Thúc đẩy thực hiện sáng kiến, cam kết về xây dựng Hà Nội - Thành phố sáng tạo
Chiều 25-4, tại Tòa nhà xanh Liên hợp quốc (Kim Mã, Ba Đình), Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức đánh giá kết quả thực hiện các sáng kiến, cam kết của Hà Nội sau 4 năm gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO (2019-2023) và hướng dẫn xây dựng báo cáo giám sát tư cách thành viên Thành phố sáng tạo theo chu kỳ 4 năm/lần.
Chuyển động mạnh mẽ trong nhận thức, hành động
Tròn 20 năm đón nhận danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình” (1999-2019), Hà Nội tiếp tục ghi danh vào Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO như một sự xác lập mục tiêu phát triển văn hóa mới, truyền cảm hứng sáng tạo và định vị thương hiệu mới cho Hà Nội trên trường quốc tế.
Sau 4 năm tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo, đối diện với nhiều khó khăn chủ quan, khách quan từ đại dịch Covid-19, phổ biến khái niệm tạo chuyển động từ nhận thức đến tư duy, hành động trong chính quyền các cấp và mọi tầng lớp nhân dân, Hà Nội đã làm được rất nhiều việc đáng kể trong khai thác, phát huy tối đa nguồn lực văn hóa, con người trong xây dựng, củng cố thương hiệu Thành phố sáng tạo, bảo đảm thúc đẩy mạnh mẽ việc kế thừa và phát triển dòng chảy văn hóa sáng tạo của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Theo ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, từ khi trở thành thành viên của Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO đến nay, Hà Nội đã phối hợp với các bên liên quan tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm tham vấn sáng kiến, giải pháp xác định chiến lược, xây dựng kế hoạch dài hạn nhằm phát huy hiệu quả, vai trò là Thành phố sáng tạo của UNESCO cũng như thu hút sự quan tâm của cộng đồng trong nước và quốc tế.
Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, kế hoạch để thúc đẩy xây dựng Thành phố sáng tạo, tiêu biểu là Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Kế hoạch số 102/KH-UBND về triển khai các sáng kiến tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO đến năm 2025…, đồng thời phối hợp với các bên liên quan tổ chức nhiều chương trình, hoạt động nhằm hiện thực hóa các sáng kiến, cam kết với UNESCO.
“Một loạt cuộc thi gắn với thiết kế sáng tạo được phát động, như: “Thiết kế Không gian sáng tạo Hà Nội”, “Thiết kế Km số 0”, “Hà Nội sáng tạo”, “Thiết kế Nghệ thuật công cộng Hà Nội”…; một loạt tuyến phố đi bộ, không gian văn hóa sáng tạo ra đời: Phố đi bộ Trịnh Công Sơn, phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, phố đi bộ Trần Nhân Tông - Công viên Thống nhất; không gian văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm; Trung tâm tinh hoa Làng nghề Việt; không gian nghệ thuật công cộng Phúc Tân… Các lễ hội thiết kế sáng tạo, lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại, Liên hoan sáng tạo và thiết kế Việt Nam, Tuần lễ khơi nguồn sáng tạo… được tổ chức thường niên, đi kèm hàng loạt hoạt động văn hóa, tọa đàm chuyên sâu, trưng bày, triển lãm, trình diễn nghệ thuật, tương tác sáng tạo cho cộng đồng… đã và đang tạo nên không khí sáng tạo sôi động bao trùm thành phố”, ông Đỗ Đình Hồng chỉ rõ.
Nhà báo, Tư vấn truyền thông Trương Uyên Ly (Đại học Kiến trúc Hà Nội), nhấn mạnh: “Hà Nội đã làm được nhiều điều kỳ diệu trong những năm qua, tạo chuyển động mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động về văn hóa sáng tạo, huy động sự tham gia tích cực của các bạn trẻ, tạo nên sự bùng nổ của các hoạt động văn hóa trong khuôn khổ xây dựng, củng cố thương hiệu Thành phố sáng tạo".
Trong khi đó, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart ghi nhận, Hà Nội đã đạt được thành tựu đáng kể trong xây dựng Thành phố sáng tạo trên cơ sở khai thác nguồn vốn di sản phong phú.
