Thúc đẩy năng suất doanh nghiệp nhỏ và vừa dựa trên nền tảng đổi mới khoa học, công nghệ
Ngày 7/10 tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghê,Hội đồng tư vấn Cải cách thủ tục hành chính, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (DNNVV) phối hợp tổ chức Hội nghị 'Thúc đẩy năng suất doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh đại dịch Covid-19 dựa trên nền tảng đổi mới khoa học, công nghệ và cả cách quy định hành chính' với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME).
Đại dịch Covid-19 bùng phát đã và đang tác động đến nhiều mặt của đời sống, kinh tế-xã hội, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại toàn cầu, nhiều doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh,hợp tác xã đã phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất và cắt giảm lao động.
“Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2020 do tác động của dịch Covid-19 đã có khoảng 70 nghìn DN tạm dừng hoạt động với khoảng 18 triệu lao động mất việc làm, nhưng lại có 99 nghìn DN thành lập mới mà đa số là các doanh nghiệp khoa học công nghệ hoặc ứng dụng các nền tảng của khoa học công nghệ trong hoạt động. Điều này cho thấy đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi quy mô, phương thức, cách thức hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp không chỉ ở Việt Nam mà còn cả trên thế giới”, ông Nguyễn Văn Thân - Phó Chủ tịch Hội đồng Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam phát biểu tại hội nghị.
Trong bối cảnh như hiện nay, yếu tố cạnh tranh lại càng trở lên khốc liệt, do vậy, DN vừa phải tiết giảm chi phí, vừa phải nâng cao hiệu quả hoạt động để đảm bảo duy trì vận hành tối thiểu. Và để làm được điều này DN cần các nỗ lực luôn đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng yêu cầu khách hàng, đồng thời tăng năng suất, hiệu quả hoạt động. Có nhiều nhân tố tác động đến quá trình tăng năng suất, chất lượng trong đó có vai trò quyết định của đổi mới công nghệ, áp dụng đổi mới sáng tạo trong thiết kế sản phẩm, quy trình sản xuất, quản lý quá trình…
Phát biểu tại hội nghị Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - Lê Xuân Định khẳng định – Trong bối cảnh dịch Covid-19 nhiều DN đã cho thấy tính chủ động và năng lực đổi mới, nhanh chóng nghiên cứu và triển khai nhiều ứng dụng công nghệ để tăng khả năng tiếp cận khách hàng, thay đổi phương thức kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm phù hợp với điều kiện thực tế. Điển hình như việc nghiên cứu đầu tư dây chuyền sản xuất các thiết bị y tế, các sản phẩm chế phẩm sinh học phụ vụ cho công tác phòng, chống dịch… đây cũng là năng lực công nghệ tự sinh của Việt Nam trong bối cảnh điều kiện hoàn toàn mới. Khoa học- công nghệ và đổi mới sáng tạo đã và sẽ là yếu tố quyết định cho sự phát triển của đất nước trong giai đoạn sắp tới.
Bà Cristina Fentross - Quyền Phó giám đốc USAID chia sẻ: Nhiều DNNVV Việt Nam chưa đủ kỹ năng để có thể tận dụng cơ hội chuyển đổi số, ứng dụng khoa học- công nghệ vào sản xuất, kinh doanh và cùng với dự án LinkSME, hội nghị này là một trong nhiều hoạt động của USAID nhằm hỗ trợ các DNNVV Viêt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm vượt qua đại dịch. Khi mà DN trở lên linh động thì các DN có thể nắm bắt các cơ hội.
Hội nghị được tổ chức với mục tiêu nhằm tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp người lao động sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh, việc làm từ đó góp phần đưa nền kinh tế tăng trưởng trở lại.
Nội dung của Hội nghị đã tập trung vào các vấn đề: Cộng đồng DN SMEs chia sẻ về những khó khăn, thách thức với hoạt động sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19; Phân tích và tháo gỡ các rào cản giúp DN SMEs nâng cao năng suất thông qua tiếp cận các giải pháp khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo trong bối cảnh khôi phục sản xuất, kinh doanh; Xây dựng lộ trình cải tiến năng suất, chuyển đổi số và sản xuất thông minh cho DNNVV từ tư duy đến hành động; Các giải pháp công nghệ, chuyển đổi số và sản xuất thông minh cho DNNVV.
Tại hội thảo, thay mặt cho Hiệp hội DNNVV, ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký đã đề xuất Chính phủ cùng các Bộ, ngành liên quan 04 vấn đề nhằm hỗ trợ cho các DNNVV như: Đào tạo học sinh ra trường đề nghị Chính phủ cần tập trung nhiều hơn cho lĩnh vực dạy nghề; Công tác đào tạo chuyên gia cũng mong muốn Chính phủ nên có các chương trình hỗ trợ đào tạo trong và ngoài nước cho các tư vấn viên về năng suất, chất lượng để có nhiều hơn các chuyên gia trong lĩn vực này. Chính phủ cũng nên xây dựng một bảng lương “vượt trội” để khuyến khích lực lượng lao động chất lượng cao; Hỗ trợ các DN trong công tác truyền thông để đào tạo tư vấn các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng cho DN và người lao động; Đào tạo người lao động trong đó DN cần liên kết với các trường dạy nghề để xây dựng kế hoạch đào tạo hàng năm cho lực lượng lao động, thậm chí có đơn đăt hàng cụ thể cho DN mình.
Đổi mới sáng tạo dựa trên khoa học và công nghệ và cải cách quy định hành chính được xem là chìa khóa giúp doanh nghiệp “vực dậy” trong bối cảnh hiện nay. Hội nghị được kỳ vọng là cầu nối giữa cơ quan quản lý, DN cung cấp giải pháp và DNNVV Việt Nam, đồng thời đem đến tư duy đổi mới cho DN khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu.