Thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ và doanh nghiệp do nữ làm chủ trong quá trình chuyển đổi xanh
Gần 100 đại biểu, đại diện các cơ quan Bộ ngành, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tổ chức Quốc tế tại Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp tại TP Hà Nội và các tỉnh lân cận đã tham gia Hội thảo 'Thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ và doanh nghiệp do nữ làm chủ trong quá trình chuyển đổi xanh' tổ chức ngày 10/7 tại Hà Nội.
Hội thảo do Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) tổ chức, với sự đồng hành của Công ty Cổ phần Chứng khoán VPS. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án "Empower: Nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ thông qua chuyển đổi xanh" do Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) tài trợ.
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ và doanh nghiệp do nữ làm chủ trong quá trình chuyển đổi xanh, bà Mai Thị Diệu Huyền, Phó Chủ tịch phụ trách, Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC), VCCI, cho biết: Chuyển đổi xanh đang được các nước nhìn nhận và đánh giá là một điều tất yếu nếu các nước muốn phát triển, tham gia sân chơi toàn cầu. Cùng với nỗ lực chung Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng đã chủ động, tích cực tìm hiểu thông tin, nguồn lực để có thể từng bước chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng xanh và bền vững.
Tuy nhiên, để hiện thực hóa mô hình này đòi hỏi các doanh nghiệp trước hết là phải có sự thay đổi về nhận thức của đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp, tiếp đó là từng bước thực hiện "chuyển đổi xanh" trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh như đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ mới giảm tiêu hao năng lượng; thay đổi quy trình sản xuất, vận hành; tuân thủ các cam kết về phát triển bền vững và tăng trưởng xanh… Đây chắc chắn cũng là một thách thức đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ quy mô siêu nhỏ, nhỏ hạn chế về các nguồn lực như vốn, công nghệ và năng lực quản trị.
"Trong suốt chặng đường gần 25 năm đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân nữ, Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam đã phối hợp với các đối tác để triển khai đa dạng các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, lãnh đạo tại Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi luôn xác định một trong những nhiệm vụ ưu tiên của VWEC đó là hỗ trợ, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, lãnh đạo, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ trong quá trình chuyển đổi xanh", bà Mai Thị Diệu Huyền khẳng định.
Thúc đẩy nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ thông qua chuyển đổi xanh
Đánh giá về cơ hội và thách thức đối với phụ nữ và doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trong quá trình chuyển đổi/chuyển dịch xanh, theo TS. Nguyễn Sỹ Linh (Trưởng ban Biến đổi khí hậu và các vấn đề toàn cầu Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường), chuyển đổi xanh vừa là thách thức và là cơ hội. Chuyển đổi xanh là đang diễn ra ở quy mô toàn cầu, các doanh nghiệp vừa và nhỏ không thể đứng ngoài cuộc.
Số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam chiếm hơn 95% tổng số các doanh nghiệp, đóng góp khoảng 45% GDP của cả nước vào năm 2022. Hiện nay, Việt Nam chưa thực sự có chính sách cụ thể về Chuyển đổi xanh mà được lồng ghép vào các chính sách biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh hay chuyển đổi năng lượng công bằng. Chuyển đổi xanh vừa là quá trình, vừa là mục tiêu. Vì vậy, cần thường xuyên đánh giá, giám sát để có những điều chỉnh cần thiết, kịp thời. Mục tiêu chuyển đổi xanh phải được thực hiện trong sản xuất, tiêu dùng và thải bỏ.
Bà Trần Thị Thu Thủy, Giám đốc Khối trải nghiệm khách hàng, Công ty CP Chứng khoán VPS, chia sẻ, để hiện thực hóa quyền bình đẳng cho giới nữ nói chung và hỗ trợ các nữ chủ doanh nghiệp trên hành trình chuyển đổi xanh nói riêng, VPS đã đề ra một chiến lược toàn diện với lộ trình dài hạn và các hoạt động đa chiều.
Trong đó, "4 Trao" được doanh nghiệp triển khai, thực hiện. Bao gồm, thứ nhất là Trao quyền: Khuyến khích và hỗ trợ nữ doanh nhân đảm nhận vai trò lãnh đạo trong cộng đồng kinh doanh, thúc đẩy sự cân bằng giới trong các vị trí quản lý và điều hành. Thứ hai là Trao cơ hội: Tăng cường hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp do nữ giới làm chủ; cung cấp các chương trình tư vấn và hỗ trợ tài chính, giúp nữ chủ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn đầu tư và các cơ hội thị trường mới. Thứ ba là Trao kiến thức: Cung cấp các chương trình đào tạo và cố vấn để trang bị cho nữ doanh nhân những kiến thức và kỹ năng cần thiết trong quản lý và phát triển doanh nghiệp bền vững, từ đó giúp họ nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức. Thứ tư là Trao môi trường: Xây dựng một môi trường kinh doanh bình đẳng và thân thiện; tạo lập mạng lưới kết nối giữa các nữ chủ doanh nghiệp để cùng chia sẻ, hỗ trợ và phát triển.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã có dịp trao đổi, thảo luận về những khó khăn của doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trong chuyển đổi xanh; các chương trình, giải pháp, sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, lãnh đạo để nâng cao năng lực và kết nối với các công ty cung cấp giải pháp công nghệ, ngân hàng, tổ chức tài chính có chương trình tài chính xanh, chương trình tài chính, phi tài chính dành cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
Bên cạnh đó, Hội thảo đã cung cấp cho các doanh nghiệp thông tin liên quan đến chính sách, pháp luật về thúc đẩy tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; chia sẻ các chương trình và giải pháp, sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân nữ trong chuyển đổi xanh và bài học kinh nghiệm hỗ trợ phụ nữ và doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ trong quá trình chuyển đổi công bằng và thích ứng với biến đổi khí hậu ở Việt Nam.