Thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong sinh viên

Một ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung được các chuyên gia góp ý tại Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp năm 2020, vòng bán kết khu vực Nam Trung Bộ. Ảnh: THÚY HẰNG

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ mà Chính phủ hết sức quan tâm nhằm hình thành nên đội ngũ doanh nghiệp thế hệ mới trong tương lai. Trong đó, vai trò của các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) được xem là bước khởi đầu, khơi dậy khát vọng khởi nghiệp của sinh viên.

Khơi dậy khát vọng khởi nghiệp

Đề án Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 10/2017 và từ đó đến nay đã có những chuyển động tích cực trong hệ thống giáo dục ĐH, CĐ. Các chương trình đào tạo giảng viên, tổ chức các sự kiện, kết nối doanh nghiệp và các quỹ đầu tư... được các trường đặc biệt quan tâm.

Tại Phú Yên, các tín hiệu gần đây cho thấy hệ sinh thái khởi nghiệp đang hình thành một cách rõ nét từ các trường ĐH, CĐ. Cụ thể như hoạt động hỗ trợ và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp được Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung tổ chức từ hơn 4 năm nay. Khởi đầu là các cuộc thi về sáng tạo khoa học công nghệ, kết hợp với những ý tưởng khởi nghiệp. Quy mô ban đầu chỉ ở mức nội bộ trường, sau dần được mở rộng ra phạm vi các trường và thanh thiếu niên trong toàn tỉnh và khu vực miền Trung - Tây Nguyên với nhiều ý tưởng, dự án hay đăng ký tham dự. Không chỉ dừng lại ở các cuộc thi, chương trình sinh viên khởi nghiệp được triển khai ở cấp độ thực chất hơn với việc hỗ trợ ươm tạo thành công các ý tưởng hay thông qua Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp và đổi mới sáng tạo của trường.

Sinh viên Nguyễn Thị Lan Trinh (Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung) đoạt giải khuyến khích Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp học sinh sinh viên giáo dục nghề nghiệp - Startup Kite năm 2020 với dự án Trồng và kinh doanh hoa cúc lưới theo công nghệ cao, cho hay: Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quả thực rất khó khăn, đã có nhiều tấm gương khởi nghiệp, có người thất bại, có người thành công. Với sinh viên chúng em được khơi dậy tinh thần khởi nghiệp ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường là điều rất tuyệt vời, giúp chúng em có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm hữu ích cho việc học, việc làm về sau.

Các trường đại học Xây dựng Miền Trung, đại học Phú Yên, cao đẳng Y tế Phú Yên, cao đẳng Nghề Phú Yên cũng rất quan tâm về việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nhà trường. Các trường xác định, hợp tác với doanh nghiệp cũng là cách để tạo tâm thế cho sinh viên có khả năng khởi nghiệp. “Nhà trường thường mời các chuyên gia có kiến thức chuyên sâu về khởi nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp lớn, đã thành công về chia sẻ, đào tạo cho sinh viên. Qua sự gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp với doanh nghiệp, sinh viên có được những thông tin bổ ích về tìm kiếm nhu cầu thị trường, xây dựng dự án, tìm kiếm tài chính từ các nhà đầu tư, đánh giá rủi ro triển khai dự án... Từ đó, sinh viên dần dần trang bị cho mình tinh thần khởi nghiệp”, TS Phan Văn Huệ, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Xây dựng Miền Trung chia sẻ.

Chưa phát huy hết tiềm năng

Nguồn lực lớn nhất của sinh viên khi tham gia khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chính là ý tưởng mới. Vì vậy, điều mà nhiều sinh viên mong muốn chính là cơ hội để biến ý tưởng thành hiện thực.

Tại hội thảo Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong trường ĐH, CĐ vừa được Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn phối hợp với Sở KH-CN Phú Yên tổ chức, báo cáo tổng quan về xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các trường ĐH, CĐ, ông Lý Đình Quân, Tổng Giám đốc Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn nhìn nhận: Thời gian qua, công tác đổi mới sáng tạo và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp được Chính phủ hết sức quan tâm. Đây không phải chỉ dành cho các trường ĐH, CĐ mà còn là nhiệm vụ của quản lý nhà nước quan trọng. Thực tế cho thấy, trong hai hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp, các trường ĐH, CĐ vẫn còn tách rời và mới chỉ phát huy được hoạt động sáng tạo (sinh viên nghiên cứu khoa học) mà chưa thực sự gắn kết cả hai hoạt động này với nhau. Vì thế, hoạt động khởi nghiệp trong các trường hiện nay chủ yếu mới chỉ khơi dậy được tinh thần khởi nghiệp, chứ chưa phát huy được hiệu quả trong thực tiễn.

Để hình thành được hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là rất khó khăn. Vì thế, tại hội thảo, các trường và chuyên gia tập trung bàn nhiều về các giải pháp thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Nhiều người cho rằng, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các trường ĐH, CĐ đòi hỏi tầm nhìn dài hạn của lãnh đạo nhà trường. Các trường nên tập trung vào phát triển nội lực càng sớm càng tốt thông qua giảng viên và chuyên viên hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy nghiên cứu khoa học và giảng viên tham gia khởi nghiệp, xây dựng kết nối với cộng đồng doanh nghiệp. Các yếu tố này sẽ giúp cho nhà trường chủ động trong công tác xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp của mình dài hạn và bền vững, cũng như phù hợp với mục tiêu, sứ mệnh tầm nhìn và đặc điểm các nhóm ngành đào tạo của mỗi trường.

Sinh viên có thể bắt đầu từ những điều xung quanh mình để phát hiện nhiều ý tưởng, sáng kiến hữu ích, phù hợp với khả năng. Mọi ý tưởng dù nhỏ cũng đều được trân trọng. Đó chính là bước chuẩn bị cho quá trình khởi nghiệp từ ngành nghề mình học.

Ông Lý Đình Quân, Tổng Giám đốc Trung tâm

Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn

MẠNH THÚY

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/254885/thuc-day-khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao-trong-sinh-vien.html