Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa
Ngày 25/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Khu vực kinh tế tư nhân, trong đó trọng tâm là doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm khoảng 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế) luôn có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp hơn 50% GDP, 30% tổng thu ngân sách Nhà nước, tạo ra hơn 40 triệu việc làm (chiếm hơn 82% tổng số lao động trong nền kinh tế). Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn gặp nhiều khó khăn, thách thức để phát triển nhanh, bền vững cả về số lượng, quy mô, chất lượng, hiệu quả hoạt động.
Nhằm tháo gỡ các rào cản, khó khăn, tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp nhỏ và vừa bứt phá, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, UBND cấp tỉnh và các cơ quan có liên quan thực hiện quyết liệt mục tiêu phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa nhanh, bền vững, tăng trưởng về số lượng, chất lượng, quy mô, hiệu quả hoạt động và đóng góp quan trọng vào nền kinh tế. Phấn đấu từ nay đến năm 2030 có thêm ít nhất 1 triệu doanh nghiệp.
Ưu tiên bố trí nguồn lực hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh tham gia chuỗi giá trị; chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển các mô hình kinh doanh mới; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Theo Chỉ thị, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thiện chính sách, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong năm 2025 giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính; giảm tối thiểu 30% chi phí tuân thủ; bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết. Chuyển mạnh quản lý từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm", gắn với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.
Tập trung triển khai hiệu quả các quy hoạch và kế hoạch thực hiện quy hoạch đã ban hành; phát triển các hành lang kinh tế, vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ gần với các trung tâm mới (sân bay Long Thành, trung tâm tài chính quốc tế); chủ động đề xuất các giải pháp phát triển các ngành công nghiệp mới (bán dẫn, chíp...), qua đó dẫn dắt, hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt trên 95% kế hoạch được giao, đặc biệt ưu tiên các dự án quan trọng, cấp bách, các dự án hạ tầng chiến lược và các dự án kết nối vùng, kết nối quốc gia.
Có giải pháp hiệu quả đẩy mạnh hoạt động cho vay của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm tạo kênh huy động vốn với chi phí hợp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Triển khai hiệu quả các hoạt động hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập trung vào đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động tại các doanh nghiệp; đào tạo quản trị doanh nghiệp chuyên sâu; đào tạo theo nhu cầu thực tế tại doanh nghiệp; đào tạo trực tuyến cho doanh nghiệp.
Thúc đẩy triển khai các chương trình, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển các mô hình kinh tế mới (kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo, kinh tế chia sẻ), các ngành, lĩnh vực mới nổi (trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, năng lượng mới, y sinh học, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí...).
Phát huy hơn nữa vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và các Hiệp hội doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng. Nâng cao hiệu quả vai trò kết nối cộng đồng doanh nghiệp, phát huy tính đại diện cho doanh nghiệp hội viên trong việc tham gia góp ý, xây dựng, phản biện chính sách; theo dõi, giám sát, đánh giá độc lập quá trình xây dựng và thực thi pháp luật và các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển của Nhà nước liên quan đến doanh nghiệp nhỏ và vừa; đại diện bảo vệ quyền lợi hội viên trong các tranh chấp.