Thúc đẩy phát triển ngành thủy sản xanh và bền vững

Việt Nam đang đứng thứ 3 thế giới về kim ngạch xuất khẩu thủy sản, tuy nhiên, đi cùng với kết quả này là những thách thức mới trong hoạt động nuôi trồng, phát triển lẫn đánh bắt và khai thác theo hướng bền vững. Trong mục tiêu phát triển ngành dài hạn, chống khai thác IUU là một bài toán khó mà cả cơ quan quản lý, doanh nghiệp và ngư dân phải sớm cùng nhau giải quyết.

“Thẻ vàng” IUU khiến hải sản Việt Nam vào EU bị ảnh hưởng. Ảnh minh họa là các tàu cá khai thác hải sản tại vùng ĐBSCL. Ảnh: Trung Chánh.

“Thẻ vàng” IUU khiến hải sản Việt Nam vào EU bị ảnh hưởng. Ảnh minh họa là các tàu cá khai thác hải sản tại vùng ĐBSCL. Ảnh: Trung Chánh.

Đây là một trong những nội dung chính của tọa đàm “Vì một ngành thủy sản xanh và phát triển bền vững”, do Bộ NN&PTNT phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương ven biển tổ chức.

Theo số liệu của Cục Thủy sản, năm 2022, sản lượng nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản đạt trên 9 triệu tấn (trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 5,2 triệu tấn, sản lượng khai thác đat 3,8 triệu tấn), kim ngạch xuất khẩu thủy sản xếp thứ 3 thế giới với đạt 11 tỉ đô la Mỹ. Qua đó, tạo việc làm cho trên 4 triệu người, đóng góp 25% GDP ngành nông nghiệp.

Tuy nhiên, theo Cục Thủy sản, ngành kinh tế này vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, xâm nhập mặn diễn ra khốc liệt, cơ sở hạ tầng yếu kém, sản xuất manh mún, tự phát, suy thoái về môi trường và hệ sinh thái, rào cản kỹ thuật gia tăng từ các thị trường xuất khẩu… Bên cạnh đó, ngành thủy sản cũng đang gặp khó khăn trong việc tổ chức lại sản xuất, các hợp tác xã, tổ hợp tác rất ít được quan tâm, hoạt động rời rạc.

Trong thời gian tới, để phát triển ngành thủy sản bền vững, Cục Thủy sản cho rằng, phải cấu trúc lại ngành, chuyển từ khai thác thiếu bền vững sang phát triển kinh tế thủy sản bền vững, cân bằng giữa khai thác, nuôi trồng, bảo tồn dựa trên xây dựng hệ sinh thái ngành hàng gồm có quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng ngư dân, giúp người dân tìm sinh kế cho phù hợp với điều kiện thực tế, chuyển từ khai thác sang nuôi trồng thủy sản và có thu nhập ổn định từ nuôi trồng thủy sản.

Bên cạnh đó, chống khai thác IUU cũng là một trong những yêu cầu cấp thiết để phát triển thủy sản bền vững. Việt Nam cần tập trung tăng nuôi biển, giảm khai thác, giảm áp lực lên nguồn lợi, kết hợp bảo tồn đa dạng sinh học và triển khai đồng quản lý trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng.

Nam Nguyên

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/thuc-day-phat-trien-nganh-thuy-san-xanh-va-ben-vung/