Thúc đẩy phong trào xây dựng 'Dòng họ học tập'

Với mong muốn khơi dậy tinh thần hiếu học của con em trong dòng họ, từ năm 2003, Ban khuyến học (BKH) của dòng họ Phan, thôn Nhất Nhì, xã Liêm Cần (Thanh Liêm) gồm 16 thành viên đã được thành lập với mục tiêu đặt ra là động viên con em trong dòng họ đi học đúng độ tuổi và phấn đấu học giỏi, chăm ngoan; khuyến khích các gia đình trong dòng họ phát huy tinh thần học liên tục, học suốt đời bằng nhiều hình thức; tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, đời sống văn hóa tại địa phương.

Với mong muốn khơi dậy tinh thần hiếu học của con em trong dòng họ, từ năm 2003, Ban khuyến học (BKH) của dòng họ Phan, thôn Nhất Nhì, xã Liêm Cần (Thanh Liêm) gồm 16 thành viên đã được thành lập với mục tiêu đặt ra là động viên con em trong dòng họ đi học đúng độ tuổi và phấn đấu học giỏi, chăm ngoan; khuyến khích các gia đình trong dòng họ phát huy tinh thần học liên tục, học suốt đời bằng nhiều hình thức; tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, đời sống văn hóa tại địa phương.

Theo đó, BKH dòng họ thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác KHKT, các tiêu chí để được công nhận dòng họ học tập, GĐHT. Trước mỗi năm học mới, dòng họ thường tổ chức khen thưởng các cháu đạt thành tích tốt trong học tập. Và 2 năm trở lại đây, các cháu chưa nhận được giấy khen cũng được tặng quà khích lệ động viên theo đúng tinh thần khuyến học. Số tiền chi thưởng khoảng 5-6 triệu đồng/năm.

Ông Phan Hữu Đồng, Trưởng BKH dòng họ Phan cho biết: Dòng họ Phan có 110 hộ gia đình, trong đó 74 gia đình sinh sống tại địa phương. Trong dòng họ không có hộ nghèo; đời sống kinh tế cơ bản ổn định; không có học sinh vi phạm pháp luật, mắc tệ nạn xã hội. Phát huy truyền thống cách mạng, truyền thống hiếu học, từ dòng họ đến mỗi gia đình đều nhận thức rõ tầm quan trọng và ý nghĩa của việc học đối với sự phát triển của con cháu. Do đó, cùng với quan tâm tạo điều kiện về vật chất, tinh thần cho con cháu trong nhà, các gia đình còn tích cực tham gia xây dựng và ủng hộ quỹ khuyến học, thể hiện nét đẹp văn hóa, sự quan tâm của họ tộc đối với sự nghiệp trồng người. Trong đó, có một gia đình ủng hộ 33 triệu đồng, một gia đình ủng hộ 12 triệu đồng, một số gia đình ủng hộ từ 1-3 triệu đồng. Số dư quỹ khuyến học hiện có là 67 triệu đồng. 20 năm qua, dòng họ có hơn 800 lượt học sinh các cấp được dòng họ khen thưởng với tổng trị giá gần 80 triệu đồng. Dòng họ hiện có 1 tiến sĩ, 11 thạc sĩ, 83 cử nhân…

Với những thành tích đạt được, dòng họ Phan đã được Trung ương HKH Việt Nam tặng Bằng khen, HKH tỉnh tặng Giấy khen; 2 cá nhân được tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp khuyến học” và nhiều cá nhân, gia đình được HKH cấp trên, UBND xã khen thưởng. Sự ghi nhận đó là tiền đề để dòng họ Phan tiếp tục phát triển, hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ về công tác KHKT, xứng đáng là dòng họ học tập tiêu biểu của huyện.

Năm 2012, dòng họ Cao, thôn Trúc Sơn, xã Tiên Tân, TP Phủ Lý thành lập BKH gồm 5 thành viên. Dòng họ có tổng số 213 nhân khẩu, trong đó có 131 nhân khẩu đang sinh sống tại địa phương và 84 nhân khẩu sinh sống ở các tỉnh, thành phố trong nước và ở nước ngoài. Hằng năm, khi con cháu tề tựu về nhà thờ họ để làm lễ giỗ tổ, trao thưởng khuyến học, BKH dòng họ Cao thường lồng ghép tuyên truyền, phổ biến bộ tiêu chí GĐHT, dòng họ học tập. Vận động các gia đình, cá nhân nêu cao ý thức học tập thường xuyên, cập nhật kiến thức, kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả sản xuất; quan tâm chăm lo việc học tập của con cháu. Hằng năm, dòng họ tổ chức trao thưởng cho các cháu đạt thành tích cao trong học tập vào đầu tháng 9 trước thềm khai giảng năm học mới tại nhà thờ họ thể hiện nét văn hóa truyền thống của dòng tộc.

