Thúc đẩy quan hệ Việt Nam với Uzbekistan và Armenia lên tầm cao mới

Nhận lời mời của Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) Tulia Ackson và Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện thế giới Martin Chungong, Chủ tịch Thượng viện Quốc hội Uzbekistan Tanzila Narbaeva, Chủ tịch Quốc hội Armenia Alen Simonyan, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân tham dự Đại hội đồng lần thứ 150 của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU-150), thăm chính thức Cộng hòa Uzbekistan và Cộng hòa Armenia từ ngày 2 - 8/4/2025.

Lễ đón Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân tại Sân bay quốc tế Zvartnots, Thủ đô Yerevan, Cộng hòa Armenia, ngày 1/4/2025. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Lễ đón Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân tại Sân bay quốc tế Zvartnots, Thủ đô Yerevan, Cộng hòa Armenia, ngày 1/4/2025. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Nhân chuyến thăm, phóng viên TTXVN tại Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) đã phỏng vấn Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Việt Nam tại LB Nga, kiêm nhiệm Uzbekistan và Armenia, Đặng Minh Khôi. Sau đây là nội dung phỏng vấn:

Xin Đại sứ cho biết những dấu mốc chính trong quan hệ giữa Việt Nam và Armenia, Việt Nam và Uzbekistan hiện nay?

Có thể nói quan hệ giữa Việt Nam và Cộng hòa Armenia hết sức đặc biệt. Hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1992, đến nay là hơn 30 năm. Nhưng nhìn ngược lại chiều dài lịch sử thì đây là hai nước cộng hòa trong Liên bang Xô viết. Vào ngày 30/1/1950, chúng ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Liên bang Xô viết, trong đó có cả hai nước này. Như vậy, có thể nói quan hệ giữa Việt nam với Armenia và Uzbekistan trải dài suốt 75 năm và trong thời kỳ đầu, hai nước Armenia và Uzbekistan đã ủng hộ, giúp đỡ chúng ta rất nhiều, cũng như các nước thành viên khác của Liên bang Xô viết. Sau 30 năm thiết lập ngoại giao chính thức, đến nay, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Trần Thanh Mẫn sẽ có chuyến thăm chính thức đến hai nước này từ ngày 2 - 8/4/2025. Đây là chuyến thăm đầu tiên, không những của Chủ tịch Quốc hội chúng ta mà còn của lãnh đạo cấp cao của chúng ta đến hai nước này. Mục đích chuyến thăm nhằm duy trì, tăng cường quan hệ hữu nghị, truyền thống trước đây, và tìm kiếm những cơ hội để thúc đẩy quan hệ hợp tác, nâng lên tầm cao mới.

Một điều đặc biệt cần phải ghi nhận là cả lãnh đạo và nhân dân hai nước Armenia và Uzbekistan đều có tình cảm đặc biệt đối với Việt Nam. Lãnh đạo của hai nước này đã nhiều lần sang thăm Việt Nam. Tổng thống Uzbekistan sang thăm Việt Nam năm 2012, Chủ tịch Quốc hội Armenia thăm Việt Nam năm 2024 và còn nhiều chuyến thăm cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng và đặc biệt là Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev có tình cảm hết sức đặc biệt với Việt Nam. Khi chúng tôi tiếp xúc với Bộ ngoại giao Uzbekistan thì có được kể rằng ông Mirziyoyev từng là Phó Hiệu trưởng Đại học Thủy lợi Uzbekistan. Và thời kỳ đó có rất nhiều sinh viên Việt Nam theo học. Chúng tôi đã có kiểm tra lại thông tin thì dưới thời Xô viết, chúng ta có 3.000 sinh viên học tập tại Uzbekistan và 2.000 sinh viên học tập tại Armenia. Đến nay những sinh viên này vẫn giữ nhiều vai trò, vị trí quan trọng trong các cơ quan bộ máy Đảng, Nhà nước, cũng như trong doanh nghiệp của Việt Nam.

Theo Đại sứ, đâu là những trọng tâm triển vọng trong hợp tác mà Việt Nam có thể xây dựng với hai nước Trung Á này?

