Thúc đẩy khôi phục sản xuất nông nghiệp khu vực miền Trung sau thiên tai

Sáng nay 27/11/2020, tại thành phố Đông Hà, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì hội thúc đẩy khôi phục sản xuất nông nghiệp khu vực miền Trung sau thiên tai. Dự hội nghị có các Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, lãnh đạo Bộ Tư lệnh Quân khu 4, Quân khu 5; lãnh đạo UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Quảng Trị; lãnh đạo các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn cả nước. Về phía tỉnh Quảng Trị có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương tham dự hội nghị.

 Quang cảnh hội nghị - Ảnh: LÊ MINH

Quang cảnh hội nghị - Ảnh: LÊ MINH

Trong đợt mưa lũ vừa qua, 6 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi bị thiệt hại nặng nề, trong đó lĩnh vực sản xuất nông nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nhất. Mưa lũ đã gây hư hại hàng chục nghìn héc ta diện tích sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, trong đó 2.227 ha lúa; 6.830 ha cây công nghiệp, cây ăn quả; 13.601 ha cây hàng năm; 2.624 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị vùi lấp; 1.526 tấn hạt giống lúa, rau màu dự trữ trong dân bị hư hỏng; 149.295,0 ha rừng bao gồm cả rừng tự nhiên, rừng sản xuất bị gãy đổ; 12.672 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, 828 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị lũ cuốn trôi; 88 tàu thuyền khai thác hải sản bị hư hại, trong đó 69 tàu bị chìm; 42.717 con gia súc, 4.110.494 con gia cầm bị chết, cuốn trôi. Hạ tầng nông nghiệp cũng bị mưa lũ làm hư hại nặng, trong đó có 6 hồ chứa bị xói, sạt lở mái đập; 98 hồ, đập nhỏ bị vỡ và bồi lấp; hàng trăm km đê, kè, kênh mương nội đồng bị hư hại, vùi lấp… Thiệt hại ước tính của ngành nông nghiệp hơn 30.000 tỉ đồng.

Tại Quảng Trị, mưa bão cũng gây thiệt hại rất nặng nề, trong đó sản xuất nông nghiệp và hạ tầng nông nghiệp bị tổn thất ước giá trị thiệt hại hơn 2.900 tỉ đồng. Trong đó, có 473 ha lúa, 3.573 ha hoa màu; 499 ha cây trồng lâu năm, 1.245 ha cây trồng hàng năm, 747 ha cây ăn quả tập trung bị hư hại; 813 tấn lúa giống hư hỏng, 51.416 tấn lương thực bị trôi, ẩm ướt, hư hỏng; 1.645,9 diện tích đất nông nghiệp bị vùi lấp; 6.647 con gia súc, 788.958 gia cầm bị chết, cuốn trôi, 4.000 tấn thức ăn chăn nuôi bị hư hỏng; 1.183 ha diện tích nuôi cá truyền thống, 693 ha diện tích nuôi tôm bị thiệt hại; 3.335 ha diện tích rừng bị hư hại… Đặc biệt, hạ tầng sản xuất nông lâm, ngư nghiệp bị hư hại nghiêm trọng, ảnh hưởng trực đến sản xuất vụ đông xuân năm 2020 và những vụ mùa tiếp theo.

Sau mưa bão, chính quyền 6 tỉnh miền Trung đã huy động mọi nguồn lực giúp người dân khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống. Chính phủ đã xuất cấp 15.804 tấn gạo; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ 23 tấn hạt giống ngô, gần 16 tấn hạt giống rau, 13 tấn lúa giống cho các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Cùng với đó, Chính phủ đã quyết định hỗ trợ khẩn cấp 1.250 tỉ đồng cho 9 tỉnh miền Trung; Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và TKCN, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kêu gọi các tổ chức quốc tế và một số quốc gia hỗ trợ tiền, hàng hóa thiết yếu với tổng trị giá trên 21,53 triệu USD. Các tỉnh cũng đã chủ động, phối hợp chặt chẽ với một số cơ quan, đơn vị của bộ, ngành, doanh nghiệp tập trung khắc phục hậu quả bão lũ.

