Thúc đẩy thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại đô thị lớn của Việt Nam

Theo báo cáo, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại Hà Nội và TP.HCM có chiều hướng gia tăng.

Ngày 14.11, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cùng với Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội và UBND TP.Hà Nội tổ chức Hội nghị “Thúc đẩy thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn của Việt Nam”.

Ô nhiễm môi trường không khí là vấn đề thách thức không chỉ riêng của Việt Nam mà còn là vấn đề nổi cộm của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Theo báo cáo diễn biến chất lượng môi trường không khí của Việt Nam trong thời gian qua, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại hai thành phố trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội là Hà Nội và TP.HCM có chiều hướng gia tăng.

Theo Bộ trưởng Bộ TN-MT Đỗ Đức Duy, ô nhiễm không khí hiện nay là vấn đề không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia khác cũng phải đối mặt. Nhiều nước đã có những bài học kinh nghiệm tốt về quản lý chất lượng môi trường không khí mà chúng ta có thể tham khảo, học hỏi.

Bộ trưởng TN-MT Đỗ Đức Duy phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Bộ TN-MT

Bộ trưởng TN-MT Đỗ Đức Duy phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Bộ TN-MT

Bộ trưởng cho biết tại Việt Nam, vấn đề ô nhiễm không khí đã xuất hiện như hệ quả của quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa. Tuy nhiên, mức độ ô nhiễm đã tăng lên mức đáng lo ngại trong khoảng 10 năm gần đây, tập trung tại các thành phố lớn, như Hà Nội và TP.HCM. Trong đó, thông số ô nhiễm không khí chính hiện nay là bụi mịn kích thước nhỏ hơn 2,5 micromet (PM 2.5).

Theo Bộ trưởng TN-MT, chúng ta cần phải thực hiện ngay các giải pháp tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, giảm thiểu tác động bất lợi đến sức khỏe người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển

Hội nghị cũng đưa ra các nhóm giải pháp quan trọng để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường không khí tại Việt Nam cần tập trung triển khai trong thời gian tới.

Cụ thể, nhóm các giải pháp về chính sách, tập trung vào các chính sách về thuế bảo vệ môi trường, phí bảo vệ môi trường đối với khí thải; chính sách cho vay, hỗ trợ, ưu đãi cụ thể, khả thi đối với “chuyển đổi xanh”; chính sách ưu đãi, hỗ trợ (về thuế nhập khẩu) đối với các thiết bị, công nghệ xử lý hoặc giảm thiểu phát sinh khí thải...

Với nhóm các giải pháp về kỹ thuật, thực hiện theo đúng lộ trình chuyển đổi công nghệ của các nhà máy (nhiệt điện) sử dụng nhiều nguyên liệu thô, phát thải nhiều sang công nghệ sử dụng ít nguyên liệu, phát thải thấp.

Tăng tỷ lệ cây xanh đô thị. Thực hiện khẩn trương công tác kiểm kê nguồn thải và xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải; triển khai các biện pháp giám sát nguồn thải lớn thông qua hệ thống quan trắc tự động và kết nối dữ liệu online…

Nhóm các giải pháp về quản lý, rà soát, có lộ trình di dời các cơ sở thuộc nhóm phát sinh khí thải lớn ra khỏi khu vực đô thị, khu dân cư tập trung; phân vùng để điều tiết hoạt động giao thông vào giờ cao điểm. Kiểm soát thật chặt các hoạt động vận tải, vận chuyển vật liệu xây dựng.

Nghiên cứu giải pháp giao thông đi chung xe tại các đô thị lớn; kiểm soát chặt chẽ các hoạt động đốt phụ phẩm nông nghiệp, đã đến lúc cần xử lý nghiêm các hành vi đốt rác thải, phụ phẩm nông nghiệp trái các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Nhóm giải pháp về nguồn lực, kinh tế, gồm đầu tư nguồn lực cho kiểm soát ô nhiễm các nguồn tác động đến chất lượng môi trường không khí, đặc biệt là biện pháp kỹ thuật về quan trắc môi trường, kiểm soát nguồn thải, bổ sung cây xanh...

Cuối cùng là nhóm giải pháp về truyền thông, tăng cường tuyên truyền trong cộng đồng…

Nhật Anh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/thuc-day-thuc-hien-cac-giai-phap-giam-thieu-o-nhiem-khong-khi-tai-do-thi-lon-cua-viet-nam-226033.html