Uzbekistan giúp đỡ chúng ta trong phát triển ngành dầu khí rất tốt. Cho nên chúng tôi đặt kỳ vọng rất lớn vào chuyến thăm lần này của Chủ tịch Quốc hội. Theo kinh nghiệm của chúng tôi thì chuyến thăm cấp cao đóng vai trò hết sức quan trọng trong tăng cường quan hệ hai nước, kể cả vai trò của nghị viện, của đối ngoại Quốc hội. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn có kế hoạch hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Armenia, Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch Hạ viện Uzbekistan, có chào Tổng thống và Thủ tướng của hai nước này. Bên cạnh việc trao đổi, tăng cường hợp tác liên nghị viện giữa hai nước, chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng thể chế, pháp luật, tăng cường hợp tác giữa nhóm nghị sỹ hữu nghị, thì cũng tập trung trao đổi với lãnh đạo của hai nước này về những phương châm lớn, cũng như biện pháp cụ thể để mở rộng hơn nữa hợp tác hai nước trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là chính trị, kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục đào tạo. Tôi xin lấy ra một số ví dụ: hợp tác kinh tế-thương mại, cả hai nước này với Việt Nam chúng ta có tiềm năng rất lớn, tuy nhiên đến nay kim ngạch thương mại với hai nước còn có quy mô rất khiêm tốn. Của Việt Nam với Armenia là khoảng 500 triệu USD, với Uzbekistan là 200 triệu USD, và chưa khai thác hết tất cả các tiềm năng.

Trong khuôn khổ chuyến thăm lần này, Chính phủ hai nước sẽ tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp quy tụ rất nhiều doanh nghiệp, cả nhà nước và tư nhân của hai nước, để bàn về hợp tác cụ thể. Ví dụ như với Armenia trao đổi về sản xuất điện thoại, linh kiện điện tử, dệt may và các mặt hàng nông nghiệp và thủy sản. Với Uzbekistan, chúng ta trao đổi thêm cả lĩnh vực khai thác dầu khí, khoáng sản, lĩnh vực nông nghiệp và dệt may.

Và đặc biệt với cả hai nước này, chúng ta trao đổi thêm về việc tăng cường hợp tác du lịch. Cả Armenia và Uzbekistan đều có những phong cảnh đẹp, có nhiều điểm lý thú có thể thu hút, lôi cuốn khách du lịch Việt Nam. Ví dụ như Armenia là nước đầu tiên công nhận Cơ đốc giáo là đạo chính thống, ở Uzbekistan có văn hóa Trung Á, văn hóa Hồi giáo hết sức đặc sắc mà tôi tin là người Việt Nam rất quan tâm và muốn tìm hiểu. Ngược lại, Việt Nam chúng ta là đất nước hết sức tươi đẹp, có bờ biển và khu nghỉ dưỡng rất đẹp và du khách của hai nước này đều rất mong muốn đến thăm. Khó khăn nhất hiện nay giữa Việt Nam và Armenia, Uzbekistan là chúng ta chưa có đường bay thẳng. Với Uzbekistan, chúng ta có chuyến bay charter bắt đầu mở ra từ năm ngoái, qua đó giúp hoạt động du lịch tăng lên rất nhanh. Năm ngoái đã có 20.000 khách du lịch của Uzbekistan thăm Việt Nam. Ngược lại, có 1.200 khách du lịch Việt Nam thăm Uzbekistan. Hợp tác hàng không, du lịch cũng là điểm để hai bên trao đổi.

Ngoài ra, chúng ta còn trao đổi thêm về hợp tác giáo dục-đào tạo để kế thừa truyền thống trước đây, từ thời Xô viết. Hiện nay, hợp tác giáo dục đào tạo hai bên có quy mô rất nhỏ. Sinh viên hai nước còn số lượng rất khiêm tốn, nhưng điều đáng mừng, tại Uzbekistan có trường Đại học Phương Đông, tại đó có khoa tiếng Việt với nhiều sinh viên học tiếng Việt. Tôi rất kỳ vọng chuyến thăm lần này không những giúp duy trì quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam với Armenia và Uzbekistan, mà tạo động lực mới nâng quan hệ hợp tác lên tầm cao mới, làm sao cho hợp tác thực chất, hiệu quả và tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước chúng ta.

Hiện nay các bộ, ngành của hai nước đang trao đổi các văn kiện hợp tác. Tháp tùng Chủ tịch Quốc hội có lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Giáo dục đào tạo, Bộ Y tế, Kiểm toán và một số địa phương của hai nước chúng ta. Một số bộ, ngành và các địa phương hai bên đang tăng cường trao đổi với nhau, và tôi tin tưởng rằng sau chuyến thăm lần này hợp tác trên tất cả các lĩnh vực này sẽ có bước chuyển mới, và sau chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội sẽ có nhiều lãnh đạo của cả Uzbekistan và Armenia sang thăm Việt Nam, nhiều các nhà doanh nghiệp của hai nước này sang thăm Việt Nam, cũng như doanh nghiệp Việt Nam sang tìm hiểu thị trường của hai nước này. Điều quan trọng nhất làm sao để hai bên hiểu biết lẫn nhau, nắm rõ thị trường, tiềm năng của hai bên. Thực chất tiềm năng hợp tác rất lớn.

