Thúc đẩy thực thi thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung Quốc: Tín hiệu lạc quan

Đại diện thương mại của Mỹ và Trung Quốc vừa có cuộc điện đàm nhằm thảo luận về việc tăng cường phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô cũng như thúc đẩy thực thi thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Sự kiện này được giới phân tích đánh giá là tín hiệu lạc quan, trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất, nhì thế giới đang có nhiều mâu thuẫn.

Trung Quốc tăng lượng nhập khẩu hàng hóa của Mỹ theo thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.

Theo tinh thần cam kết, Mỹ và Trung Quốc sẽ tiến hành đối thoại 6 tháng 1 lần để đánh giá việc thực thi thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 được hai nước ký kết từ hồi tháng 1-2020. Tuy nhiên, theo ấn định đến ngày 15-8, cuộc đàm phán trực tuyến nhằm đánh giá thỏa thuận này bất ngờ bị hoãn.

Trong cuộc điện đàm hôm 25-8, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Trưởng đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cùng Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã đánh giá lại những tiến triển trong giải quyết các vấn đề liên quan thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Lãnh đạo hai nước tập trung làm rõ về những bước tiến của Trung Quốc trong chuyển đổi thể chế kinh tế, bảo đảm hơn nữa quyền sở hữu trí tuệ, dỡ bỏ những trở ngại để các công ty của Mỹ tiếp cận những lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ tài chính, cũng như chấm dứt việc chuyển giao công nghệ ép buộc. Kết thúc điện đàm, hai bên đều ghi nhận những kết quả đạt được và cam kết tiến hành các bước tiếp theo để bảo đảm sự thành công của thỏa thuận.

Có thể thấy, căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã leo thang trong hai năm qua, bắt đầu từ lĩnh vực thương mại, sau đó lan sang vấn đề công nghệ và tài chính. Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung Quốc giai đoạn 1 được xem là "văn bản đình chiến" mà hai bên chấp thuận ngưng trả đũa thuế quan lên hàng tỷ USD giá trị hàng hóa nhập khẩu của nhau. Một trong những mục đích cốt lõi của thỏa thuận này nhằm tháo gỡ các vấn đề xoay quanh việc Washington cáo buộc Bắc Kinh đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ và ép buộc doanh nghiệp Mỹ chuyển giao công nghệ. Bản thỏa thuận có hiệu lực từ tháng 2-2020, đặt ra mục tiêu Trung Quốc sẽ đẩy mạnh việc nhập khẩu thêm lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD từ Mỹ trong 2 năm tới.

Hiện Trung Quốc đang trong tiến trình thực hiện những thay đổi cơ cấu mà nước này đã cam kết, trong đó gồm các vấn đề liên quan tới bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Thời gian gần đây, Trung Quốc đã có động thái tăng cường mua hàng hóa từ phía Mỹ. Tuy nhiên, các số liệu thống kê cho thấy, lượng hàng hóa, năng lượng và dịch vụ mà Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Trung Quốc vẫn “đi chậm hơn tốc độ cần thiết” để đáp ứng cam kết về mức nhập khẩu hàng hóa trong thỏa thuận thương mại với Mỹ. Thậm chí điều này còn được dự báo là “không có cơ hội” trở thành hiện thực, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang bị chao đảo bởi đại dịch Covid-19.

Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách khu vực châu Á thuộc Phòng Thương mại Mỹ, ông Charles Freeman nhận định, thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 là một điểm sáng trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington. Do đó, chuyên gia này cảnh báo việc hủy bỏ hoàn toàn thỏa thuận sẽ là một điều rất tồi tệ. Nếu kịch bản thỏa thuận thương mại này bị sụp đổ, những cuộc chiến thuế quan theo kiểu “ăn miếng trả miếng” hoàn toàn có thể tái diễn, gây tổn hại đến hoạt động thương mại và các công ty của cả hai nước cũng như trên toàn cầu.

Theo nhận định của các nhà phân tích, người đứng đầu Nhà Trắng cũng rất muốn thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 thành công trước thềm cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới. Mặt khác, Mỹ sẽ không có lợi nếu kích hoạt cuộc chiến thuế quan mới với Trung Quốc giữa lúc nền kinh tế lớn nhất thế giới đang "lâm bệnh" vì Covid-19.

Thùy Dương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/976940/thuc-day-thuc-thi-thoa-thuan-thuong-mai-my---trung-quoc-tin-hieu-lac-quan