Thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vì mục tiêu phát triển bền vững

Chiều 29-11, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Ủy ban về KH&CN thuộc Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh tổ chức Hội thảo quốc gia 'Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) vì mục tiêu phát triển bền vững'.

Tại hội thảo, Ông Phạm Văn Hồng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN thuộc Bộ KH&CN cho biết, trong giai đoạn 2011-2020, KH,CN&ĐMST ở Việt Nam đã đóng góp quan trọng trên cả ba trụ cột cơ bản của phát triển bền vững là phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Trong đó, KH,CN&ĐMST đã góp phần nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả, tốc độ phát triển và sức cạnh tranh của nền kinh tế; giúp đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Ông Phạm Văn Hồng cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam những năm gần đây giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu thô và mở rộng tín dụng. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện rõ nét thể hiện qua tốc độ tăng năng suất lao động. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) tăng từ 33,6% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên khoảng 43,3% trong giai đoạn 2016-2018, giai đoạn 2016-2020 ước đạt 43,5%. KH&CN đã đóng góp đáng kể cho tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế trong giai đoạn vừa qua.

Theo các chuyên gia, bên cạnh những thành tựu đạt được, KH,CN&ĐMST vẫn còn những hạn chế trong đóng góp đối với phát triển bền vững ở Việt Nam. Về kinh tế KH,CN&ĐMST chưa thực sự làm biến đổi cơ sở vật chất kỹ thuật của nền kinh tế, thay đổi về cơ cấu kinh tế, chưa tạo ra những việc làm mới chất lượng cao, chưa thúc đẩy phân công lao động quốc tế và quá trình toàn cầu hóa kinh tế. Về xã hội thì KH,CN&ĐMST chưa bảo đảm đô thị hóa bền vững, thu hẹp khoảng cách giàu-nghèo, cải thiện chất lượng cuộc sống, gia tăng giá trị lao động của con người, nâng cao chất lượng giáo dục. Về môi trường KH,CN&ĐMST chưa thực sự góp phần tạo sự chủ động trong ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Để KH,CN&ĐMST thực sự đóng vai trò đột phá trong tiến trình phát triển bền vững giai đoạn 2020-2030, theo các chuyên gia cần phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc ứng dụng và phát triển KH&CN; phát triển hệ thống ĐMST quốc gia theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, trường đại học và viện nghiên cứu là chủ thể nghiên cứu mạnh. Nâng cao hiệu quả đầu tư công cho hoạt động nghiên cứu KH&CN, áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt, có tính đột phá về đất đai, tài chính, nhân lực, thị thực, nghiên cứu phát triển… nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước thành lập các trung tâm ĐMST tại Việt Nam. Bên cạnh đó, cần ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia làm nền tảng cho việc ứng dụng và phát triển các công nghệ cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong sản xuất và đời sống…

Cũng tại sự kiện đã diễn ra Triễn lãm thành tựu 60 năm ngành KH&CN với 55 gian hàng trưng bày các sản phẩm của các doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp, tổ chức KH&CN tiêu biểu và khu trưng bày lịch sử, truyền thống phát triển của KH&CN theo từng giai đoạn.

Tin, ảnh: LA DUY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/thuc-day-khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-vi-muc-tieu-phat-trien-ben-vung-603884