Thúc đẩy phát triển công nhận doanh nghiệp ưu tiên về hải quan trong nội khối ASEAN

Tại Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan các nước ASEAN (ADGCM) lần thứ 33 diễn ra từ ngày 4 đến 6/6/2024 do Hải quan Việt Nam đăng cai tổ chức, việc hợp tác về Chương trình doanh nghiệp ưu tiên (AEO) sẽ là một trong các nội dung quan trọng được đưa ra thảo luận.

https://thoibaotaichinhvietnam.vn/doanh-nghiep-uu-tien-trong-linh-vuc-hai-quan-them-co-hoi-tang-loi-ich-151614.html
https://thoibaotaichinhvietnam.vn/mo-duong-cho-doanh-nghiep-nho-va-vua-duoc-uu-tien-trong-linh-vuc-hai-quan-151181.html
https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thoa-thuan-cong-nhan-doanh-nghiep-uu-tien-asean-gia-tang-loi-the-canh-tranh-cho-doanh-nghiep-viet-124816.html

Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã được Hải quan Việt Nam công nhận là doanh nghiệp ưu tiên. Ảnh TL

Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã được Hải quan Việt Nam công nhận là doanh nghiệp ưu tiên. Ảnh TL

Lợi ích "xuyên biên giới"

Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên đã được 10 nước ASEAN ký kết và có hiệu lực từ ngày 19/9/2023. Đây là thỏa thuận không ràng buộc về pháp lý, việc ký kết thỏa thuận của cơ quan Hải quan các nước thể hiện sự cam kết thực hiện thỏa thuận.

Theo định nghĩa tại Khung tiêu chuẩn về đảm bảo an ninh an toàn (SAFE Framwork) của Tổ chức Hải quan thế giới: “Thỏa thuận công nhận lẫn nhau là việc ký kết một văn bản chính thức giữa hai hoặc nhiều cơ quan hải quan, đưa ra các nội dung, điều kiện mà theo đó, các chương trình doanh nghiệp ưu tiên (AEO) được công nhận và chấp nhận giữa các bên ký kết”. Có nghĩa là, doanh nghiệp ưu tiên được công nhận tại quốc gia này thì sẽ được công nhận và hưởng các chế độ ưu tiên trong lĩnh vực hải quan tại quốc gia có tham gia ký kết thỏa thuận và ngược lại.

Sau khi thỏa thuận được ký kết, việc thực hiện thỏa thuận sẽ phụ thuộc vào tình hình của từng nước theo lộ trình thống nhất.

Việc thực hiện thỏa thuận này được chia làm 2 nhóm. Nhóm 1 là các quốc gia đã triển khai AEO (bao gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam) và Nhóm 2 là các quốc gia đang bắt đầu triển khai AEO (Campuchia, Lào, Myanmar).

Về tình hình thực hiện hiện nay, 6 nước ASEAN bao gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan đã hoàn thành Thẩm định thực tế tại các doanh nghiệp ưu tiên và bắt đầu giai đoạn thí điểm trong vòng 6 tháng.

Việt Nam đang chờ hoàn thiện thủ tục trong nước để thực hiện Thẩm định thực tế tại doanh nghiệp ưu tiên. Sau khi thực hiện Thẩm định xong, Việt Nam sẽ tham gia thí điểm cùng 6 nước trên. Các nước thuộc Nhóm 2 mới triển khai chính thức AEO đang bắt đầu tiến hành so sánh sự tương đồng về pháp luật giữa các nước ASEAN theo hướng dẫn của WCO.

Bản thỏa thuận công nhận lẫn nhau giúp cơ quan hải quan quản lý rủi ro hiệu quả hơn thông qua việc trao đổi thông tin kịp thời và chính xác, tăng cường khả năng phát hiện hàng hóa có độ rủi ro cao, quản lý chuỗi cung ứng và sử dụng có hiệu quả nguồn lực của mình.

Ngoài ra, những thỏa thuận này giúp đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa các cơ quan hải quan và cho phép tiến hành quản lý sớm đối với dây chuyền cung ứng, ví dụ cơ quan hải quan nước nhập khẩu yêu cầu cơ quan hải quan nước xuất khẩu tiến hành kiểm tra trên danh nghĩa của họ.

