Thúc đẩy thực hiện đồng quản lý theo Luật Thủy sản 2017 tại Việt Nam

Luật Thủy sản năm 2017 ghi nhận cơ sở pháp lý cho thực hành đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Điều 10 của Luật này làm rõ vai trò quan trọng của tổ chức cộng đồng, trao quyền đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đây là động lực thúc đẩy cộng đồng ngư dân tham gia vào quản lý nguồn lợi, đồng thời góp phần hoàn thiện chính sách quản lý nguồn lợi thủy sản.

Khu vực biển rạn Bà Đậu, 64ha được giao cho Tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi xã Tam Tiến quản lý, bảo vệ. Ảnh: Ái Trinh

Khu vực biển rạn Bà Đậu, 64ha được giao cho Tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi xã Tam Tiến quản lý, bảo vệ. Ảnh: Ái Trinh

Vừa qua, ngày 21/8, tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) phối hợp cùng Chi cục Thủy sản Quảng Nam và UBND xã Tam Tiến tổ chức Hội thảo tổng kết dự án “Hỗ trợ Việt Nam thực hiện Luật Thủy sản 2017 với các sáng kiến từ Trung ương đến địa phương”. Hội thảo có sự tham gia của 75 đại biểu đến từ Cục Kiểm ngư, Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); Chi cục Thủy sản các tỉnh: Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Định, Cà Mau; Phòng Kinh tế thành phố Quy Nhơn; Phòng Nông nghiệp huyện Núi Thành; UBND các xã Nhơn Lý, Tam Tiến, Vạn Hưng; Ban quản lý Cù Lao Chàm; các tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản và các tổ chức xã hội về lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên.

Dự án “Hỗ trợ Việt Nam thực hiện Luật Thủy sản 2017 với các sáng kiến từ Trung ương tới địa phương” do MCD chủ trì thực hiện, được triển khai tại 3 tỉnh Bình Định, Quảng Nam, Khánh Hòa, với sự tài trợ bởi Tổ chức Từ thiện Rockefeller (RPA) Hoa Kỳ thông qua Chương trình Ocean 5. Mục tiêu của dự án nhằm thực hiện, mở rộng quy mô thực hành đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại khu vực duyên hải miền Trung; hỗ trợ năng lực cho các đối tác cấp Trung ương, địa phương xây dựng Chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; hỗ trợ kỹ thuật và chiến lược thực hiện đồng quản lý, góp phần cải thiện và phát triển nghề cá bền vững.

Sau 3 năm triển khai (2021-2023), dự án đã hỗ trợ 2 tổ chức cộng đồng xã Tam Tiến (tỉnh Quảng Nam) và xã Vạn Hưng (tỉnh Khánh Hòa) được công nhận và giao quyền thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo Luật Thủy sản 2017 và kiện toàn thực hành đồng quản lý tại 4 tổ chức cộng đồng xã Nhơn Lý, Nhơn Hải, phường Ghềnh Ráng (tỉnh Bình Định) và Tiểu khu Bãi Hương (tỉnh Quảng Nam) với các hoạt động như tăng cường năng lực các tổ giám sát nguồn lợi, truyền thông và phát triển sinh kế bền vững.

Các nỗ lực đồng quản lý đã góp phần bảo vệ 180ha rạn san hô tại các tỉnh tham gia dự án. Kết quả giám sát rạn san hô năm 2023 cho thấy: Độ phủ san hô tại các điểm Bãi Dứa (xã Nhơn Lý), Hòn Khô Nhỏ (xã Nhơn Hải), Hòn Nhàn (phường Ghềnh Ráng), tỉnh Bình Định; Tiểu khu Bãi Hương, tỉnh Quảng Nam đạt đến mức độ khá và tốt, từ 30% đến 60%, có nơi lên đến gần 80%. Các rạn san hô ở điểm Rạn Trào (tỉnh Khánh Hòa) và xã Tam Tiến (tỉnh Quảng Nam) đều có dấu hiệu phục hồi sau các nỗ lực bảo vệ. Đa dạng loài đạt ở mức trung bình về số lượng lẫn chủng loại, một số lượng lớn cá giò và cá thìa non đều được ghi nhận tại các điểm thực hiện đồng quản lý.

