Thúc đẩy hợp tác với thị trường Trung Đông - châu Phi

Ngày 9/9, Hội nghị Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông - châu Phi năm 2019 đã diễn ra tại Hà Nội. Sự kiện nhằm triển khai Đề án Phát triển quan hệ Việt Nam với các nước Trung Đông - châu Phi giai đoạn 2016 - 2025, duy trì và phát huy đà hợp tác với khu vực.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường đánh giá: Vượt qua sự xa cách về địa lý, sự khác biệt về văn hóa và rào cản ngôn ngữ, Việt Nam và các quốc gia Trung Đông - châu Phi có mối quan hệ hữu nghị truyền thống. Thời gian qua, có hơn 200 văn kiện giữa hai bên được kí kết, tạo khung pháp lý thuận lợi cho sự hợp tác nhiều mặt.

Về thương mại, từ năm 2010 đến nay kim ngạch trao đổi hai chiều giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông - châu Phi đã tăng 3,5 lần, từ 5 tỷ USD lên 18 tỷ USD.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Cường, trong thời gian vừa qua, hoạt động đầu tư nước ngoài của doanh nghiệp hai bên cũng đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ, đạt trên 5,5 tỷ USD. Các dự án đầu tư viễn thông từ Việt Nam sang châu Phi giúp người dân nơi đây tiếp cận các dịch vụ viễn thông và mở rộng cơ hội kết nối số toàn cầu. Hợp tác nông nghiệp, năng lượng, giao thông, lao động và trao đổi chuyên gia cũng là điểm sáng giữa Việt Nam và các nước khu vực.

Trong bối cảnh quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông - châu Phi chưa tương xứng với tiềm năng, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Cường cho biết, tỷ trọng trao đổi thương mại giữa Việt Nam với khu vực rộng lớn gồm 70 quốc gia với 1,6 tỷ dân, trải dài trên 36 triệu km vuông, hiện chỉ chiếm 3,5% trên tổng số 480 tỷ USD xuất khẩu hàng hóa Việt Nam trong năm 2018.

“Con số này khá khiêm tốn so với tốc độ tăng trưởng và quy mô kinh tế và dân số của cả hai bên, cho thấy chúng ta còn phải làm nhiều hơn nữa, quyết liệt hơn nữa và hiệu quả hơn nữa”, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Cường khẳng định.

Vụ trưởng Vụ Trung Đông - châu Phi (Bộ Ngoại giao) Nguyễn Trung Kiên cho biết, về thương mại, Việt Nam có nhu cầu lớn từ các nước khu vực Trung Đông - châu Phi như nguyên liệu khoáng sản, dầu, lương thực, gỗ. Đối với các quốc gia Trung Đông - châu Phi, Việt Nam xuất khẩu lương thực, thực phẩm, trang thiết bị, linh kiện điện tử, công cụ phục vụ cho nông nghiệp.

Ông Nguyễn Trung Kiên nhận định, tiềm năng trao đổi, hợp tác mọi mặt của hai bên còn rất lớn. Vì vậy, trong thời gian tới, Việt Nam mong muốn thúc đẩy hợp tác giữa các nước khu vực Trung Đông - châu Phi ở các lĩnh vực như ngoại giao, kinh tế và đặc biệt là khu vực doanh nghiệp.

“Với tư cách là chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam mong sẽ là cầu nối giữa khu vực ASEAN với các nước Trung Đông - châu Phi. Các cơ quan đại diện là thành tố quan trọng, để sự hợp tác giữa Việt Nam và các nước Trung Đông - châu Phi có hiệu quả, vì vậy, Việt Nam mong muốn có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đại diện để cộng đồng doanh nghiệp và cư dân Việt Nam tại các nước này có thêm thông tin kịp thời về chính sách, pháp luật tại khu vực và ngược lại”, ông Kiên nhấn mạnh.

Để hướng tới một mô hình hợp tác phát triển hiệu quả, Đại sứ Botswana tại Việt Nam Mothudi Bruce Rabasha Palai đề xuất hình thức tự do hóa nguồn lực tài chính và tìm ra giải pháp tài chính của Trung Đông, sử dụng nguồn chuyên gia và công nghệ của Việt Nam của để xử lý những thách thức phát triển ở châu Phi.

Ngoài ra, Đại sứ Botswana cũng đề xuất Việt Nam cùng với khu vực Trung Đông - châu Phi nỗ lực tìm được mẫu số chung trong hợp tác, đẩy mạnh hợp tác thương mại và đầu tư, trong đó chú trọng vào nguyên tắc tham gia bình đẳng và cùng thắng.

Hội nghị diễn ra trong hai ngày 9 - 10/9, tập trung thảo luận một số nội dung chính về chính trị - ngoại giao, thương mại, nông nghiệp và viễn thông. Hội nghị cũng là cơ hội để các bên nắm bắt nguyện vọng, nhu cầu, đề xuất hợp tác từ các quốc gia Trung Đông - châu Phi; Thông tin về thị trường khu vực, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, trao đổi cơ hội hợp tác nhằm tăng cường xuất khẩu hàng hóa của ta vào khu vực.

Đây cũng là cơ hội để Việt Nam quảng bá một số mô hình phát triển nông nghiệp, trao đổi khả năng tìm kiếm phương thức hợp tác mới về nông nghiệp giữa Việt Nam với khu vực bổ trợ cho mô hình hợp tác ba bên truyền thống hiện đang gặp khó khăn; Giới thiệu sự phát triển của công nghiệp viễn thông Việt Nam, qua đó tìm kiếm cơ hội mở rộng hợp tác viễn thông với khu vực trong lĩnh vực này.

Thái Hoàng

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/thuc-day-hop-tac-voi-thi-truong-trung-dong-chau-phi-91951.html