Thúc đẩy phong trào học bơi tại Đà Lạt

Cùng với việc các hồ bơi nước ấm tư nhân xây dựng theo hình thức xã hội hóa thể thao lần lượt được đưa vào hoạt động lâu nay, TP Đà Lạt đang nỗ lực thúc đẩy phong trào học bơi trong cộng đồng, đặc biệt là trong lứa tuổi học sinh nhằm mục tiêu an toàn, phòng, chống đuối nước trẻ em.

Các phụ huynh đang kèm con em mình học bơi tại hồ bơi Vũ Hương, Đà Lạt

Các phụ huynh đang kèm con em mình học bơi tại hồ bơi Vũ Hương, Đà Lạt

THÊM MỘT ĐỊA CHỈ HỌC BƠI

Nằm trên một con đường bê tông nhỏ từ đường Hàn Thuyên rẽ vào không xa, hồ bơi gia đình Vũ Hương trong nhà với nước ấm giữ nhiệt được đưa vào sử dụng trong gần 1 năm nay, là một địa điểm học bơi mới của rất nhiều người tại Đà Lạt, đặc biệt là cho lứa tuổi học sinh.

Đưa chúng tôi đi thăm hồ bơi, ông Vũ Hương (sinh 1986) cho biết, gia đình ông đã đầu tư trên 11 tỷ đồng để xây dựng hồ bơi nước ấm này. Với tổng diện tích trên 850 m2, hồ bơi trong nhà này có đến 3 hồ bên trong, tạo thành một chuỗi liên hoàn các hồ bơi kề nhau, gồm một hồ bơi có chiều dài 8 m, chiều rộng 15 m, độ sâu 0,5 - 0,9 m cho trẻ em học bơi; một hồ bơi cho những người mới biết bơi với chiều rộng 7 m, chiều dài 14 m, sâu từ 1,2 m -1,5 m; một hồ chính với chiều rộng 6 m, chiều dài 25 m, độ sâu từ 1,3 m - 2,2 m, đủ chuẩn cho mọi người có thể bơi. “Gia đình tôi muốn đầu tư hồ bơi từ lâu, nhưng do lúc đầu chưa có kinh nghiệm nên cũng phải tính toán, rồi làm đi làm lại, trong đó có việc xử lý phần đế của bể bơi đến 2 lần mới được”, ông Hương cho biết.

Theo ông Hương, ban đầu, hồ bơi sử dụng công nghệ mới nước mặn cho các bể bơi, nhưng sau đã chuyển sang dùng nước ngọt hoàn toàn, nước được xử lý bằng Clo qua một hệ thống lọc nước cẩn thận. Để giữ nước ấm, hồ bơi có hệ thống tự động chạy bằng điện. “Sử dụng hệ thống điện này rất tiện lợi, mọi lúc trong ngày đều có nước ấm, phù hợp với thời tiết Đà Lạt, dù bên ngoài trời lạnh nhưng khi vào bể bơi nước trong hồ luôn đủ độ ấm cho mọi người bơi”, ông Hương nói. Bên cạnh hồ bơi, khách đến bơi còn được sử dụng hệ thống nhà xông hơi, phòng tắm nước ngọt…

Tuy nhiên, hệ thống làm ấm nước bằng điện dù khá tiện lợi, nhanh, nhưng duy trì nó cũng rất tốn kém. Theo ông Hương, để giữ nhiệt theo chuẩn cho cả 3 hồ này, gia đình ông mỗi tháng phải trả từ 120 - 150 triệu tiền điện, cộng với chi phí tiền nước từ 20 - 50 triệu đồng. “Mỗi ngày trung bình chúng tôi thêm vào cho cả 3 hồ khoảng 10 m3 nước, tất cả đều thông qua hệ thống lọc tự động”, ông nói.

Từ khi đưa vào sử dụng đến nay, theo ông Hương, mỗi ngày hồ bơi của ông tiếp nhận chừng 100 lượt người đến bơi và học bơi, rải rác từ sáng đến tối. Còn dịp hè rất đông khách, phải trên 300 lượt người mỗi ngày. Vé vào cửa cho 1 lần bơi từ 65 nghìn đồng cho đến 80 ngàn đồng tùy lứa tuổi, còn nếu ai học bơi thì có các gói riêng, riêng lứa tuổi học sinh học bơi thì hồ bơi có gói ưu đãi từng khóa học. “Hè là lúc đông nhất, ngày nào cũng đông, vì học sinh được nghỉ hè nên nhiều gia đình đưa con đến học bơi, có nhà cả nhà đều bơi luôn”, ông Hương tươi cười.

Hiện hồ bơi có từ 13 - 15 huấn luyện viên (HLV) phụ trách việc dạy bơi cho các lớp theo các khóa, cùng một đội ngũ nhân viên 6 người trực hồ hằng ngày để đảm bảo an toàn. Dù mới đưa vào sử dụng gần 1 năm, nhưng đã có nhiều trường học trên địa bàn Đà Lạt đến hợp đồng với hồ bơi để dạy bơi và tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh, trong đó không chỉ có các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở hay ở cấp tiểu học mà có cả trường mầm non còn đưa các cháu đến hồ để làm quen với môi trường nước.

