Thúc đẩy phát triển sản phẩm chế biến nông sản sinh thái - công bằng
Giảm nghèo, tăng cường sinh kế, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh ở Việt Nam là mục tiêu của Dự án 'Xúc tiến cung và cầu cho các sản phẩm chế biến nông sản đạt chứng nhận sinh thái - công bằng tại Việt Nam'.
Lễ khởi động Dự án Xúc tiến cung và cầu cho các sản phẩm chế biến nông sản đạt chứng nhận sinh thái – công bằng tại Việt Nam (Eco Fair) đã được diễn ra vào ngày 24/11 tại Hà Nội. Đây là dự án được tài trợ bởi Liên minh châu Âu, do Viện Nghiên cứu và Phát triển Ngành nghề nông thôn Việt Nam (VIRI) chủ trì phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu tư vấn Sáng tạo và Phát triển bền vững (CCS), Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC), Công ty Funzilife (Funzi) thực hiện.
Theo BTC, Dự án Eco Fair hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ như không đói nghèo, bình đẳng giới, tiêu dùng có trách nhiệm… Sản xuất sinh thái - công bằng tuân theo các yêu cầu môi trường bền vững, vòng đời sản phẩm và sử dụng hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên trong khi cách tiếp cận và các tiêu chuẩn của Thương mại công bằng đảm bảo mọi vấn đề liên quan đến các vấn đề xã hội, thúc đẩy bình đẳng giới và cơ hội bình đẳng, không có lao động trẻ em và lao động cưỡng bức, không phân biệt đối xử, công bằng giới và trao quyền kinh tế cho phụ nữ và thanh toán công bằng… Bằng cách phát triển kinh doanh thương mại sinh thái và công bằng, sẽ giúp bảo vệ các quyền bản địa, quyền con người, vấn đề giới và môi trường của người sản xuất và người lao động (phần lớn trong số họ là nữ) được tôn trọng và bảo vệ.
Cụ thể, Dự án Eco-fair tập trung đến một số kết quả chính như: 1.000 doanh nghiệp được đào tạo qua ứng dụng di động mobile, 200 doanh nghiệp được đánh giá nhanh về việc sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và sản xuất sạch hơn, 200 sản phẩm sinh thái công bằng được thương mại hóa, các doanh nghiệp được lựa chọn để hỗ trợ trong các lĩnh vực tiếp cận tài chính xanh, phát triển sản phẩm mới và công nghệ sạch, chứng nhận sinh thái – công bằng, 500.000 người tiêu dùng nâng cao nhận thức và ủng hộ tiêu dùng bền vững…
Ngoài ra, các doanh nghiệp đã có chứng nhận bền vững sẽ được kết nối với khách hàng có yêu cầu mua hàng bền vững trên toàn thế giới với dự kiến doanh số cho các mặt hàng được chứng nhận sinh thái – công bằng từ Việt Nam cho 4 tiểu ngành (gạo, điều, rau củ chế biến và hoa quả chế biến) được tăng lên ít nhất 30%.
Trong giai đoạn 3 năm thực hiện từ 2020 – 2023, Dự án sẽ thúc đẩy tiêu dùng bền vững các sản phẩm chế biến nông nghiệp sinh thái - công bằng ở Việt Nam, từ đó góp phần vào sự thịnh vượng kinh tế và phát triển sinh kế bền vững và kinh tế xanh trong quá trình chuyển đổi hướng tới một nền kinh tế carbon thấp, hiệu quả tài nguyên và kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
TS. Nguyễn Bảo Thoa, giám đốc dự án chia sẻ: Các sản phẩm sinh thái-công bằng là nguồn sản phẩm uy tín, chất lượng, tốt cho sức khỏe mà người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng. Tiêu thụ các sản phẩm bền vững đem lại cho người tiêu dùng cảm giác đang làm việc có ý nghĩa và đúng đắn, đem đến cho cuộc sống của họ nhiều giá trị mới. Giúp giảm tác động từ việc tiêu dùng của họ đến môi trường, như ô nhiễm, xói mòn đất, thiếu hụt tài nguyên. Bằng cách lựa chọn các sản phẩm này, người tiêu dùng góp phần thay đổi nhận thức xã hội và thúc đẩy sự phát triển bền vững cho các thế hệ sau.
"Tương lai của trái đất và thế hệ mai sau hoàn toàn tùy thuộc vào chúng ta. Sự thay đổi của từng cá nhân sẽ tạo nên sức cộng hưởng vĩ đại. Chúng tôi hy vọng dự án sẽ nhận được sự ủng hộ của các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý trong việc chuyển đổi sang sản xuất bền vững hơn và đặc biệt là sự ủng hộ nhiệt tình của người tiêu dùng trong hành trình thay đổi này" – TS Nguyễn Bảo Thoa nói.