Thúc đẩy phát triển bền vững các chuỗi sản xuất, liên kết, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản

Những năm gần đây, nông sản là mặt hàng chiến lược, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế của tỉnh. Quy mô xuất khẩu các sản phẩm nông sản ngày càng được mở rộng với nhiều thị trường đòi hỏi chất lượng cao như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU… Để nông sản của tỉnh tiếp tục mở rộng thị trường, gia tăng giá trị xuất khẩu thì sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị liên kết đang được đẩy mạnh. Qua đó giúp nâng cao hiệu quả, tăng thu nhập cho nông dân, bảo đảm cho các chủ thể tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm và đầu tư có hiệu quả.

Ngay sau khi Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, ngày 5/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (Nghị định 98) được ban hành, UBND tỉnh đã khẩn trương triển khai thực hiện. Đồng thời, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ để hỗ trợ, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp tiếp cận với các chính sách theo Nghị định.

Xác định các sản phẩm quan trọng, chủ lực của địa phương là cơ sở thực hiện Nghị định 98, tỉnh đã ban hành Quyết định số 2793/QĐ-UBND, ngày 20/12/2018 về việc phê duyệt các ngành hàng, sản phẩm quan trọng cần khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ thực hiện, phân cấp phê duyệt hỗ trợ liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 2994/QĐ-UBND, ngày 21/12/2018 về việc ban hành Danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Hòa Bình.

Sau khi nghiên cứu, xây dựng các nội dung cụ thể, phù hợp với điều kiện của địa phương; đồng thời thực hiện quy định tại Khoản 2, Điều 17, Nghị định 98, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 226/2019/NQ-HĐND, ngày 11/12/2019 về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2020-2025. Cùng với đó, xuyên suốt quá trình thực hiện, UBND tỉnh lồng ghép các nội dung hoạt động liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản trong các kế hoạch, đề án, chương trình... nhằm tăng cường, phát triển các chuỗi liên kết, mở rộng thị trường không chỉ trong khu vực mà hướng tới đẩy mạnh xuất khẩu. Các nội dung hỗ trợ cụ thể và tỷ lệ định mức hỗ trợ cho nông dân, chủ trang trại, doanh nghiệp, HTX... được xây dựng đảm bảo theo các nội dung quy định tại Nghị định. Công tác tuyên truyền, vận động được triển khai qua nhiều hình thức, thường xuyên trong các hoạt động, chương trình của mỗi sở, ngành, lĩnh vực, địa phương...

Đến hết năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 100 chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn với các lĩnh vực sản xuất rau, quả; thủy sản; chăn nuôi; chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy sản; trong đó có 4 chuỗi liên kết là sản phẩm chủ lực được ngân sách hỗ trợ. Giai đoạn 2018 - 2022, có 10 dự án liên kết, gồm 8 dự án cấp tỉnh, 2 dự án cấp huyện được phê duyệt; trong đó 6 dự án cấp tỉnh, 2 dự án cấp huyện được nghiệm thu và giải ngân nguồn vốn hỗ trợ, 2 dự án cấp tỉnh xin dừng hỗ trợ thực hiện. Kinh phí triển khai liên kết theo quyết định được cấp có thẩm quyền phê duyệt là 64.091 triệu đồng, đạt 62,74% (ngân sách Nhà nước hỗ trợ 10.812 triệu đồng).

Các dự án, chuỗi liên kết hoạt động hiệu quả đã giúp nhiều diện tích trồng trọt trên địa bàn tỉnh được cấp chứng nhận VietGAP, hữu cơ..., thị trường tiêu thụ nông sản ngày càng mở rộng. Hơn nữa, các doanh nghiệp, HTX ký hợp đồng cung ứng nông sản với đối tác, hệ thống siêu thị theo giá cố định thỏa thuận từng năm nên nông hộ tập trung sản xuất theo kế hoạch và tiêu chuẩn chất lượng mà không phải lo lắng về đầu ra sản phẩm. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, nhờ sản xuất áp dụng quy trình quản lý chất lượng đồng bộ, đã có trên 4.200 tấn sản phẩm chế biến, rau, quả, phở, mía... của tỉnh được xuất khẩu.

Tuy vậy, thực tế cho thấy giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có của các địa phương. Trong thực hiện Nghị định 98, nhiều doanh nghiệp, người sản xuất, chính quyền địa phương gặp vướng mắc ngay trong các nội dung quy định khiến quá trình triển khai chưa đạt được kết quả, hiệu quả cao như mong muốn.

Để thúc đẩy phát triển bền vững các chuỗi sản xuất, liên kết, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị định 98, ngành NN&PTNT tỉnh đã tập trung đánh giá những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, HTX, nông dân khi tiếp cận và thực hiện chính sách theo Nghị định 98. Từ kết quả thực hiện tại địa phương, ngành NN&PTNT đề nghị Bộ NN&PTNT nghiên cứu, xem xét trình Chính phủ sửa đổi Nghị định cho phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế. Cụ thể, tại Điều 11 của Nghị định nên xem xét giảm thời gian liên kết tối thiểu và các điều kiện để được hỗ trợ. Tại Điều 12 nội dung hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết sử dụng nguồn vốn đầu tư công có trình tự, mẫu hồ sơ riêng; nội dung hỗ trợ khuyến nông, đào tạo, tập huấn và giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm sử dụng nguồn vốn sự nghiệp có trình tự, mẫu hồ sơ riêng. Ngoài ra, cần có các hướng dẫn cụ thể về cơ chế hỗ trợ trước hay sau đầu tư, thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ, ngừng hỗ trợ và biện pháp xử lý khi các dự án không thực hiện đúng quy định.

P.V

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/183014/thuc-day-phat-trien-ben-vung-cac-chuoi-san-xuat,-lien-ket,-tieu-thu-va-xuat-khau-nong-san.htm