“Trong số các HLV trên của hồ bơi có không ít người là thầy cô giáo trong các trường học; các trường này trong năm học các thầy cô đưa học sinh trường mình đến học bơi tại hồ bơi. Thường những khóa học như thế chừng 10 buổi tập là các em có thể nắm được các kỹ thuật cơ bản để bơi, biết cách xử lý an toàn khi rơi xuống nước, còn muốn nâng cao thì có thể học thêm”, ông Hương cho biết.

KHUYẾN KHÍCH HỌC SINH CÁC LỨA TUỔI HỌC BƠI

Cùng với hồ bơi gia đình Vũ Hương, trên địa bàn Đà Lạt hiện nay còn có 2 hồ bơi lớn có tổ chức dạy bơi thường xuyên, đó là hồ bơi Phù Đổng và hồ bơi Stillus. Cả 3 hồ bơi này đều là hồ bơi nước ấm trong nhà, trong đó hồ bơi Stillus có công nghệ nước mặn sử dụng cho nước hồ bơi.

Theo Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao Đà Lạt, vẫn còn có không ít những hồ bơi cá nhân của các gia đình hay hồ trong các khách sạn lớn trên địa bàn Đà Lạt được sử dụng để dạy bơi hằng ngày, nhất là trong những dịp hè khi nhu cầu học bơi của thanh thiếu niên thành phố tăng cao. Tuy nhiên, như anh Dương Tuấn Anh - cán bộ Trung tâm, 3 hồ bơi này vẫn là điểm chính của các bậc phụ huynh trong việc chọn cho con em mình học bơi tại Đà Lạt với các khóa học được mở quanh năm.

Vẫn chưa có một con số thống kê cụ thể số học sinh có học bơi, biết bơi trong các trường học tại Đà Lạt hiện nay, nhưng mỗi mùa hè có thể thấy một số lượng rất lớn thanh thiếu niên, học sinh tham gia các khóa học bơi tại các hồ bơi. Như anh Hương cho biết, trong số trên 300 lượt người đến bơi, học bơi các ngày trong hè, hầu hết là những người trong lứa tuổi học sinh.

Để thúc đẩy phong trào học bơi, dạy bơi, tập luyện bơi, học các kỹ năng an toàn, phòng, chống đuối nước cũng như triển khai hiệu quả Chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn, tiến đến phổ cập bơi, hằng năm trong 3 năm gần đây, TP Đà Lạt đều tổ chức giải bơi thiếu niên, nhi đồng toàn thành dành cho các lứa tuổi từ 6 - 15.

Như Giải bơi thiếu niên, nhi đồng TP Đà Lạt năm 2024 do Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao TP Đà Lạt phối hợp với Thành Đoàn Đà Lạt tổ chức trong giữa tháng 8/2024 vừa qua đã có đến 350 vận động viên (VĐV) của 25 đơn vị tham gia, trong đó có các câu lạc bộ bơi của các hồ bơi, các đội đại diện trường học, đại diện cho các phường, xã trên địa bàn Đà Lạt với 2 nội dung thi đấu gồm bơi ếch và bơi tự do.

Theo ông Hồ Hữu Tường - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao Đà Lạt, giải 2024 năm nay có số lượng đơn vị cùng số VĐV tranh tài đông hơn nhiều so với năm 2023, trong đó có rất nhiều câu lạc bộ của các trường học trên địa bàn. Chất lượng của giải cũng được nâng lên khi thời gian về đích của các VĐV nhanh hơn so năm trước.

Trong thời gian đến, theo ông Tường, thành phố vẫn tiếp tục duy trì giải bơi này hằng năm trong hè nhằm thúc đẩy phong trào học bơi phát triển trong cộng đồng dân cư, tạo ra sân chơi cho thanh thiếu niên, phát huy vai trò các cấp, các ngành và toàn xã hội trong học bơi, dạy bơi, tăng cường phòng, chống đuối nước cho trẻ em, thúc đẩy phong trào dạy bơi, học bơi trên địa bàn.

Riêng ông Vũ Hương, chủ nhân hồ bơi gia đình Vũ Hương, hồ bơi của ông dù mới mở ra chỉ khoảng 1 năm nhưng đã có “một lượng khách rất ổn định”. Chính vì vậy, gia đình ông đang cân nhắc để xin giấy phép đầu tư thêm một hồ bơi nước ấm trong nhà mới, cũng gần địa điểm chỗ hồ hiện nay, với quy mô lớn hơn gồm 5 hồ bơi liên hoàn, trong đó xây cả khán đài đủ chuẩn để tổ chức các giải bơi, dự kiến mức đầu tư khoảng 30 tỷ đồng.

VIẾT TRỌNG

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/the-thao/202409/thuc-day-phong-trao-hoc-boi-tai-da-lat-29f33b3/