Thúc đẩy mạnh mẽ kết nối đổi mới sáng tạo giữa Việt Nam với châu Âu
Chiều 19/1, theo giờ địa phương, tại thủ đô Praha, tiếp tục chương trình thăm chính thức Cộng hòa Czech, Thủ tướng Phạm Minh Chính có buổi làm việc với Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại châu Âu (VINEU). Cùng dự có đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương.
Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Diệu Linh, Phó Chủ tịch VINEU, Chủ tịch Liên hiệp Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại châu Âu báo cáo hoạt động của Mạng lưới tại châu Âu. Bà cho biết Mạng lưới nhằm gắn kết, xây dựng Việt Nam hiện đại, thúc đẩy hợp tác khoa học công nghệ nhất là chuyển đổi số, năng lượng tái tạo… Tuy nhiên, để thúc đẩy lĩnh vực đổi mới sáng tạo, cần có cơ chế đột phá từ cả phía Chính phủ và các trí thức. Chúng ta nên thành lập một cơ quan chuyên trách về đổi mới sáng tạo dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Các quốc gia châu Âu rất coi trọng đổi mới sáng tạo doanh nghiệp; các cơ quan kiểu này đều do Thủ tướng Chính phủ phụ trách. Cần có cơ chế, chính sách và dám chấp nhận rủi ro để thúc đẩy khoa học công nghệ mũi nhọn. Cần có cơ chế phối hợp thường xuyên, đặt hàng công nghệ mới, Mạng lưới sẽ rà soát, đánh giá về công nghệ. Mạng lưới cam kết luôn đồng hành cùng Chính phủ để thúc đẩy phát triển đổi mới sáng tạo ở Việt Nam phát triển ngang tầm thế giới.
Đại diện VINEU và các chuyên gia, doanh nhân người Việt Nam tại châu Âu chia sẻ kinh nghiệm và hiến kế cho Việt Nam về phát triển một số lĩnh vực trọng tâm: bà Trần Hà My, Phụ trách Mạng lưới VINEU tại Pháp chia sẻ vấn đề: hợp tác về trí tuệ nhân tạo và công nghệ số giữa Pháp và Việt Nam. Theo đó, Pháp có số lượng kiều bào đông đảo, trong đó có nhiều trí thức, là lực lượng cầu nối quan trọng về chuyển giao công nghệ, đầu tư… Bà mong muốn Chính phủ Việt Nam có các cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích trí thức người Việt ở nước ngoài thúc đẩy nghiên cứu, đổi mới sáng tạo ở Việt Nam. Bà cho rằng đổi mới sáng tạo trên các lĩnh vực mới nổi là hết sức quan trọng. Cần có cơ chế đặc thù cho đổi mới sáng tạo, cần được luật hóa cụ thể, tạo hành lang thông thoáng. Hiện nay, các tập đoàn Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong đổi mới sáng tạo, trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
TS Lê Đức Dũng, Phó Chủ tịch Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam (VGI) chia sẻ VGI được thành lập cách đây 5 năm, có nhiều hoạt động tích cực, có nhiều dự án cụ thể trong các lĩnh vực sức khỏe, môi trường, đô thị xanh, thông minh tại Việt Nam. Để có khoa học công nghệ thì cần phải có nền tảng là nhân sự. Vì vậy, trong lĩnh vực đào tạo cơ bản, cần trao đổi học thuật với các nước phát triển. Ông Dũng đánh giá, các đơn vị trong nước hiện đang thiếu liên kết với các đơn vị nước ngoài, vì vậy, cần phải có cơ chế, chính sách, tận dụng nguồn nhân lực Việt Nam cũng như các chuyên gia ở nước ngoài.
Ông Nguyễn Anh Tú, Tổng Thư ký Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Hungary, thành viên Mạng lưới VINEU tại Hungary chia sẻ tại Hungary, hằng năm có nhiều sinh viên sang học tập theo chương trình trao đổi. Sau 5 năm học tập, có nhiều bạn sinh viên ở lại làm việc cho các tập đoàn. Hội đang gặp khó khăn về tiếp cận các trí thức trẻ Việt Nam học tập tại Hungary. Bác sĩ Phạm Thu Thảo, Phó Chủ tịch Mạng lưới Trí thức và Chuyên gia Việt Nam tại CH Czech, Thành viên Mạng lưới VINEU tại CH Czech cho biết: Mạng lưới đã tích cực tổ chức các cuộc trao đổi bác sĩ với các bệnh viện lớn trong nước, đưa các bác sĩ Việt Nam sang châu Âu trao đổi kinh nghiệm. Việc này nhận được sự hưởng ứng rất lớn của các bệnh viện trong nước. Mạng lưới mong nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ và Bộ Y tế Việt Nam để thúc đẩy hợp tác y tế giữa Việt Nam và Czech.
Ông Nguyễn Việt Anh, nguyên Chủ tịch, thành viên sáng lập Mạng lưới VINEU chia sẻ, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Đức bị chậm lại do chiến tranh, bất ổn chính trị nhưng Đức vẫn là nền kinh tế hàng đầu châu Âu, đi đầu trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo. Mạng lưới tại Đức cũng đã tiến hành kết nối giữa một số bệnh viện hàng đầu của Đức với một số bệnh viện Việt Nam. Ông cho biết đang sở hữu công nghệ xử lý rác thải không chôn lấp, đang có một số dự án hợp tác với các đối tác Việt Nam, hy vọng nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ để góp phần giải quyết môi trường ở Việt Nam. Ông đề xuất, đối với ngành sản xuất chip, Việt Nam phải có cơ chế để trường đại học kết hợp với doanh nghiệp để thúc đẩy lĩnh vực này.
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng, đánh giá cao các phát biểu thẳng thắn, quý báu của các đại biểu trí thức, toát lên tinh thần yêu quê hương, đất nước, mong muốn được đóng góp cho Tổ quốc. Thủ tướng nêu rõ, đổi mới sáng tạo có vai trò rất quan trọng; nguồn lực bắt nguồn tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới sáng tạo, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân và doanh nghiệp; nêu rõ, xuất phát điểm của Việt Nam rất thấp, nhưng nhờ đổi mới tư duy, thay đổi phương thức quản lý kinh tế, giải phóng nguồn lực, huy động các nguồn lực, chúng ta đã phát triển kinh tế-xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng như hiện nay. Từ một nước tự cung tự cấp, Việt Nam đã tích cực hội nhập thế giới, đến nay, Việt Nam là một trong 20 nước có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất thế giới.
Thủ tướng nhấn mạnh, Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại châu Âu góp phần góp ý cho Chính phủ trong hoạch định chính sách phát triển đất nước trong thời đại mới. Thể chế cũng là nguồn lực, động lực cho sự phát triển, cho nên phải đổi mới thể chế. Thủ tướng nêu vấn đề cách thu hút các nguồn lực cho sự phát triển hướng vào những lĩnh vực trọng tâm. Do đó cần tranh thủ để thu hút các nguồn lực trên thế giới gồm tài chính, vốn vay, viện trợ, nhân lực…
Về công nghệ, Thủ tướng hoàn toàn nhất trí với ý kiến của các đại biểu vì Việt Nam là nước đang phát triển, cần có ngoại giao công nghệ, bởi chúng ta đang thiếu nhiều công nghệ, sức cạnh tranh của hàng hóa không có. Về nhân lực và quản trị, điều quan trọng là con người, phải có chính sách, giáo dục, nuôi dưỡng, đào tạo thì mới phát triển. Phải sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả", cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; bảo đảm chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản lý thông minh.
Thủ tướng cho biết, hiện nay đất nước ta đang tập trung ưu tiên cho tăng trưởng, có tăng trưởng thì quy mô nền kinh tế mới phát triển, nâng cao thu nhập bình quân đầu người, nâng cao năng suất lao động. Tăng trưởng cần tập trung vào làm mới các động lực tăng trưởng cũ (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, các ngành mới nổi như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, internet vạn vật, blockchain…
Thủ tướng mong các đại biểu trí thức tăng cường kết nối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) để trao đổi ý tưởng, nói lên cảm xúc, thể hiện trăn trở, băn khoăn lo lắng, tư vấn cho đất nước cần phải làm những gì để phát triển nhanh. Nếu nguồn lực không tập trung thì không tạo ra xung lực mới.
Về các đề xuất cần có một tổ chức trực thuộc Chính phủ, Thủ tướng cho biết sẽ nghiên cứu xây dựng đề án, báo cáo cấp có thẩm quyền; cần có cơ chế, chính sách, thể chế đặc thù cho thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Hiện Chính phủ đang xây dựng lại và đang từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo, thu hút nhân tài, hỗ trợ các công trình, dự án, đề tài nghiên cứu. Những cơ chế, chính sách này cũng cần được luật hóa. Các đề tài nghiên cứu cần được đặt hàng để công tác này bài bản, đi đúng hướng, huy động được trí tuệ cho phát triển.
Về các công tác tiếp theo, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục liên hệ, tăng cường với các đại biểu trí thức, qua đó khuyến khích các trí thức có cơ hội tăng cường đóng góp cho đất nước phát triển. Thủ tướng nhấn mạnh kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại với sức mạnh thời đại, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để vững bước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc phát triển giàu mạnh, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.