Thúc đẩy phát triển qua tín dụng tiêu dùng
Theo đánh giá của các chuyên gia, tín dụng tiêu dùng luôn đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Trong bối cảnh thị trường bất động sản thiếu khởi sắc, thị trường vàng tiềm ẩn nhiều biến động... thì đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng là một cách luân chuyển luồng vốn, góp phần kích cầu tiêu dùng, tạo động lực phát triển kinh tế.
Chiếm 20% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cho biết, hoạt động tín dụng tiêu dùng những năm qua đã có bước phát triển mạnh cả về quy mô dư nợ, số lượng tổ chức tín dụng (TCTD) tham gia và mức độ đa dạng về sản phẩm, dịch vụ. Đến nay, tổng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng tại Việt Nam đạt khoảng 2,8 triệu tỷ đồng, tương đương 20% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, trở thành một phần quan trọng trong cơ cấu tín dụng của hệ thống các TCTD. Tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng bình quân giai đoạn từ năm 2010 đến nay luôn cao hơn tốc độ tăng dư nợ tín dụng chung của toàn nền kinh tế.
Hiện nay, khuyến khích tín dụng tiêu dùng là xu hướng chung của nhiều quốc gia trên thế giới. Ở các nước phát triển, tỷ lệ tín dụng tiêu dùng chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 60-70% tổng dư nợ cho vay. Với thị trường hơn 100 triệu dân như nước ta, tín dụng tiêu dùng vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Do đó, NHNN Việt Nam rất quan tâm tín dụng tiêu dùng vì hoạt động này không chỉ đáp ứng nhu cầu chi tiêu của người dân, góp phần kích cầu, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế mà còn giúp giảm quy mô và hoạt động “tín dụng đen”.
Thông tin về thủ tục cho vay tiêu dùng, bà Mai Thị Trang, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN Việt Nam chia sẻ, đầu tháng 7 vừa qua, NHNN Việt Nam đã ban hành các thông tư hướng dẫn, trong đó có Thông tư số 12/2024/TT-NHNN (sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN) về hoạt động cho vay của TCTD đã bổ sung quy định về các khoản vay có giá trị nhỏ. Cụ thể, các khoản vay tối đa dưới 100 triệu đồng thì TCTD chỉ cần yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin tối thiểu về mục đích sử dụng vốn vay và khả năng tài chính của khách hàng trước khi quyết định cho vay.
Nhờ đơn giản hóa thủ tục vay tín dụng tiêu dùng, đã có nhiều khách hàng được tiếp cận với vốn ngân hàng. Trò chuyện với phóng viên, chị Nguyễn Lan Anh ở đường Cầu Diễn, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội, cho biết: “Tôi mới tốt nghiệp đại học, đi làm thu ngân tại siêu thị nên cần trang bị một máy tính xách tay để phục vụ công việc. Vì chưa có tích lũy tài chính từ trước nên khi mua máy tính xách tay tại cửa hàng, tôi phải sử dụng gói vay tiêu dùng. Thủ tục vay vốn rất nhanh, gọn, đơn giản. Sau khi cung cấp đủ căn cước công dân, hợp đồng lao động, chứng minh thu nhập và các giấy tờ theo yêu cầu, tôi được nhận máy tính ngay”.
Đa dạng các gói tín dụng tiêu dùng
Dưới góc nhìn của một TCTD tiếp cận trực tiếp tới hoạt động tín dụng tiêu dùng ở vùng nông thôn, ông Lê Hồng Phúc, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) nhận định, hiện nay hoạt động vay vốn tín dụng tiêu dùng cho người dân đã dễ dàng hơn rất nhiều khi mạng lưới chi nhánh ngân hàng phủ sóng rộng khắp cả nước. Đối với các khu vực vùng sâu, vùng xa không có phòng giao dịch hay chi nhánh, Agribank đã cung cấp những ô tô lưu động thực hiện các hoạt động tín dụng hằng tuần như cho vay, thu nợ, huy động tiết kiệm...
Các ngân hàng thương mại khác trên thị trường như: Vietcombank, BIDV, VietinBank, VPBank, SHB... cũng đưa ra nhiều gói tín dụng tiêu dùng phù hợp với mục đích vay vốn của khách hàng. Đối với gói vay tiêu dùng có tài sản bảo đảm, Vietcombank đưa ra hạn mức cho vay lên đến 2 tỷ đồng cùng thời gian vay vốn tối đa 10 năm. Nhằm đáp ứng nhu cầu vốn tiêu dùng của khách hàng mà không có tài sản bảo đảm, BIDV cung cấp sản phẩm cho vay ưu đãi vượt trội với hạn mức cho vay lên đến 700 triệu đồng.
Bà Trần Thị Thanh Hà, Ủy viên Đoàn chủ tịch, Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đánh giá cao việc phát triển thị trường tài chính tiêu dùng để đẩy lùi “tín dụng đen”. Thời gian tới, bà Hà đề xuất các ngân hàng, công ty tài chính tiêu dùng cần tiếp tục nghiên cứu, đổi mới phương thức, cách thức truyền thông, thông tin, triển khai, tiếp cận người lao động để đoàn viên công đoàn, người lao động có nhu cầu hiểu đúng, đầy đủ về các sản phẩm, dịch vụ, yên tâm tham gia thụ hưởng sản phẩm và dịch vụ, nhất là giảm mức lãi suất, dành thêm ưu đãi cho đoàn viên công đoàn, người lao động trong quá trình sử dụng sản phẩm, dịch vụ tín dụng.
TS Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) đánh giá, việc đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng là cần thiết vì góp phần kích cầu tiêu dùng trong nước. Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, 29,7% doanh nghiệp mong muốn kích cầu tiêu dùng trong nước, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh. TS Tô Hoài Nam cũng lưu ý, do tín dụng tiêu dùng là hình thức cho vay không cần tài sản bảo đảm nên ngành ngân hàng cần lựa chọn đúng đối tượng cho vay, lịch sử trả nợ, uy tín của khách hàng, nguồn trả nợ ổn định để hạn chế tối đa tình trạng nợ xấu có thể phát sinh.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh triển vọng kinh tế thế giới ảm đạm, cầu thế giới còn yếu, giải ngân vốn đầu tư công trong nước còn gặp những khó khăn nhất định thì thúc đẩy tiêu dùng trong nước là rất quan trọng. Việc phát huy lợi thế của một thị trường có quy mô dân số lớn không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn mà còn củng cố vững chắc nền tảng tăng trưởng trong dài hạn, phát huy tối đa yếu tố nội lực và giảm thiểu những tác động tiêu cực bên ngoài. Nếu các TCTD có thể cung cấp sản phẩm, dịch vụ tín dụng tiêu dùng đa dạng, phù hợp, hấp dẫn, đây sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy các hoạt động tiêu dùng nội địa. Phát triển hoạt động tín dụng tiêu dùng trên các nền tảng điện tử, nền tảng số để giúp khách hàng có nhiều lựa chọn gói vay vốn phù hợp, tiết kiệm thời gian xử lý khoản vay cũng cần được quan tâm, chú trọng.
Phó thống đốc NHNN Việt Nam Đoàn Thái Sơn cho biết, để tín dụng tiêu dùng phát triển, ngành ngân hàng sẽ triển khai các văn bản pháp lý đã được ban hành trong thời gian qua, tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Bên cạnh đó, NHNN Việt Nam sẽ tăng cường công tác quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống của các TCTD, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đối với người cho vay.
Phó thống đốc Đoàn Thái Sơn cũng nhấn mạnh các TCTD cần rà soát, đổi mới phương thức cung cấp thông tin, cách thức tiếp cận khách hàng vay để người dân hiểu đúng, đủ về các sản phẩm, dịch vụ. Các TCTD cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị Bộ Công an trong việc kết nối khai thác dữ liệu thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đẩy mạnh các giải pháp ứng dụng dữ liệu này trong hoạt động tín dụng tiêu dùng.
Số liệu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7-2024 cho thấy, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 7 tháng tăng 4,12% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng thấp trong bối cảnh tăng lương cơ bản và là tín hiệu tích cực đối với sự ổn định của kinh tế vĩ mô và nền kinh tế trong những tháng tới. Do đó, chúng ta có thể kỳ vọng việc bơm vốn cho tín dụng tiêu dùng sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/thuc-day-phat-trien-qua-tin-dung-tieu-dung-788901