Trong 11 năm qua, dòng họ Cao duy trì tốt hoạt động KHKT và đã tổ chức tuyên dương, khen thưởng 51 học sinh. Giá trị phần thưởng tuy không lớn, nhưng quan trọng hơn thông qua đó thể hiện sự quan tâm sâu sắc của dòng họ đối với việc học của con cháu, khuyến khích con cháu vươn lên học tập tốt, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của dòng họ.

Họ Phan, thôn Nhất Nhì, xã Liêm Cần, Thanh Liêm khen thưởng các cháu đạt thành tích cao trong năm học 2022-2023. Ảnh: Hải Yến

Trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều dòng họ học tập tiêu biểu trên địa bàn tỉnh. Mỗi dòng họ có một cách thức khuyến học riêng, nhưng tất cả đều chung mục đích là nuôi dưỡng và phát huy giá trị truyền thống, giáo dục con cháu giữ gìn phẩm chất tốt đẹp của tổ tiên, coi sự học là đạo lý, coi công tác KHKT, xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ chính trong phát triển văn hóa dòng họ. Đồng thời, gắn kết phong trào xây dựng dòng họ học tập với các cuộc vận động, phong trào thi đua tại địa phương, vận động các gia đình tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào lao động sản xuất, tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; đóng góp xây dựng các công trình dân sinh, nêu cao ý thức trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông…

Để được công nhận dòng họ học tập, phải đáp ứng một số tiêu chí, như: Có từ 80% số gia đình trong dòng họ đạt GĐHT; 40% người lớn trong dòng họ đạt danh hiệu “Công dân học tập”; dòng họ có nhiều hình thức động viên, khen thưởng kịp thời đối với những thành viên có tinh thần tự học và tham gia học tập thường xuyên, giúp đỡ các gia đình khó khăn; có quỹ khuyến học; trong dòng họ không có hộ nghèo, tích cực tham gia các phong trào thi đua tại địa phương. Như vậy, có thể thấy, các mô hình học tập nói chung và mô hình dòng họ học tập, GĐHT nói riêng không chỉ quan tâm đến sự học của học sinh, sinh viên, mà còn nhấn mạnh đến sự học của người lớn.

Ông Đỗ Văn Sáng, Chủ tịch HKH tỉnh khẳng định: Hiếu học là truyền thống lâu đời của người Việt. Trong đó, việc xây dựng những dòng họ học tập có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy phong trào học tập trong mỗi gia đình, mỗi địa phương phát triển mạnh mẽ. Trên địa bàn tỉnh có 2.842 dòng họ thành lập BKH, trong đó 2.040 dòng họ đăng ký phấn đấu đạt dòng họ học tập. Hiện tại, có 1.726 dòng họ đã được công nhận dòng họ học tập, đạt tỷ lệ 61%. Tất cả các dòng họ đều xây dựng được quỹ khuyến học, có quy chế hoạt động theo Điều lệ HKH Việt Nam; có hình thức động viên, khen thưởng, ghi công, ghi danh cho con cháu có thành tích, công lao cống hiến cho xã hội, dòng họ; giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong dòng họ… Công tác khuyến học trong dòng họ không chỉ dừng lại ở việc thành lập quỹ khuyến học, trao học bổng, tuyên dương khen thưởng hay hỗ trợ học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn, mà rộng hơn, đó là sự khuyến khích học tập suốt đời của tất cả mọi người, ở mọi độ tuổi, ngành nghề… để có tri thức mới, hình thành những kỹ năng mới giúp lao động hiệu quả hơn, cuộc sống văn minh, hạnh phúc hơn, tạo nền tảng xây dựng xã hội học tập.

Hoàng Hải

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/que-huong-nui-doi-song-chau/thuc-day-phong-trao-xay-dung-dong-ho-hoc-tap-106744.html