Thúc đẩy tiến độ xây dựng nhà máy đốt rác phát điện

Giảm thiểu ô nhiễm môi trường là một trong những mục tiêu quan trọng của TPHCM. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2020, TPHCM phải chuyển đổi ít nhất 50% lượng rác xử lý bằng biện pháp chôn lấp sang đốt phát điện. Tuy nhiên cho đến nay, phần lớn lượng rác thải sinh hoạt của thành phố vẫn là chôn lấp.

Bãi rác Đa Phước, huyện Bình Chánh, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Bãi rác Đa Phước, huyện Bình Chánh, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Nhà máy xử lý rác hiện đại nằm… trên giấy

Theo thống kê của Sở TN-MT TPHCM, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn thành phố đã đạt mức hơn 9.700 tấn/ngày. Đặc biệt, trong những ngày cao điểm phục vụ Tết Nguyên đán vừa qua, lượng rác thải đã tăng lên hơn 11.000 tấn/ngày. Lượng rác thải sinh hoạt của thành phố tăng nhanh (khoảng 10%/năm) nhưng việc xử lý rác vẫn đang chủ yếu là chôn lấp, gây nguy cơ ô nhiễm thứ phát và không đảm bảo thực hiện mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm đã đặt ra.

Để thực hiện mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường, từ năm 2019-2020, TPHCM đã phê duyệt hàng loạt dự án đầu tư hoặc chuyển đổi công nghệ xử lý rác từ chôn lấp sang đốt phát điện. Cuối năm 2019, thành phố đã đồng loạt khởi công 2 nhà máy đốt rác phát điện của Công ty Tâm Sinh Nghĩa (có công suất xử lý 2.000 tấn/ngày) và Tập đoàn Vietstar (có công suất xử lý 2.000 tấn/ngày). Đến năm 2020, một nhà máy xử lý rác thải khác thuộc Công ty Tasco (có công suất xử lý 500 tấn rác thải sinh hoạt/ngày, 500 tấn chất thải công nghiệp/ngày, 120 tấn chất thải nguy hại/ngày) được chính thức khởi công. Cũng trong năm 2020, TPHCM hoàn tất quá trình thẩm định phương án chuyển đổi công nghệ xử lý rác thải khối lượng 2.000 tấn từ công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh sang công nghệ đốt, thu khí gas của Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước. Không dừng lại ở đó, bộ tiêu chí để đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư có năng lực thực hiện dự án nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ đốt phát điện có công suất 1.000 tấn/ngày cũng đã được hoàn thành.

Theo tính toán của Sở TN-MT TPHCM, nếu các dự án trên đi vào hoạt động thì đến năm 2021, lượng rác thải chôn lấp của TPHCM sẽ giảm còn 50%, đúng như mục tiêu mà thành phố đã đề ra. Thế nhưng, cho đến nay vẫn chưa có nhà máy xử lý đốt rác phát điện nào đi vào hoạt động!

Đốc thúc dự án chậm tiến độ

Lý giải việc chậm trễ nêu trên, nhiều nguyên nhân đã được các doanh nghiệp đưa ra. Chẳng hạn, do tình hình dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu nên công nghệ sử dụng cho dự án từ phía đối tác chưa xác định thời gian cung cấp, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai. Cùng với đó, các doanh nghiệp đầu tư dự án đốt rác sinh hoạt phát điện đề nghị thành phố hỗ trợ chuyển hồ sơ để được Bộ Công thương bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) trước khi trình Chính phủ phê duyệt... Chưa kể, có chủ đầu tư kiến nghị, vì dự án có tổng mức đầu tư lớn (lên đến gần 5.000 tỷ đồng) nên xin tạo cơ chế riêng. Chủ đầu tư này đã có nhiều văn bản trình UBND TPHCM và các sở, ban ngành đề nghị được ký phụ lục hợp đồng “Cung ứng dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt” cho dự án với công suất 2.000 tấn rác/ngày theo đúng quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đầu tư của dự án, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sớm có nguồn vốn và nhanh chóng đầu tư xây dựng nhà máy theo đúng tiến độ. Thế nhưng, để cơ quan chức năng phản hồi, giải quyết là một quá trình với nhiều thủ tục!

Trạm trung chuyển rác Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Trạm trung chuyển rác Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tiến sĩ Nguyễn Trung Thắng (Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên - môi trường) cho biết, hiện Bộ TN-MT đã có nhiều quy định hạn chế công nghệ chôn lấp trực tiếp rác thải sinh hoạt, từ đó khuyến khích đầu tư các cơ sở tái chế, cơ sở xử lý rác thải hiện đại. Do vậy, TPHCM - địa phương có lượng rác thải phát sinh lớn nhất cả nước - cần quyết liệt hơn trong việc đẩy mạnh đầu tư mới, hoặc đưa vào vận hành các nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường.

Mới đây, tại cuộc họp với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi khẳng định, thành phố đã có chủ trương chuyển đổi công nghệ và giải quyết dứt điểm căn cơ lượng rác thải. Theo đó, thành phố cần phải xây dựng năng lực thu gom xử lý rác thải bằng công nghệ hiện đại, biến rác thành tài nguyên. Một thành phố văn minh không thể xử lý rác bằng công nghệ chôn lấp, thậm chí ngay cả lượng rác đã chôn lấp cũng cần phải được tái xử lý. Do vậy, cùng với việc đốc thúc các dự án xử lý đốt rác phát điện đã được phê duyệt triển khai, Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM - đơn vị nhà nước có chức năng trong hoạt động thu gom rác, xử lý môi trường cho thành phố - gấp rút hoàn thiện hồ sơ, đề án để tham gia vào hoạt động đầu tư nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ hiện đại có công suất 1.000 tấn/ngày. Không chỉ vậy, công ty cần nghiên cứu thêm phương án xử lý lượng rác mới phát sinh hàng năm. Về nguồn vốn đầu tư, công ty cần tính đến yếu tố vay vốn từ nguồn vốn kích cầu của thành phố để được hỗ trợ lãi suất vay, thúc đẩy nhanh hơn quá trình đầu tư dự án.

MINH XUÂN - MINH HẢI

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/thuc-day-tien-do-xay-dung-nha-may-dot-rac-phat-dien-post678354.html