Còn với doanh nghiệp, khi thỏa thuận được ký kết, các doanh nghiệp ưu tiên được đối xử như nhau giữa các nước. Phân tích rõ hơn về lợi ích, ông Nguyễn Sỹ Hoàng - Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) đưa ra so sánh, khi hàng hóa của một doanh nghiệp được công nhận là ưu tiên, tại Việt Nam được thông quan bằng luồng xanh, thời gian chỉ mất 3 - 5 giây.

Nhưng nếu sang nước bạn - một nước không ký thỏa thuận công nhận lẫn nhau thì sẽ phải thực hiện thủ tục như thông thường. Điều này có thể mất nhiều thời gian để hải quan nước bạn kiểm tra, giám sát. Tuy nhiên, nếu khi đã ký thỏa thuận công nhận lẫn nhau rồi thì thời gian thông quan hàng hóa vào nước bạn cũng tương ứng tính bằng giây như ở Việt Nam. Đặc biệt là với những ngành nghề có tính cạnh tranh thời gian như thời trang, chip bán dẫn, hay các sản phẩm yêu cầu thời gian vận chuyển nhanh như nông sản, thủy sản…

Đảm bảo các điều kiện tương đồng với các nước

Để thực hiện nội dung về thỏa thuận công nhận lẫn nhau, Tiểu nhóm làm việc về doanh nghiệp ưu tiên (SWG-AAMRA) đã được thành lập và đã tiến hành một số công việc nghiên cứu, xây dựng dự thảo AAMRA, so sánh đối chiếu các AEO của các nước thành viên, đánh giá so sánh các chương trình AEO quốc gia và sự phù hợp với Khung tiêu chuẩn SAFE của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) và thống nhất dự thảo hướng dẫn thông lệ tốt nhất về AEO trong ASEAN.

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn thực hiện việc ký bản Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về AEO với các nước ASEAN theo hình thức trực tuyến vào ngày 14/2/2023.

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn thực hiện việc ký bản Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về AEO với các nước ASEAN theo hình thức trực tuyến vào ngày 14/2/2023.

Hải quan Việt Nam cũng đã thành lập nhóm đặc trách, tham gia đầy đủ các hoạt động của SWG-AAMRA.

Hiện tại, Hải quan Việt Nam đang sửa đổi quy định pháp luật trong nước để đảm bảo các điều kiện công nhận doanh nghiệp ưu tiên của Việt Nam tương đồng với các nước tham gia ký kết và tương đồng với quy định về AEO tại Khung Tiêu chuẩn SAFE của WCO trước khi thực hiện thẩm định doanh nghiệp ưu tiên.

Do Nghị định sửa đổi Nghị định 08/2015/NĐ-CP đang được xây dựng, nên Việt Nam chưa triển khai được việc thẩm định doanh nghiệp ưu tiên để chuyển sang giai đoạn thí điểm cùng 6 nước khác (như đề cập ở trên).

Theo đề nghị của Nhóm SWG-AAMRA, Việt Nam đã hoàn thành việc dịch và gửi dự thảo Nghị định sửa đổi nêu trên để các thành viên Nhóm có cơ sở xem xét đề xuất của Việt Nam về việc tiến hành thẩm định thực tế đối với một số doanh nghiệp được chọn lựa đã đáp ứng đủ điều kiện trước khi ban hành Nghị định, nhằm không làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của ASEAN mục tiêu triển khai hoàn toàn AAMRA vào năm 2025.

Theo kết quả cuộc họp Tiểu nhóm làm việc về công nhận lẫn nhau doanh nghiệp ưu tiên trong ASEAN (SWG-AAMRA) lần thứ 13 (từ 20-21/5/2024), các nước thông báo kế hoạch lộ trình triển khai tiếp theo. Trong đó, Campuchia dự kiến thực hiện thí điểm giai đoạn 2 vào tháng 10/2024; nhóm 3 nước Lào, Myanmar, Việt Nam sẽ thực hiện thí điểm giai đoạn 3.

Ngoài ra, Nhóm SWG-AAMRA đề nghị Việt Nam tiến hành thẩm định doanh nghiệp ưu tiên theo hình thức trực tuyến vào tháng 8/2024. Sau khi các nghị định có liên quan được sửa đổi, ban hành, Việt Nam sẽ tiến hành thẩm định thực tế doanh nghiệp tại Việt Nam.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thuc-day-phat-trien-cong-nhan-doanh-nghiep-uu-tien-ve-hai-quan-trong-noi-khoi-asean-152156.html