Các thực hành đồng quản lý tạo cơ hội tăng cường năng lực cho hơn 500 người là cán bộ địa phương, thành viên tổ chức cộng đồng và đại diện các nhóm dân sinh sống tại địa phương thông qua các buổi tập huấn, hướng dẫn thực hiện đồng quản lý theo Luật Thủy sản 2017, các kỹ năng truyền thông và phát triển sinh kế gắn với bảo vệ nguồn lợi và phát triển bền vững hơn. Các sáng kiến do người trẻ tại cộng đồng chủ trì (Đại sứ Hải đăng) đã tích cực truyền thông các hoạt động bảo tồn biển, thí điểm sinh kế bền vững, tăng cơ hội thu nhập và giảm khai thác quá mức.

Trước đó, ngày 20/8, các đại biểu tham dự hội thảo cũng đã tham gia buổi thực địa tại mô hình du lịch cộng đồng tại xã Tam Tiến do thành viên trong tổ chức cộng đồng vận hành. Đồng thời, các đại biểu cũng được lắng nghe những chia sẻ của thanh niên về các nỗ lực đã thực hiện tại các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Nam và Cà Mau về bảo tồn biển. Các bài học thực tế đã góp phần cải thiện chính sách về bảo tồn biển và thực hiện đồng quản lý gồm: Chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030; Đề án mở rộng, thành lập mới các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phục hồi các hệ sinh thái biển đến năm 2030, với sự tham gia của các bên liên quan; Hướng dẫn quốc gia thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành theo Quyết định số 2781/QĐ-BNN-KN ngày 11/7/2023.

Ông Phạm Viết Tích, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam chia sẻ: "Cộng đồng là yếu tố không thể thiếu trong phát triển bền vững. Đồng quản lý là một tiến trình diễn ra liên tục, trong quá trình thực hiện luôn xuất hiện những thách thức. Đồng quản lý là câu chuyện không của riêng ai, mà là nỗ lực của toàn thể cộng đồng đang sử dụng, khai thác, bảo vệ, quản lý nguồn lợi và tài nguyên vì biển xanh đầy cá”.

Hội thảo là cơ hội để các đại biểu tham dự cùng nhau thảo luận cách thức xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan, cơ chế tài chính bền vững cho các hoạt động của tổ chức cộng đồng, cơ chế ghi chép và báo cáo thường kỳ của tổ chức cộng đồng với các cơ quan chức năng. Các đề xuất được nêu trong phiên thảo luận của hội thảo sẽ giúp tăng cường thực hiện đồng quản lý tại Việt Nam, cũng như góp phần giúp tăng tính bền vững các mô hình và nhân rộng các thực hành tốt về đồng quản lý tại các địa phương.

Dự án sẽ khép lại, tuy nhiên, sẽ mở ra những cơ hội mới, cung cấp những kỹ thuật để tạo ra những sáng kiến cùng đồng quản lý bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản.

Bà Nguyễn Thu Huệ, Giám đốc MCD cho biết: "Năm 2017, Luật Thủy sản sửa đổi và được Quốc hội thông qua đến nay đã được 5 năm. 5 năm đó có thể thấy tinh thần đồng quản lý trong Luật Thủy sản 2017 đã được đưa vào cuộc sống. Hội thảo tổng kết Dự án “Hỗ trợ Việt Nam thực hiện Luật Thủy sản 2017 với các sáng kiến từ Trung ương đến địa phương” kỳ vọng những bài học thực tế từ các địa phương sẽ được chia sẻ để đồng quản lý, phát huy nội lực, năng lực, những sáng kiến từ cộng đồng".

Ái Trinh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/thuc-day-thuc-hien-dong-quan-ly-theo-luat-thuy-san-2017-tai-viet-nam-post465400.html