thức, khó khăn phức tạp, nổi lên trong đó là nạn cướp biển, tội phạm xuyên quốc gia như buôn lậu và mua bán người, đánh bắt cá trái phép, ô nhiễm môi trường biển và nạn rác thải nhựa... Nhiều đại biểu tiếp tục bày tỏ quan ngại về những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, nhất là tình trạng quân sự hóa cấu trúc tranh chấp, vi phạm luật pháp quốc tế, cản trở các nước ven biển khai thác tài nguyên tại các vùng biển của mình theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, đã gây xói mòn lòng tin và làm gia tăng căng thẳng.

Về phương hướng hợp tác trong thời gian tới, đại biểu tham dự các diễn đàn đều nhất trí cho rằng, các nước trong khu vực cần tiếp tục tiến hành các hoạt động tăng cường hợp tác và an ninh biển nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, vai trò của Diễn đàn Biển ASEAN và Diễn đàn Biển ASEAN Mở rộng cũng cần được củng cố, nâng cấp trong vấn đề chia sẻ thông tin, điều phối hoạt động hợp tác.

Các chuyên gia nhận định, các diễn đàn về biển của ASEAN có thể rút ra kinh nghiệm và học hỏi từ sự hợp tác ở tầm vi mô trong quá khứ. Quả thật, nhiều tiến bộ đã đạt được trong việc quản lý các nguồn tài nguyên biển, cùng với việc ký kết Hiệp định về nghề cá giữa Trung Quốc-Nhật Bản năm 1997, Hiệp định về nghề cá giữa Nhật Bản và Hàn Quốc năm 1998, Hiệp định về nghề cá giữa Trung Quốc và Hàn Quốc năm 2000. Những Hiệp định này được soạn thảo để quản lý các nguồn cá ở Biển Hoa Đông, Hoàng Hải và biển Nhật Bản. Theo đó, các khu vực quản lý đánh bắt cá chung đã được xác lập và duy trì. Mặc dù vậy, các nguồn tài nguyên biển vẫn còn là nguyên nhân của xung đột. Chính vì vậy, các cơ chế hợp tác ở tầm vĩ mô hơn sẽ hỗ trợ đảm bảo công bằng trên biển.

Đảm bảo an ninh là nhiệm vụ hàng đầu

Trong khuôn khổ diễn dàn có phiên thảo luận đặc biệt nhân kỷ niệm 25 năm UNCLOS 1982 có hiệu lực. Như các diễn đàn khác của ASEAN, diễn đàn lần này tái khẳng định tầm quan trọng của UNCLOS trong vai trò “Hiến pháp của Đại dương”, là nền tảng cho việc thiết lập trật tự pháp lý nhằm điều chỉnh mọi hoạt động trên biển của các quốc gia. Do UNCLOS đã quy định nguyên tắc trong các lĩnh vực như khai thác biển, giải trừ quân bị, bảo vệ môi trường, đã tạo thành một chỉnh thể hài hòa, nên UNCLOS có thể là sự bảo đảm về cơ chế tiên tiến nhất để thực hiện phát triển bền vững trong thời điểm hiện tại, có thể đảm bảo an ninh nhân loại thực hiện toàn diện lần đầu tiên ở trên biển, chứ không phải là trên đất liền. Xem xét từ góc độ này, UNCLOS thực sự có tầm quan trọng chiến lược đối với hành động trên biển của quốc gia, khu vực và thế giới.

Các đại biểu chụp ảnh chung tại Diễn đàn Biển ASEAN Mở rộng (EAMF) lần thứ 7. Ảnh: Bộ Ngoại giao

Các đại biểu chụp ảnh chung tại Diễn đàn Biển ASEAN Mở rộng (EAMF) lần thứ 7. Ảnh: Bộ Ngoại giao

Liên quan đến vấn đề Biển Đông, các đại biểu cho rằng, sẽ mất nhiều thời gian để tìm ra một giải pháp cho tranh chấp ở Biển Đông, nhưng ở thời điểm hiện nay, cần có một Bộ quy tắc ứng xử (COC) càng sớm càng tốt cho tất cả các bên để giảm căng thẳng. Đó sẽ là một COC hiệu quả, có sự ràng buộc pháp lý, dựa trên UNCLOS 1982 và các quy định khác của quốc tế. Ngoài ra, cũng cần có quyền tự do hàng hải và quyền được bay qua các vùng biển ở Biển Đông. Từ tình hình hiện nay, các đại biểu nhấn mạnh nguyên tắc tự kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình và gia tăng tranh chấp, tuân thủ luật pháp, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình mọi tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS. Nhiều đại biểu khẳng định các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều bình đẳng trước luật pháp quốc tế, do đó cần quan hệ và hợp tác trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế. Các đại biểu cũng mong muốn ASEAN và Trung Quốc sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS.

Tham gia thảo luận tại các diễn đàn, với vai trò chủ trì, đoàn Việt Nam đã có nhiều đề xuất kiến nghị, giải pháp đối phó với những thách thức trên biển mà khu vực phải đối mặt, đặc biệt trong vấn đề Biển Đông. Những khuyến nghị thiết thực tại các diễn đàn lần này sẽ được trình lên Hội nghị quan chức cao cấp ASEAN tổ chức vào giữa tháng 1-2020, tại Việt Nam.

Hồng Ngọc

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/thuc-day-hop-tac-va-an-ninh-bien/