Thúc đẩy sự tham gia sớm của trẻ em vào các hoạt động chính trị, xã hội
Sáng 10/9, tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội đã diễn ra Phiên họp giả định 'Quốc hội trẻ em' lần thứ nhất. 263 trẻ em cả nước đã đóng vai Lãnh đạo Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và thành viên Chính phủ để tiến hành một phiên họp đặc biệt.
Nhiều đề xuất có giá trị
Với một phiên họp tại tổ và một phiên họp toàn thể, Quốc hội trẻ em đã nghe báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri về hai nội dung được trẻ em và cả xã hội đặc biệt quan tâm hiện nay, gồm: bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng và phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em.
Các đại biểu Quốc hội trẻ em đã thảo luận, tranh luận, yêu cầu các thành viên Chính phủ trẻ em giải trình về các vấn đề liên quan, từ đó, biểu quyết thông qua Nghị quyết phiên họp với tỉ lệ tán thành rất cao, đưa ra nhiều giải pháp thiết thực. Rất nhiều đề xuất được các đại biểu Quốc hội trẻ em đưa ra nhưng có giá trị với cả người lớn và các cơ quan hoạch định chính sách.
Đơn cử trong vấn đề phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em tại cả gia đình, nhà trường và cộng đồng, đại biểu Hoàng Trà My (Đoàn Nghệ An) đề xuất, các cơ quan chức năng địa phương cần quan tâm trang bị các biển báo về nguy cơ mất an toàn cho trẻ em ở các hồ bơi, ngã ba, ngã tư tại các thôn, xóm; đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng về phòng, tránh tại nạn thương tích, bạo lực, xâm hại thường xuyên hơn bằng hình thức phù hợp, hấp dẫn với trẻ em như kịch tương tác, tiểu phẩm, các trò chơi, các cuộc thi vẽ tranh cổ động…
Với nội dụng này, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Chi (Đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, nhà trường cần tăng cường các biện pháp thúc đẩy sự tham gia của học sinh, lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của học sinh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền và xây dựng phòng tư vấn học đường; tăng cường sự phối hợp với gia đình trong quản lý, giáo dục con; nên tập huấn cho các thầy cô phương pháp nắm bắt tâm lý, các kỹ năng tư vấn, làm việc với trẻ em để hiểu tâm lý và giúp đỡ học sinh. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đầu tư để giúp các trường có các buổi talkshow, giúp học sinh dám đứng lên nói ra ý kiến của mình.
Trong vấn đề bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, an toàn, sáng tạo trên không gian mạng, đại biểu Ngô Thị Kim Cương (Đoàn Tây Ninh) phát biểu, hơn ai hết, gia đình, đặc biệt là cha mẹ chính là những “lá chắn” cho trẻ em nên cần phải chủ động tìm hiểu, ứng dụng các giải pháp về công nghệ số để kiểm soát thông tin cá nhân của trẻ, hướng dẫn những kiến thức cơ bản để giúp con em mình tương tác lành mạnh và an toàn trên môi trường mạng. Khi con em mình bị bạo lực trên mạng, cha mẹ nên thường xuyên hỏi han, trò chuyện, nếu con không dám nói chuyện, cha mẹ cần liên hệ thầy cô, bạn bè để tìm hiểu tình hình, giới thiệu cho con những trang web chia sẻ những khúc mắc để con được hướng dẫn cách thức giải quyết các vấn đề gặp phải.
Nhìn từ góc độ các nhà mạng, đại biểu Phạm Minh Ánh (Đoàn Quảng Ninh) đề nghị, các nhà mạng cần phải có giải pháp kỹ thuật hoặc đưa ra những yêu cầu khi sử dụng mạng, có các phần mềm để kiểm soát nếu bất kì ai đăng hình ảnh nhạy cảm... thì lập tức nhận biết những hình ảnh đó vi phạm quy chế cộng đồng để loại bỏ, không được phép đăng.
Mô hình rất ý nghĩa và hiệu quả
Dự và phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, mô hình phiên họp Quốc hội giả định nhằm thúc đẩy sự tham gia sớm của trẻ em vào các hoạt động chính trị, xã hội, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích của trẻ em, hướng cho trẻ em trở thành những công dân có trách nhiệm với đất nước, xã hội và khả năng trở thành những nhà lãnh đạo trong tương lai.
Nhấn mạnh Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về Quyền trẻ em, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp luật để khẳng định các quyền của trẻ em và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, của gia đình, nhà trường và xã hội trong chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Nổi bật nhất có thể kể đến Luật Trẻ em 2016, Luật Giáo dục 2019, Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em và nhiều chương trình, đề án về phát triển toàn diện trẻ em.
Hiện nay, nước ta đang có trên 25 triệu trẻ em, chiếm 25,5% tổng dân số. Trong đó, 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Gần 100% các cháu đến độ tuổi được đến trường, 95% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine. Đời sống tinh thần, vui chơi giải trí, môi trường giao tiếp xã hội của trẻ em ngày càng phong phú, đa dạng, được các cấp, các ngành và cả xã hội quan tâm, chăm lo. Chương trình hỗ trợ trẻ em mồ côi do đại dịch COVID-19 được đông đảo các cơ quan, đơn vị, cá nhân và tổ chức quốc tế hưởng ứng tích cực.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng, công tác giáo dục, chăm sóc, bảo vệ trẻ em vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhiều trẻ em ở miền núi, vùng cao, trẻ em dân tộc thiểu số chưa có đủ điều kiện để tiếp cận những dịch vụ giáo dục, chăm sóc y tế có chất lượng cao, chưa được bảo đảm tốt về dinh dưỡng. Trẻ em khuyết tật, trẻ mồ côi, trẻ không còn nơi nương tựa còn cần nhiều hơn nữa sự quan tâm của các cơ quan nhà nước và của xã hội. Tình trạng trẻ bị bạo lực, xâm hại, tai nạn, thương tích nhất là đuối nước còn xảy ra ở nhiều địa phương; rất nhiều trẻ đang bị ảnh hưởng tiêu cực từ những thông tin trên mạng internet; tình trạng trẻ em thiếu các sân chơi lành mạnh, bổ ích, an toàn còn khá phổ biến. Thực trạng đó cho thấy chúng ta còn rất nhiều việc phải làm để bảo vệ và chăm sóc tốt hơn nữa cho thế hệ tương lai của đất nước.
Hoan nghênh Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương và các cháu thiếu nhi đã lựa chọn hai nhóm vấn đề rất có tính thời sự là: “Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng” và “Phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em” để thảo luận và kiến nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, tổ chức Đoàn Thanh niên và các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm, thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn các đại biểu Quốc hội trẻ em tiếp tục phấn đấu, có hoài bão, ước mơ, sau này đóng góp thật nhiều cho sự phát triển của đất nước. Đồng thời, bày tỏ hi vọng trong số các đại biểu Quốc hội trẻ tham dự chương trình sẽ có nhiều cháu khi trưởng thành, qua quá trình rèn luyện, phấn đấu sẽ nhận được sự tín nhiệm của nhân dân, trở thành đại biểu Quốc hội thực sự.