Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong khu vực công
Quyết liệt triển khai chủ trương, chính sách của Nhà nước; chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trong khu vực công đã được NHNN phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính và các ban, ngành liên quan triển khai, qua đó, góp hần tiết kiệm chi phí, thời gian, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của xã hội và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Nhiều hình thức thanh toán mới được ứng dụng
Số liệu thống kê của NHNN cho thấy, đến cuối tháng 6/2020, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐTLNH) đã hoàn thành kết nối TTĐTLNH tại 63 KBNN cấp tỉnh; số ngân hàng phối hợp thu với Tổng cục Hải quan là 43, trong đó có 30 ngân hàng tham gia nộp thuế điện tử và thông quan 24/7; số thu ngân sách bằng phương thức điện tử đạt tỷ lệ trên 95% tổng số thu ngân sách của Tổng cục Hải quan; 99% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử; 27 ngân hàng và 10 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (TGTT) phối hợp thu tiền điện, tiền nước...
Trong lĩnh vực y tế, giáo dục, các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT; đã đầu tư giải pháp công nghệ và mạng lưới đủ lớn để thúc đẩy hoạt động TTKDTM; đồng thời phối hợp với trường học để thu viện phí, học phí bằng phương thức TTKDTM với nhiều gói giải pháp thanh toán linh hoạt, phù hợp với đặc thù, điều kiện hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin của các trường học, cơ sở y tế... Cụ thể, nhiều ngân hàng đã hoàn thành triển khai kết nối với hơn 30 bệnh viện để cung ứng dịch vụ thanh toán điện tử. Tại các thành phố lớn, nhiều trường học đã vận hành hệ thống thanh toán học phí qua ngân hàng.
Theo đó, đã có nhiều hình thức thanh toán mới được ứng dụng vào thực tiễn. Chẳng hạn, đối với các trường có hạ tầng kỹ thuật hiện đại và cho phép kết nối chia sẻ dữ liệu giữa trường học với ngân hàng, thì ngân hàng cung cấp dịch vụ thanh toán hóa đơn trực tuyến để nộp học phí qua ứng dụng Mobile banking, Internet banking... Theo đó, việc đối chiếu, xác nhận thanh toán hoàn toàn được xử lý tự động, nhanh chóng, chính xác, tương tự như việc thanh toán hóa đơn điện, nước... hiện nay.
Đối với các trường học, bệnh viện điều kiện kỹ thuật chưa cho phép, ngân hàng có thể cung cấp các gói giải pháp thu hộ dựa trên các nền tảng cung ứng dịch vụ thanh toán của ngân hàng (Mobile banking, Internet banking, Smart banking...), hoặc sử dụng các thiết bị chấp nhận thẻ (POS) để nộp học phí, viện phí...
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, hoạt động TTKDTM trong y tế, giáo dục chưa thực sự phổ biến, đồng đều tại các cấp học và các vùng, miền. Chưa kể, thói quen sử dụng tiền mặt của người dân còn hiện hữu, đây là rào cản lớn nhất khi triển khai sử dụng dịch vụ TTKDTM ở Việt Nam nói chung và ngành giáo dục, y tế nói riêng.
Hơn nữa, việc sử dụng thẻ gặp khó khăn đối với đối tượng già, yếu, cao tuổi. Nhiều bệnh viện, trường học chưa có kỹ thuật, phần mềm và dữ liệu tập trung, chuẩn hóa và tích hợp với hệ thống ngân hàng, nên các bệnh viện, trường học còn gặp nhiều khó khăn trong việc kết nối với hệ thống ngân hàng.
Góp phần thay đổi thói quen thanh toán trong tiêu dùng
Để người dân nhận thấy các lợi ích, yên tâm khi thanh toán qua ngân hàng với các dịch vụ công, công tác truyền thông, giáo dục tài chính đóng vai trò quan trọng. Do đó, thời gian tới, ngoài tăng cường phối hợp với Bộ Tài chính và các ban, ngành liên quan đẩy mạnh hoạt động TTKDTM trong khu vực công, NHNN cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, một mặt, nhằm nâng cao kiến thức cho người dân trong sử dụng sản phẩm; mặt khác, nhằm góp phần cải thiện dịch vụ tài chính của hệ thống ngân hàng, thúc đẩy thanh toán điện tử.
Đến nay, đã có nhiều ngân hàng thương mại hoàn thành triển khai kết nối với hơn 30 bệnh viện để cung ứng dịch vụ thanh toán điện tử. Tại các thành phố lớn, nhiều trường học đã vận hành hệ thống thanh toán học phí qua ngân hàng.
Cùng với đó, ngành Ngân hàng, các tổ chức TGTT cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ như: miễn, giảm phí thanh toán trong lĩnh vực y tế, giáo dục, hỗ trợ các bệnh viện, trường học...
Các ngân hàng thương mại và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán cũng cần triển khai ứng dụng thêm các hình thức, phương thức thanh toán qua ngân hàng tiên tiến, hiện đại, phù hợp với đặc thù thanh toán của mỗi loại hình dịch vụ công. Đồng thời, mở rộng hợp tác giữa các đơn vị cung ứng dịch vụ công với các ngân hàng, tổ chức cung ứng giải pháp thanh toán; đẩy nhanh khả năng kết nối, trao đổi thông tin dữ liệu giữa đơn vị cung ứng dịch vụ công với ngân hàng; tăng cường công tác an ninh, bảo mật trong thanh toán, đảm bảo an toàn tài khoản và quyền lợi hợp pháp của khách hàng.
Đặc biệt, các cơ quan liên quan cần cân nhắc sự cần thiết quy định cơ chế thu, trả phí liên ngân hàng giữa tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT và đơn vị chấp nhận thanh toán. Từ đó, có chính sách áp dụng mức phí trần phù hợp, tạo cơ sở để cơ quan quản lý ban hành quy định về các mức phí thanh toán, điều tiết chính sách phí ưu đãi đối với các dịch vụ công...