Thúc đẩy lòng tin ở Đông Bắc Á
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ngày 27/11 đã kết thúc chuyến công du tới Nhật Bản và Hàn Quốc - hai nước láng giềng Đông Bắc Á vốn lâu nay có quan hệ 'cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt' với Bắc Kinh, song lại có vai trò chiến lược vô cùng to lớn.
Thúc đẩy hợp tác thực chất, xây dựng mối quan hệ ổn định, phù hợp với nhu cầu thời đại … - những tuyên bố và cam kết được đưa ra trong các cuộc tiếp xúc giữa ông Vương Nghị và giới lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc phần nào thể hiện thiện chí và nỗ lực của 3 nước duy trì mối quan hệ “láng giềng gần” ở Đông Bắc Á trong quỹ đạo đối thoại và hòa hiếu, trong bối cảnh cả thế giới đang hứng chịu tác động sâu đậm của đại dịch COVID-19.
Chuyến công du của người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc tới Nhật Bản và Hàn Quốc có thể coi là cơ hội để nền kinh tế lớn thứ hai thế giới xích lại gần hơn với hai cường quốc kinh tế tại châu Á và cũng được Bắc Kinh chọn là đối tác hợp tác về công nghệ tiên tiến nhằm thúc đẩy giao thương, nhất là chuỗi cung ứng vốn đang đình trệ, hướng tới phục hồi kinh tế. Đặc biệt, trong bối cảnh Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), một trong những thành tựu hội nhập kinh tế quan trọng nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong hơn 20 năm qua, vừa được ký kết với sự tham gia của 15 nước, bao gồm cả 3 cường quốc kinh tế trên, chuyến công du của ông Vương Nghị còn mang theo sứ mệnh thúc đẩy triển vọng thành lập khu vực mậu dịch tự do 3 bên.
Vốn được khởi động từ năm 2012, trải qua 16 vòng đàm phán, song Trung - Nhật - Hàn vẫn chưa thể xây dựng một khu vực thương mại tự do. Không chỉ Bắc Kinh mà cả Tokyo và Seoul đều mong muốn tận dụng RCEP làm “lực đẩy” đối với thỏa thuận thương mại tự do 3 bên nhằm mang lại lợi ích thực sự cho khu vực Đông Bắc Á. Một khi khu vực mậu dịch tự do này được hình thành, các nền kinh tế đầu tàu châu Á sẽ có thêm sức mạnh để đương đầu với khủng hoảng, hướng tới phục hồi kinh tế hậu đại dịch.
Không chỉ vậy, thúc đẩy hợp tác kinh tế lâu nay vẫn được Trung - Nhật - Hàn coi là “mũi tên trúng 2 đích”, giúp dịu bớt căng thẳng trong các mối quan hệ song phương. Bất đồng liên quan đến các vấn đề tranh chấp lãnh thổ, nhận thức lịch sử khiến mối quan hệ giữa Trung Quốc - Nhật Bản, Trung Quốc - Hàn Quốc và Hàn Quốc - Nhật Bản đều “không xuôi chèo, mát mái” … Đặc biệt, một trong những yếu tố tác động chủ chốt chính là vai trò của Mỹ. Nhật Bản và Hàn Quốc là hai đồng minh thân cận của Mỹ tại khu vực, mối quan hệ cho phép Washington triển khai lực lượng, vũ khí, trong đó có hệ thống chống tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Đông Bắc Á. Trong khi đó, Trung Quốc và Mỹ là hai đối thủ cạnh tranh quyết liệt trên mọi lĩnh vực, trước hết là cạnh tranh vị thế “cường quốc số một thế giới”. Tình thế “chưa rõ ràng’ trên chính trường Mỹ sau cuộc bầu cử tổng thống hồi đầu tháng này vô hình trung có thể tạo cơ hội để Bắc Kinh thúc đẩy mối quan hệ với hai nước láng giềng Đông Bắc Á.
Chính vì vậy, trong chuyến công du ngắn ngủi này, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đã tận dụng mọi thời gian để gặp gỡ và trao đổi với một loạt quan chức hàng đầu của Nhật Bản và Hàn Quốc. Có thể khẳng định chuyến thăm đầu tiên của một quan chức cấp cao Trung Quốc đến Nhật Bản kể từ khi Thủ tướng Suga Yoshihide lên nắm quyền đã đạt những kết quả tích cực. Hai bên đã thẳng thắn thảo luận và đưa ra lập trường về mọi vấn đề “nóng” cùng quan tâm, trong đó đáng chú ý là các cam kết hợp tác nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19, cách thức phục hồi hai nền kinh tế.
Việc hai nước nhất trí cho phép những trường hợp công tác ngắn hạn được nhập cảnh và miễn cách ly 14 ngày, và doanh nhân nhập cảnh ngay trong tháng 11 này, cho thấy cả Trung Quốc và Nhật Bản đều coi trọng mối quan hệ cộng sinh về kinh tế, dù để triển khai hiệu quả cam kết này, chắc chắn sẽ phải mất nhiều thời gian điều chỉnh các nội dung cụ thể.
