Thúc đẩy sản xuất công nghiệp trở thành tàu kéo phát triển kinh tế
Năm 2020 và 3 tháng đầu năm nay, dịch Covid-19 bùng phát tác động tiêu cực đến các mặt đời sống xã hội, trong đó, sản xuất công nghiệp (SXCN) chịu ảnh hưởng không nhỏ. Song, dưới sự lãnh đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc có trách nhiệm của các sở, ngành chức năng và sự năng động, linh hoạt của cộng đồng doanh nghiệp đã giúp các cơ sở SX-KD vừa phục hồi, phát triển sản xuất, vừa sẵn sàng phòng, chống dịch bệnh nhằm đảm bảo thực hiện thắng lợi mục tiêu kép trong trạng thái bình thường mới.
Từ nhiều năm nay, Công ty CP Sơn Thủy (xã Mông Hóa - TP Hòa Bình) được biết đến là một doanh nghiệp có uy tín trong lĩnh vực chế biến lâm sản, chuyên sản xuất ván ép phủ film phục vụ xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc. Giám đốc công ty Nguyễn Xuân Thủy cho biết: Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên có những tháng công ty phải sản xuất cầm chừng vì không có đơn hàng. Trước bối cảnh đó, ban lãnh đạo và đội ngũ cán bộ, công nhân lao động đã đồng lòng chia sẻ khó khăn; kịp thời nắm bắt thông tin thị trường để có kế hoạch sản xuất phù hợp. Đặc biệt, để có nguồn nguyên liệu chất lượng cao, công ty đã chủ động hợp tác với các hộ dân trong tỉnh để cấp chứng chỉ rừng FSC cho cây gỗ keo. Sự hợp tác này đã tạo giá trị và thương hiệu cho cây gỗ keo đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sản phẩm sang các nước châu Âu. Năm qua, công ty sản xuất được 22.200 m3 gỗ xẻ; 11.500 m3 sản phẩm gỗ ván phủ film; doanh thu hơn 200 tỷ đồng, trong đó, giá trị xuất khẩu khoảng 4,5 triệu USD, sản phẩm bán trong nước 96,5 tỷ đồng. Công ty giải quyết việc làm ổn định cho hơn 150 lao động với thu nhập từ 8 - 12 triệu đồng/người/tháng.
Tìm hiểu thực tế được biết, thời gian qua, cũng như Công ty CP Sơn Thủy, trong tỉnh có nhiều doanh nghiệp SXCN đã xoay sở để thích ứng với bối cảnh mới và chủ động tiếp cận thị trường, nhất là thị trường nội địa nhằm tìm ra hướng đi phù hợp. Nhờ vậy, giá trị SXCN của tỉnh đạt được kết quả ấn tượng. Năm 2020 đạt 43.007 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ, thực hiện 100% kế hoạch năm; chỉ số SXCN tăng 10% so với cùng kỳ. 3 tháng đầu năm nay, giá trị SXCN ước đạt trên 9.700 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ; chỉ số SXCN ước tăng 9,5%. Đến cuối năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 352 dự án SXCN, chiếm gần 60% tổng dự án. Các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp tập trung vào thế mạnh của tỉnh như: Thủy điện, chế biến khoáng sản, chế biến nông, lâm sản và hạ tầng công nghiệp… Có 32 dự án vốn đầu tư nước ngoài thuộc lĩnh vực công nghiệp, chiếm 78% tổng số dự án có vốn đầu tư nước ngoài của tỉnh, chủ yếu là của các doanh nghiệp Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, với mục tiêu huy động nguồn lực hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư, phát triển sản xuất CN-TTCN, công tác khuyến công đã được quan tâm triển khai. Trong giai đoạn 2016 - 2020, kinh phí khuyến công hỗ trợ được 31 đề án với tổng số tiền 30,523 tỷ đồng, tập trung hỗ trợ máy móc thiết bị tiên tiến ứng dụng vào sản xuất; hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ; mô hình trình diễn kỹ thuật… Thông qua các chương trình, hoạt động khuyến công đã góp phần thúc đẩy SXCN, khơi dậy tiềm năng phát triển một số ngành nghề có lợi thế của tỉnh. Chương trình khuyến công đã khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn định hướng đầu tư đúng đắn, có hiệu quả, mở rộng SX-KD và gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường, giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững, từng bước tham gia hội nhập kinh tế quốc tế.
Những năm qua, tỉnh cũng ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển. Đặc biệt, UBND tỉnh đang sát sao chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương rà soát, đánh giá thực trạng các khu, cụm công nghiệp để điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phù hợp; kiên quyết đưa ra khỏi quy hoạch những cụm công nghiệp quy mô quá nhỏ, không có lợi thế. Phấn đấu đến năm 2025, diện tích đất các khu, cụm công nghiệp chiếm khoảng 1% diện tích đất tự nhiên của tỉnh.
Đồng chí Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Với vai trò là cơ quan QLNN về phát triển công nghiệp, ngành sẽ tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương và chủ động tham mưu UBND tỉnh, tiếp tục thúc đẩy tái cơ cấu trong các lĩnh vực SXCN. Trong đó, xác định trọng tâm là khu vực công nghiệp hỗ trợ tái cơ cấu các chuỗi liên kết để phục vụ SXCN, đặc biệt là một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ… theo hướng bền vững hơn, tránh phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường nhất định. Chú trọng phát triển công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao; khuyến khích phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp chế biến sâu... Từ đó thực hiện mục tiêu phát triển công nghiệp thực sự trở thành động lực của nền kinh tế, là tàu kéo cho các ngành khác cùng phát triển.