Thúc đẩy kinh tế đêm ở Đồng bằng sông Cửu Long
Là một trong 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước, Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển, đồng thời có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng.
Phát triển nhanh, bền vững đồng bằng châu thổ này, một trong những giải pháp được đề ra là phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đặc biệt là kinh tế ban đêm, dựa trên hệ sinh thái, phù hợp với quy luật tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, con người của vùng, góp phần phát huy tối đa các lợi thế phát triển du lịch, dịch vụ gắn với quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc.
Tạo động lực tăng trưởng
Đề cập đến tầm quan trọng của phát triển kinh tế đêm, nhiều chuyên gia đã khẳng định, đây là hướng phát triển tất yếu, mang lại cơ hội, động lực mới cho nền kinh tế đất nước.
PGS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, phát triển kinh tế ban đêm là tất yếu, phù hợp với xu hướng quốc tế, đồng thời mang lại cơ hội và động lực mới cho nền kinh tế đất nước. Kinh tế đêm bao gồm các hoạt động chính như giải trí, du lịch, dịch vụ ẩm thực, các hoạt động mua sắm. Kinh tế ban đêm thường phát triển, phổ biến ở các khu vực tập trung đông người như khu đô thị và khu du lịch - dịch vụ nhằm tạo lợi thế cạnh tranh mới cho đô thị hiện đại.
Theo Thứ trường Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, kinh tế đêm phát triển sẽ giúp tối đa hóa lợi ích từ sử dụng các nguồn lực sẵn có nhưng không được sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định trong ngày. Ở nước ta, loại hình kinh tế đêm chủ yếu thông qua các hoạt động mua sắm, ẩm thực, giải trí... phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng cá nhân tại hệ thống các cơ sở thương mại, khu vực dịch vụ như chợ đêm gắn với du lịch, chợ đầu mối nông, lâm, thủy sản, phố ăn đêm, khách sạn, các chuỗi cửa hàng tiện lợi, cửa hàng xăng dầu, tuyến phố đi bộ, nhưng mới chỉ phổ biến ở một số thành phố lớn và các khu du lịch phát triển.
Mặc dù được đánh giá mang lại cơ hội và động lực mới cho tăng trường kinh tế, song theo nhiều chuyên gia, hiện nay kinh tế đêm của Việt Nam nói chung, vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng mới ở bước đầu phát triển. Các sản phẩm, dịch vụ ban đêm ở nhiều địa phương thuộc vùng chưa đa dạng, chủ yếu là dịch vụ ăn uống, mua sắm. Các hoạt động văn hóa nghệ thuật chưa nhiều. Một số chợ đêm hay các khu phố đêm cũng chưa thực sự ấn tượng. Nhiều dịch vụ chưa được kết nối hợp lý để tạo ra các chương trình tham quan, mua sắm gắn với trải nghiệm về đêm thực sự hấp dẫn người dân và du khách.
Quy hoạch, đầu tư bài bản
Để phát triển hiệu quả kinh tế đêm ở Đồng bằng sông Cửu Long trên cơ sở phát huy thế mạnh vùng cùng như từng địa phương, theo PGS Phạm Tiến Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing, các địa phương cần hoàn thiện quy hoạch đảm bảo phát triển kinh tế đêm đúng với tiềm năng, có thời gian, lộ trình, giải pháp triển khai và cần phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ. Các tỉnh, thành cũng cần mạnh dạn vận dụng cơ chế thí điểm, cơ chế khuyến khích để tiếp tục tạo thuận lợi về thủ tục hành chính, thu hút đầu tư, xã hội hóa các hoạt động phát triển kinh tế đêm ở địa phương.
Gợi mở về giải pháp phát triển hiệu quả kinh tế đêm ở nhiều địa phương có thế mạnh phát triển du lịch; trong đó có Đồng bằng sông Cửu Long, một số ý kiến cho rằng, những không gian văn hóa, ẩm thực đang chủ yếu dừng ở việc kinh doanh ăn uống, chưa thực sự hướng tới việc đem đến cho khách trải nghiệm thật sự qua trình diễn ẩm thực, để du khách có cơ hội tìm hiểu những câu chuyện, giá trị văn hóa, đời sống địa phương thông qua ẩm thực. Bên cạnh đó, một số không gian nghệ thuật công cộng giúp tăng cường trải nghiệm, tìm hiểu những giá trị văn hóa, nghệ thuật gắn với đời sống, nét riêng của địa phương về đêm còn chưa được quan tâm phát triển tương xứng tiềm năng.
TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, từng địa phương cần chú trọng chọn quy hoạch, chọn địa điểm phù hợp ưu thế, nhu cầu của người dân và du khách, vì kinh tế đêm phụ thuộc nhiều vào phát triển du lịch, giúp kéo dài thời gian lưu trú và nâng mức chi tiêu của du khách.
Từ góc độ địa phương, lãnh đạo UBND thành phố Cần Thơ thông tin, để phát huy tiềm năng, thúc đẩy thương mại - dịch vụ phát triển, góp phần đáp ứng nhu cầu mua sắm, vui chơi giải trí của người dân và du khách khi tới quận Ninh Kiều- một trong những điểm đến thu hút nhiều du khách, UBND thành phố Cần Thơ đã ban hành Đề án Phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố, thí điểm tại quận Ninh Kiều.
Theo đó, Cần Thơ thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động dịch vụ từ 18 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau tại một số điểm, khu du lịch hấp dẫn và có điều kiện thuận lợi để quản lý rủi ro hoạt động dịch vụ vào ban đêm. Các hoạt động gồm: vui chơi giải trí, ẩm thực, mua sắm và du lịch, văn hóa, thể thao ban đêm. Thành phố tổ chức nhiều mô hình, hoạt động thí điểm như, với phố đi bộ Ninh Kiều tiếp tục duy trì theo mô hình hiện hữu gồm hoạt động văn hóa, văn nghệ, đi bộ, ẩm thực phố hàng rong, chợ đêm Ninh Kiều, chợ cổ Cần Thơ, kết nối các điểm du lịch, tàu khách phát triển du lịch trên sông kết hợp kéo dài thời gian các hoạt động đến 6 giờ sáng hôm sau.
Với khu vực Công viên Sông Hậu (từ Cầu đi bộ đến đường Trần Phú) có các hoạt động: ẩm thực, biểu diễn nghệ thuật, quảng bá thương hiệu sản phẩm, vui chơi giải giải trí, các mô hình chợ đêm, chợ quê, chợ nổi, phục vụ nhu cầu chụp ảnh check-in, mua sắm quà lưu niệm của du khách.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trước mắt, địa phương thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động dịch vụban đêm diễn ra từ 18 giờ đến 24 giờ tại một số điểm, khu du lịch hấp dẫn, có điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý. Trên cơ sở đó, tỉnh tổ chức tổng kết, đánh giá, triển khai nghiên cứu phát triển kinh tế đêm tại thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời), thị trấn Năm Căn (huyện Năm Căn), xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển) và các khu vực khác có điều kiện phù hợp.