Thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác Việt Nam – Armenia

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Cộng hòa Armenia Nikol Pashinyan và phu nhân thăm chính thức Việt Nam từ ngày 4 đến 7-7.

Nằm ở Tây Á, thuộc khu vực Caucasus, có đường biên giới giáp Azerbaijan, Gruzia, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, Cộng hòa Armenia có diện tích 29.743km2 với dân số 2,98 triệu người (tính đến tháng 12-2017). Trải qua những thăng trầm của lịch sử, từ giữa những năm 90 của thế kỷ trước, Armenia bắt đầu tiến hành cải cách kinh tế, chuyển sang kinh tế thị trường. Armenia đã tiến hành tư nhân hóa, cải cách hệ thống ngân hàng-tài chính, luật pháp nhằm thu hút đầu tư nước ngoài và khuyến khích sản xuất trong nước. Những năm gần đây, tốc độ phát triển của Armenia tương đối ổn định, lạm phát thấp. Armenia có tiềm năng sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng điện tử cao cấp, đồng, dây cáp, thuốc lá, sữa, thịt, rượu cô-nhắc, đồ trang sức và có nhu cầu nhập khẩu các loại ngũ cốc, đường, sản phẩm công nghệ cao, nhiên liệu.

Là nước nhỏ và nghèo tài nguyên, vị trí địa lý không thuận lợi, các ngành sản xuất công-nông nghiệp của Armenia chiếm tỷ trọng nhỏ trong GDP, phải phụ thuộc lớn vào các nguồn nguyên liệu sản xuất bên ngoài. Armenia có chính sách, cơ chế tốt thu hút kiều bào ở nước ngoài và hằng năm lực lượng này chuyển một khoản ngoại tệ lớn về nước, đóng góp vào ngân sách nhà nước. Theo thống kê, trong năm 2017, lượng kiều hối gửi về Armenia là 1,76 tỷ USD.

Trong đối ngoại, Armenia thực hiện chính sách đa phương, cân bằng, quan hệ với Nga, phương Tây và Liên minh châu Âu (EU) nhằm tranh thủ tối đa đầu tư nước ngoài và vốn để phát triển kinh tế, cũng như bảo đảm an ninh quốc gia. Hiện nay, Armenia là thành viên của hơn 40 tổ chức quốc tế và khu vực, trong đó có Liên hợp quốc, Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), Hội đồng châu Âu, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Tổ chức hợp tác kinh tế Biển Đen, Cộng đồng Pháp ngữ... Armenia cũng tích cực tham gia vào các cơ chế hợp tác khác, như: Phong trào Không liên kết, tham gia chương trình “đối tác vì hòa bình” của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Việt Nam-Armenia thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 14-7-1992. Kể từ đó đến nay, hai nước đã duy trì và củng cố quan hệ chính trị tốt đẹp. Cộng hòa Armenia đã từng dành cho nhân dân Việt Nam sự giúp đỡ quý báu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, trong đó có hoạt động hỗ trợ đào tạo cán bộ, sinh viên Việt Nam. Ngày nay, hai bên thường xuyên phối hợp và ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế, tiếp xúc, trao đổi đoàn các cấp, đẩy mạnh hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước, qua đó nâng cao sự tin cậy chính trị, hiểu biết lẫn nhau, tạo cơ sở vững chắc cho việc mở rộng, phát triển quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại, đầu tư và các lĩnh vực khác.

Việt Nam và Armenia có cơ chế Ủy ban Liên chính phủ về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật. Do địa lý xa xôi, tiềm năng kinh tế không lớn nên quan hệ kinh tế-thương mại giữa Armenia với Việt Nam còn ở mức khiêm tốn. Kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Armenia năm 2015 đạt 6,1 triệu USD; năm 2016 đạt 2,4 triệu USD (giảm 62% so với năm 2015); năm 2018 đạt 3,6 triệu USD. Việc Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu (Nga, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Armenia) ký hiệp định thương mại tự do vào ngày 29-5-2015 tại tỉnh Burabai, Kazakhstan đã góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy thương mại song phương giữa Việt Nam và Armenia.

Trong bối cảnh quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước phát triển ổn định, chúng ta tin tưởng rằng, chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Nikol Pashinyan và phu nhân lần này sẽ thành công tốt đẹp, đưa quan hệ Việt Nam-Armenia tiếp tục phát triển trong các lĩnh vực mà hai bên có tiềm năng, nhu cầu và lợi ích.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/xa-luan/thuc-day-quan-he-huu-nghi-truyen-thong-va-hop-tac-viet-nam-armenia-581657