“Chúng tôi rất ấn tượng với Lễ hội Thiết kế sáng tạo được tổ chức cuối năm vừa qua, với chuỗi hoạt động dày đặc và đa dạng, trải khắp thành phố cùng sự tham gia của hàng trăm nghệ sĩ, nhà thiết kế, các nhà trường, cộng đồng, doanh nghiệp sáng tạo. Điều này cho thấy thành phố đang đi đúng hướng trong tận dụng lợi thế của Mạng lưới để hiện thực hóa tầm nhìn Thành phố sáng tạo, tạo điều kiện cho người dân đóng góp và hưởng thụ sản phẩm sáng tạo”, ông Christian Manhart nêu.
Tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ nguồn lực văn hóa sáng tạo
Theo kế hoạch, tháng 11-2023, Hà Nội cần hoàn thành Báo cáo giám sát tư cách thành viên định kỳ lần thứ nhất. Nội dung báo cáo xoay quanh những việc thành phố đã triển khai, nhằm hiện thực hóa các sáng kiến, cam kết của thành phố khi tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo.
Cụ thể, có ba sáng kiến ở cấp độ địa phương và ba sáng kiến ở cấp độ quốc tế được đề xuất gồm: Kiến tạo Trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội; xây dựng, hỗ trợ các không gian sáng tạo tại Hà Nội; Chương trình truyền hình Tài năng sáng tạo Hà Nội; Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội; Diễn đàn Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO ở khu vực Đông Nam Á; Mạng lưới nhà thiết kế sáng tạo trẻ. Trong đó, Hà Nội đã hoàn thành nhiều phần việc thông qua các hoạt động phong phú, nhằm gắn kết cộng đồng, từng bước xây dựng hình ảnh Hà Nội - Thành phố sáng tạo.
Trong năm 2023, thành phố tiếp tục triển khai nhiều hoạt động kết nối, xây dựng Thành phố sáng tạo, như: Kiện toàn Ban điều phối, Ban chỉ đạo; xây dựng Đề án Trung tâm Thiết kế sáng tạo Hà Nội, Trung tâm Công nghiệp văn hóa Hà Nội; tổ chức Diễn đàn Mạng lưới các Thành phố sáng tạo khu vực Đông Nam Á; tham gia các hội nghị, diễn đàn Thành phố sáng tạo toàn cầu và khu vực; đẩy mạnh công tác truyền thông; củng cố các không gian sáng tạo trên địa bàn…
Để các sáng kiến, cam kết còn lại hoàn thành đúng hẹn, theo Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Đỗ Văn Trụ, Hà Nội đã có những bước đi tiên phong, mở đường cho nhiều thành phố khác xây dựng thương hiệu sáng tạo. Việc triển khai trong thời gian qua cũng rất phong phú, có chất lượng tốt và dường như không bị trùng lặp. Tới đây cần tiếp tục mở rộng, lan tỏa văn hóa sáng tạo tới các cơ sở, địa phương ngoại thành, kết nối với các trường đại học, hướng tới nhiều hơn các đối tượng thanh, thiếu niên…
Nhà báo, Tư vấn truyền thông Trương Uyên Ly nêu: “Hà Nội cần chú trọng đầu tư cho giáo dục sáng tạo. Hiện nay, hầu hết người tham gia ngành văn hóa sáng tạo còn khá nghiệp dư, chưa được đào tạo bài bản, ảnh hưởng trực tiếp tới tính bền vững của nguồn lực sáng tạo. Song song với đó, cần có chiến lược truyền thông làm rõ nội hàm khái niệm Thành phố sáng tạo về thiết kế; xây dựng logo thương hiệu “Hà Nội - Thành phố sáng tạo”, để từ đó lan tỏa thông điệp, khơi dậy mạnh mẽ hơn nguồn lực sáng tạo trong cộng đồng”.
Còn theo Trưởng ban Văn hóa của Văn phòng UNESCO tại Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương, lợi thế lớn, không thể phủ nhận của Hà Nội là vốn văn hóa - nguồn cảm hứng vô tận cho thiết kế sáng tạo. Ngay bây giờ hãy thiết lập một “ngân hàng nguyên liệu” dành cho thiết kế sáng tạo, khai thác từ nhiều nguồn từ văn hóa truyền thống đến dân gian đương đại, phục vụ hiệu quả cho các lĩnh vực sáng tạo…