Uzbekistan rất muốn thông qua Việt Nam để kết nối chặt chẽ hơn với các nước ASEAN, và cũng mong muốn sẵn sàng trở thành cầu nối để Việt Nam kết nối với các nước châu Âu. Vì hiện nay Uzbekistan đang cải cách rất mạnh mẽ, đang mở cửa và nhiều doanh nghiệp châu Âu đang đầu tư ở Uzbekistan. Tại Armenia, chúng ta là nước đầu tiên ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) và Armenia là thành viên. Trong khuôn khổ song phương, cũng như trong khuôn khổ EAEU có rất nhiều cơ hội để chúng ta tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại. Hiện nay giữa Việt Nam và EAEU đang đàm phán lại FTA, mở thêm nhiều lĩnh vực, mặt hàng, giảm mạnh thuế hai bên. Tôi tin tưởng chắc chắn rằng hợp tác giữa Việt Nam với Armenia trong khuôn khổ song phương và trong khuôn khổ EAEU sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Đại sứ Việt Nam tại LB Nga, kiêm nhiệm Armenia, Uzbekistan Đặng Minh Khôi trả lời phỏng vấn TTXVN. Ảnh: TTXVN phát

Đại sứ Việt Nam tại LB Nga, kiêm nhiệm Armenia, Uzbekistan Đặng Minh Khôi trả lời phỏng vấn TTXVN. Ảnh: TTXVN phát

Xin Đại sứ cho biết những nét chính về cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống tại hai quốc gia này?

Cộng đồng người Việt ở cả Uzbekistan và Armenia rất bé nhỏ. Sau khi Liên Xô tan rã và Armenia, Uzbekistan độc lập thì số lượng người Việt Nam ở hai nước này giảm mạnh. Nhưng trong những năm gần đây bắt đầu đã có tăng trưởng trở lại. Ví dụ như ở Uzbekistan có khoảng 40 - 50 bà con sinh sống, lao động và học tập, trong đó nhiều người đã hội nhập tốt vào xã hội sở tại. Có những người lấy vợ, chồng là người địa phương, đã mở nhà hàng, công ty, tất nhiên quy mô còn nhỏ, về du lịch, thương mại. Và chúng ta cũng có hợp tác nông nghiệp ở đây. Có một số chuyên gia của Việt Nam sang và cũng đang làm ăn. Một số doanh nghiệp Việt Nam ở trong nước và doanh nghiệp Việt Nam ở LB Nga cũng đang tìm cách mở rộng đầu tư ở Uzbekistan. Tôi tin tưởng chắc chắn rằng với đà phát triển kinh tế, hợp tác thương mại giữa hai nước, cộng đồng của chúng ta sẽ ngày càng lớn mạnh hơn. Nhưng điều quan trọng là Uzbekistan đánh giá rất cao cộng đồng người Việt và có nhiều hỗ trợ.

Tại Armenia, trong những năm gần đây hầu như không có bà con sinh sống. Nhưng trong năm 2024, đặc biệt trong những tháng đầu tiên năm 2025, số lượng bà con Việt Nam sang Armenia, đặc biệt là Yerevan tăng lên rất nhanh chóng. Trong chuyến đi công tác để chuẩn bị cho chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội, chúng tôi đã đến thăm nhà hàng của Việt Nam. Tất nhiên, người chủ mở nhà hàng này là người Nga và Armenia, và là cửa hàng nhượng quyền của quán Phở Bò ở LB Nga, nhưng đầu bếp chính là người Việt Nam, nấu ăn rất ngon. Chúng tôi có thử Phở và nhiều món Việt Nam rất đặc sắc và đặc biệt là lúc nào cũng đông khách, nhất là cuối tuần. Có một số thanh niên Việt Nam sang đây từ rất trẻ và đi tìm hiểu cơ hội mới. Cộng đồng của chúng ta ở đây là chưa hình thành chính thức, có khoảng 20 - 30 người, đi lại bằng visa du lịch hoặc đang làm giấy tờ. Tuy nhiên, tôi tin rằng với sự hợp tác hai nước, đặc biệt là sau chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, cũng như tiềm năng và cơ hội của hai nước trong hợp tác kinh tế - thương mại thì cộng đồng chúng ta ở thủ đô Yerevan sẽ tăng lên nhanh chóng trong thời gian tới.

Xin cảm ơn Đại sứ!

Tâm Hằng - Quang Vinh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/thuc-day-quan-he-viet-nam-voi-uzbekistan-va-armenia-len-tam-cao-moi-20250402093305549.htm