Thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ tại các địa phương

Để triển khai có hiệu quả các hoạt động KH-CN, đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nhiều địa phương trong tỉnh đang đẩy mạnh hợp tác với Sở KH-CN.

Sản phẩm OCOP của các địa phương trong tỉnh tham gia trưng bày tại Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai năm 2022. Ảnh: Thanh Cảnh

Sản phẩm OCOP của các địa phương trong tỉnh tham gia trưng bày tại Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai năm 2022. Ảnh: Thanh Cảnh

Các địa phương kiến nghị cơ quan chức năng sớm ban hành những cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ về tài chính để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đẩy mạnh đầu tư đổi mới công nghệ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, chuyển giao công nghệ trong sản xuất…

* Tích cực ứng dụng KH-CN vào sản xuất, đời sống

Trưởng phòng Kinh tế H.Nhơn Trạch Nguyễn Văn Nhân cho biết, thời gian qua, hoạt động KH-CN và đổi mới sáng tạo trên địa bàn huyện đạt được nhiều kết quả. Huyện đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, cải cách hành chính và xây dựng chính quyền điện tử. Kết quả giải quyết các thủ tục hành chính đúng hạn hàng năm của huyện đều đạt trên 95%.

Huyện đã nghiệm thu, ứng dụng đề tài Chuyển đổi đất trồng mía kém hiệu quả sang thâm canh cây ăn trái tại xã Phước Khánh; hỗ trợ nông dân xây dựng và phát triển các loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng địa phương. Đồng thời, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, góp phần tăng thu nhập cho người dân từ 15-25%.

TS LẠI THẾ THÔNG, Giám đốc Sở KH-CN cho biết: “Sở KH-CN sẽ phối hợp, hỗ trợ các địa phương những nội dung liên quan để thúc đẩy hơn nữa các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sản phẩm địa phương. Qua đó, góp phần đẩy mạnh hoạt động KH-CN trên địa bàn tỉnh, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh”.

Trong hoạt động phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, H.Nhơn Trạch đã đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tham gia các cuộc thi, khởi nghiệp với các mô hình phù hợp với tiềm lực địa phương. Đến nay, huyện đã có 16 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm), 30 sản phẩm được bình chọn và công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.

Còn tại H.Long Thành, theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Lâm Văn Minh, thời gian qua, huyện đã triển khai dự án Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất măng cụt theo VietGAP tại xã Bình Sơn, xã Bình An. Kết quả, đã giảm tỷ lệ măng cụt bị sượng và da cám, xây dựng được 10ha măng cụt đạt chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, năng suất tăng từ 15-20%.

Ngoài ra, huyện đã triển khai có hiệu quả dự án Ứng dụng cơ giới hóa để nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất lúa tại xã Long Phước. Nhiều mô hình sản xuất được nhân rộng đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các hoạt động về thông tin KH-CN, phát triển tiềm lực KH-CN, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo luôn được huyện quan tâm.

H.Trảng Bom đã phối hợp nghiên cứu, nghiệm thu, chuyển giao và ứng dụng có hiệu quả một số dự án như: Xây dựng mô hình điểm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cải tạo thâm canh tăng năng suất, chất lượng cây cà phê và điều; Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất hồ tiêu theo Global GAP và liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất bưởi da xanh đạt VietGAP và liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm… Toàn huyện hiện có 13 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có 9 sản phẩm đạt 4 sao và 4 sản phẩm đạt 3 sao.

* Đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng KH-CN

Phó chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch Lương Hữu Ích cho hay, mặc dù có nhiều lợi thế song huyện cũng gặp phải một số khó khăn trong việc phát huy tiềm lực, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.

Do đó, H.Nhơn Trạch đề xuất Sở KH-CN có các giải pháp để hỗ trợ địa phương bảo tồn giống đặc sản của địa phương; nâng cao năng suất cây trồng cho các hộ dân trồng sen trên địa bàn; nâng cao giá trị sản xuất tôm chua; ứng dụng chuyển đổi số để mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm địa phương. Đồng thời, nâng cao giá trị sản xuất kết hợp bảo vệ môi trường cho khu vực nuôi thủy sản…

Đối với H.Long Thành, khó khăn hiện nay là người dân trên địa bàn vẫn còn sản xuất nhỏ lẻ, việc liên kết để hình thành các chuỗi sản xuất lớn khó thực hiện. Hoạt động đổi mới sáng tạo còn hạn chế do nguồn lực chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị liên quan.

H.Long Thành kiến nghị Sở KH-CN hỗ trợ các cơ sở sản xuất xây dựng và hoàn chỉnh hồ sơ tham gia OCOP; có các giải pháp về KH-CN để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ; hỗ trợ triển khai các đề tài dự án KH-CN thuộc chương trình KH-CN phục vụ nông nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. H.Long Thành mong muốn Sở KH-CN tiếp tục hỗ trợ, hợp tác để địa phương triển khai ứng dụng hiệu quả các đề tài, dự án KH-CN, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào các lĩnh vực của đời sống, xây dựng và bảo hộ sở hữu trí tuệ, chuyển đổi số, nhất là trong công tác cải cách hành chính.

Còn tại H.Trảng Bom, đến nay số lượng các dự án KH-CN còn ít, tiến độ thực hiện một số dự án còn chậm, chức năng quản lý nhà nước về KH-CN ở cấp xã, thị trấn chưa thực sự được quan tâm. Không những thế, các doanh nghiệp vừa và nhỏ với điều kiện sản xuất còn hạn chế nên chưa quan tâm đến việc thiết lập hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến.

Trong thời gian tới, H.Trảng Bom sẽ tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học với các trường đại học, các viện nghiên cứu có uy tín trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác chuyển giao ứng dụng các thành tựu KH-CN tiên tiến trên một số lĩnh vực trọng yếu như: nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghệ sinh học, công nghệ chế biến, công nghệ thông tin, y dược. Huyện kiến nghị Sở KH-CN hỗ trợ địa phương trong việc nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202304/thuc-day-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-tai-cac-dia-phuong-3163264/