Không chỉ vậy, Nhật - Trung còn thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc thúc đẩy kinh tế khi chính thức ra mắt cơ chế hợp tác thương mại nông - thủy sản. Như khẳng định của ông Toshiya Takahashi - Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Shoui (Nhật Bản), chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đến Nhật Bản đã một lần nữa khẳng định quan hệ đối tác kinh tế giữa hai nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới này.
Một điểm đáng chú ý trong chuyến thăm là hai bên đã thẳng thắn trao đổi về quần đảo tranh chấp trên Biển Hoa Đông mà Nhật Bản đang kiểm soát và gọi là Senkaku, song Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư. Dù chưa thể giải quyết triệt để mâu thuẫn dai dẳng này, song việc đạt đồng thuận sẽ tổ chức cuộc đối thoại cấp chuyên viên về biển vào tháng 12/2020, đồng thời nhất trí tổ chức cuộc đối thoại cấp cao vào năm 2021, xây dựng mối quan hệ song phương phù hợp với thời kỳ mới, cũng như thiết lập một đường dây nóng khẩn cấp nhằm ngăn chặn những vụ đụng độ trên biển và trên không, thể hiện rõ hai bên đang nỗ lực xây dựng sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau.
Trong khi đó, ông Vương Nghị tới Hàn Quốc chỉ 3 tháng sau chuyến thăm của Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Dương Khiết Trì. Trong bối cảnh quan hệ Trung - Hàn nguội lạnh kéo dài do việc Mỹ triển khai THAAD dưới thời cựu Tổng thống Park Geun-hye, việc các quan chức cấp cao Trung Quốc liên tục tới Hàn Quốc phát đi tín hiệu rằng Bắc Kinh mong muốn tìm kiếm lối thoát cho cuộc khủng hoảng quan hệ song phương.
Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị tuyên bố chuyến thăm Hàn Quốc này là nhằm thể hiện sự coi trọng của Bắc Kinh đối với mối quan hệ với Seoul. Đáp lại, người đồng cấp nước chủ nhà cũng khẳng định mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược. Việc Hàn - Trung nhất trí tăng cường giao lưu kết nối, thúc đẩy sự tin cậy lẫn nhau, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác thực chất, đưa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược lên một tầm cao mới được đánh giá là kết quả tốt đẹp, theo đúng chỉ đạo chiến lược mà lãnh đạo hai nước đưa ra.
Cả hai nước đều coi hợp tác kinh tế song phương là mối quan hệ “đôi bên cùng có lợi và cùng thắng”, Với Trung Quốc, Hàn Quốc là một trong những “gã khổng lồ” về mặt công nghệ và điện tử, là thị trường xuất khẩu chủ đạo chất bán dẫn, trong khi với Seoul, Bắc Kinh vừa là nguồn nhập khẩu vừa là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước này. Cả hai nước đều thể hiện quyết tâm sớm đạt được thỏa thuận giai đoạn 2 của Hiệp định thương mại tự do song phương, sớm ban hành “Kế hoạch chung Trung - Hàn về hợp tác kinh tế và thương mại” giai đoạn 2021-2025 để tạo điều kiện tốt hơn cho hợp tác kinh tế thương mại song phương. Hai bên còn nhất trí chuẩn bị cho chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Hàn Quốc cũng như hợp tác nhằm “phá băng” các cuộc đàm phán liên quan đến chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Có thể thấy, chính lợi ích địa chính trị và kinh tế đang thúc đẩy Trung Quốc quan tâm nhiều hơn tới chiến lược ngoại giao láng giềng ở khu vực Đông Bắc Á. Trong khi đó, bất chấp những căng thẳng và bất đồng, Nhật Bản và Hàn Quốc không thể phủ nhận Trung Quốc là quốc gia có tiềm lực và tầm ảnh hưởng lớn, có thể tác động tới những vấn đề an ninh và ổn định ở khu vực. Duy trì đối thoại và hợp tác giữa ba quốc gia láng giềng Đông Bắc Á là cách tiếp cận đáp ứng lợi ích chung trong bối cảnh toàn cầu phức tạp hiện nay, cũng là nhu cầu của cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản và Hàn Quốc để duy trì các biện pháp xây dựng lòng tin.
Do đó, xu hướng tạm gác bất đồng, thúc đẩy hợp tác để củng cố và gây dựng lòng tin lẫn nhau sẽ vẫn là gam màu chủ đạo trong bức tranh quan hệ 3 cường quốc khu vực này thời gian tới, nhất là khi kinh tế bị tác động không nhỏ bởi dịch bệnh. Thỏa thuận về việc xúc tiến tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản trong năm nay chính là bước đi thể hiện rõ xu hướng đó.