Hội nghị dành nhiều thời gian thảo luận, đề ra các nhóm giải pháp ngắn hạn, trung hạn, dài hạn theo hướng dồn sức lực tổng thể để tập trung đẩy nhanh công tác phục hồi sản xuất. Các giải pháp trước mắt đã, đang và tiếp tục thực hiện như đánh giá, rà soát thiệt hại, hỗ trợ đời sống; xử lý môi trường; hỗ trợ cây, con giống; tập huấn, chuyển giao kỹ thuật; cải tạo đất canh tác, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp, trong đó chú trọng những diện tích đất nông nghiệp bị đất cát vùi lấp; ưu tiên trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, hạ tầng nông thôn...

Hiện nay, chính quyền các địa phương đang tập trung chỉ đạo và hỗ trợ người dân sản xuất, trồng trọt và chăn nuôi các loại cây, con ngắn ngày nhằm tạo thu nhập, sinh kế cho người dân. Đồng thời, chủ động liên hệ, kết nối huy động các nguồn lực hỗ trợ người dân một số chủng loại giống cây trồng, vật nuôi có sức đề kháng, năng suất cao. Nhóm giải pháp trung hạn và dài hạn gồm đánh giá lại toàn bộ để tái cơ cấu nông nghiệp, kinh tế nông nghiệp nhằm thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan.

Đối với những điểm sạt lở vùng núi, đồng bằng, biển xâm thực, các địa phương phải tính toán lại tổng thể đề án quy hoạch, chiến lược phát triển có biện pháp căn cơ để đảm bảo không chỉ thích ứng mà phải chủ động thích ứng một cách bền vững bằng các nhóm giải pháp huy động các nguồn lực từ trung hạn, dài hạn, ODA… đảm bảo sự phát triển bền vững. Từ đó, kiến nghị Chính phủ xây dựng các chiến lược, những chương trình tổng thể, dự án phù hợp đảm bảo được mục tiêu thích ứng với thiên tai một cách chủ động. Các doanh nghiệp cũng cam kết đồng hành với Bộ Nông nghiệp và PTNT và các địa phương triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy khôi phục sản xuất.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường chia sẻ những thiệt hại mà người dân các tỉnh miền Trung phải gánh chịu trong đợt mưa bão vừa qua. Đồng thời, ghi nhận sự chung tay hỗ trợ của các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp đã kịp thời hỗ trợ người dân miền Trung khắc phục hậu quả mưa bão, khôi phục sản xuất.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Từ nay đến Tết Nguyên đán không để xảy ra tình trạng thiếu lương thực trong Nhân dân; huy động mọi lực lượng, nguồn lực để giải quyết vấn đề môi trường sau lũ. Trong sản xuất nông nghiệp, cần tập trung sản xuất các loại cây, con ngắn ngày, phù hợp với nhu cầu thị trường để đảm bảo nhiệm vụ phục hồi sản xuất. Chuẩn bị mọi điều kiện để sản xuất vụ đông xuân sắp tới hiệu quả như cải tạo đồng ruộng, nguồn giống, tập huấn kỹ thuật, tu sửa các công trình thủy lợi...

Về lâu dài, các địa phương đánh giá lại toàn bộ quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh gắn với vùng để có tầm nhìn, chiến lược, kế hoạch theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu. Quy hoạch cụ thể các lĩnh vực kinh tế và trong sản xuất phải thích ứng theo từng ngành, lĩnh vực cụ thể. Các địa phương phải xây dựng một chương trình căn cơ, bài bản và được đưa vào nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND để triển khai thực hiện. Đồng thời, kiến nghị Trung ương hỗ trợ, huy động tổng lực, đặc biệt nguồn lực từ các doanh nghiệp, các lực lượng xung kích.

Về phía Bộ Nông nghiệp và PTNT tích cực xúc tiến gói hỗ trợ khẩn cấp từ nguồn vốn ADB trị giá 250 triệu USD xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để có thêm nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp miền Trung. Rà soát nguồn vốn trung hạn bổ sung nguồn lực đầu tư cho giai đoạn 2021 - 2025. Tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp tăng cường hỗ trợ cho các địa phương. Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ thường xuyên cử các đoàn công tác, cán bộ hướng dẫn kỹ thuật giúp các địa phương khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão lũ có hiệu quả.

Lê Minh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=82&modid=445&itemid=153589