Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm công nghiệp nông thôn

Mỗi năm, Sở Công thương đầu tư trên 1 tỷ đồng triển khai các đề án khuyến công (KC) địa phương, gồm hỗ trợ đào tạo nghề, nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật… Trong đó, hỗ trợ tham gia hội chợ, triển lãm, lễ hội là một trong những kênh quảng bá sản phẩm hiệu quả, mang lại cơ hội tiêu thụ sản phẩm cho các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT).

 Sản phẩm yến "made in Huế" luôn thu hút khách hàng ở các hội chợ triển lãm

Sản phẩm yến "made in Huế" luôn thu hút khách hàng ở các hội chợ triển lãm

Sau 8 ngày diễn ra với nhiều hoạt động thao diễn, biểu diễn các công đoạn chế tác sản phẩm nghề cùng trưng bày, giới thiệu, mua bán sản phẩm nghề thủ công truyền thống trong khuôn khổ Festival Nghề truyền thống Huế 2023, đã thu hút trên 300 ngàn lượt người tham quan, mua sắm; doanh thu bán hàng của hầu hết các cơ sở đều đạt cao, trong đó tổng doanh thu và tổng đơn hàng của các cơ sở nghề đạt hơn 15 tỷ đồng. Nhiều cơ sở có doanh số bán hàng cao, một số đơn vị có doanh thu cao, như Công ty TNHH MTV Huế Xuân - Lê Gia đạt 4,8 tỷ, cơ sở điêu khắc mộc mỹ nghệ Thái Vinh đạt 400 triệu đồng, hộ kinh doanh Trương Đình Phương đạt 200 triệu đồng... Ngoài ra, các cơ sở còn ký kết hàng trăm đơn đặt hàng có giá trị kinh tế lớn, như Cơ sở tre mỹ nghệ truyền thống Tre Việt, HTX Mây tre đan Bao La, Công ty Thêu may Đoan Trang… Đây chính là thành công từ khâu quảng bá sản phẩm thông qua các lễ hội lớn mà nguồn vốn KC đã góp phần rất lớn trong việc đưa sản phẩm CNNT đến với người tiêu dùng.

Cùng với tham gia lễ hội, thời gian qua nguồn vốn KC đã hỗ trợ kinh phí tạo điều kiện để nhiều cơ sở CNNT tham gia các hội chợ trong và ngoài nước nhằm tạo cơ hội để quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm và ký kết nhiều hợp đồng kinh tế. “Mỗi lần tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh, sản phẩm mây tre đan tiêu thụ khá mạnh, doanh số bán hàng trong 1 đợt (khoảng 5-7 ngày) bằng tiêu thụ tại chỗ trong 5-6 tháng. Nhưng kinh phí đi lại, vận chuyển và thuê gian hàng khá cao nên nếu không có nguồn vốn KC hỗ trợ sẽ rất khó tham gia”, Giám đốc HTX Mây tre đan Bao La, ông Võ Văn Dinh chia sẻ.

Nhiều năm qua, nguồn vốn KC địa phương đã phát huy hiệu quả trong việc giúp doanh nghiệp, cơ sở CNNT giới thiệu và quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng, góp phần nâng cao vị thế cho sản phẩm “made in Huế” và mở rộng thị trường tiêu thụ. Trong đó, đã hỗ trợ công tác tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm hàng CNNT, hàng thủ công mỹ nghệ, đặc sản; hỗ trợ xây dựng, đăng ký thương hiệu và đầu tư các phòng trưng bày để giới thiệu quảng bá sản phẩm; tư vấn trợ giúp các cơ sở CNNT trong việc thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói; ứng dụng công nghệ - thiết bị mới, đồng thời tư vấn hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tiếp cận các chính sách ưu đãi đầu tư, chính sách tài chính - tín dụng và các chính sách ưu đãi khác của Nhà nước…

Theo lãnh đạo Sở Công thương, để nguồn vốn KC phát huy hiệu quả và góp phần thúc đẩy công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phát triển bền vững, sắp tới, sở đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, viên chức về vị trí, tầm quan trọng của hoạt động KC trong hỗ trợ phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn KC cho cán bộ làm công tác KC ở các huyện, thị xã, TP. Huế và các cơ sở CNNT; hỗ trợ các ngành nghề, sản phẩm tiêu biểu phù hợp với tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của địa phương, tăng năng lực cạnh tranh cho sản phẩm; các ngành và sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn trong chuỗi giá trị từng ngành công nghiệp nhằm đưa sản phẩm đến gần với với thị trường và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm CNNT trên địa bàn.

Bài, ảnh: Hương Nhân

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/thuc-day-tieu-thu-san-pham-cong-nghiep-nong-thon-130493.html