Thúc đẩy tính bền vững, bảo vệ lợi ích của thế hệ tương lai

Vào ngày 14-15.12 năm 2018, các nghị sĩ trẻ trên thế giới đã nhóm họp tại Baku trong khuôn khổ Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 5. Với chủ đề 'Thúc đẩy tính bền vững, bảo vệ lợi ích của các thế hệ tương lai', Hội nghị do IPU và Quốc hội Azerbaijan phối hợp tổ chức.

Đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam tham dự Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 5 năm 2018 tại Azerbaijan. Ảnh: IPU

Đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam tham dự Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 5 năm 2018 tại Azerbaijan. Ảnh: IPU

Các quyết định được đưa ra hôm nay sẽ định hình ngày mai và có tác động đến nhiều thế hệ mai sau. Các nghị sĩ trẻ đã nhiều lần kêu gọi “Không thể có quyết định về thanh niên trẻ, nếu không có thanh niên”. Điều tương tự cũng chính xác khi nói về các thế hệ tương lai. Mặc dù các cá nhân tạo nên thế hệ tương lai có thể vắng mặt trong quá trình đưa ra các chính sách công hôm nay, nhưng quyền và lợi ích của họ cần phải được tính đến ngay trong hiện tại.

Nguyên tắc 7 thế hệ

Trong các cuộc thảo luận, các đại biểu nhấn mạnh nguyên tắc bảy thế hệ: mỗi một hành động chính sách hôm nay cần xem xét tác động đối với 7 thế hệ tiếp theo. Hành tinh của chúng ta sẽ như thế nào đối với thế hệ mai sau? Con, cháu của chúng ta trong 10, 50, 100 năm nữa sẽ phải sống với những nguồn tài nguyên nào? Làm thế nào chúng ta có thể tích hợp tốt hơn các thế hệ tương lai vào quá trình ra quyết định của công chúng? Trong suốt hai ngày hội nghị, các nghị sĩ trẻ đã cùng suy ngẫm về các giải pháp bền vững cho các vấn đề chính của ngày hôm nay và sẽ có tác động đáng kể đến ngày mai, bao gồm: vai trò của thanh niên trong bảo vệ môi trường; tiêu dùng và sản xuất bền vững; trao quyền cho thanh niên và bảo vệ thế hệ tương lai trong một thế giới đang chuyển đổi công nghệ.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: IPU

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: IPU

Bảo vệ hành tinh cho tương lai bằng công cụ luật pháp

Tại Baku, các đại biểu đã nhất trí những hành động bổ sung để bảo vệ một hành tinh tốt hơn cho các thế hệ tương lai, cụ thể như: Hỗ trợ thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu bằng công cụ pháp luật, chẳng hạn như đánh thuế khí thải carbon; sử dụng công cụ luật pháp để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tái tạo; tăng cường ý thức về môi trường bắt đầu từ các cá nhân. Cũng nhân dịp này, các nghị sĩ kêu gọi thành lập Mạng Lưới nghị sĩ trẻ vì môi trường.

Các nghị sĩ chỉ ra rằng, chúng ta hiện này chỉ là những người trông coi các nguồn tài nguyên mà chúng ta mượn từ các thế hệ tương lai. Vì thế chúng ta phải có trách nhiệm bảo vệ chúng. Các mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG), đặc biệt là SDG 12 (về sản xuất và tiêu dùng có trách nhiệm), cung cấp cho chúng ta một khuôn khổ để củng cố những nỗ lực này. Khi tương lai yêu cầu sản xuất ra những thực phẩm và sản phẩm bền vững hơn thì các mô hình sản xuất cũng phải thay đổi để đáp ứng. Các nghị sĩ trẻ phải hành động đẩy nhanh quá trình chuyển đổi này để đạt được nền kinh tế có trách nhiệm hơn, tuần hoàn hơn bằng cách ưu tiên tái sử dụng và tái chế. Từ mục tiêu đó, các đại biểu đã nhất trí: Đưa ra các chính sách và chế tài nhằm giảm tiêu thụ năng lượng, bảo vệ động vật hoang dã, nguồn nước, tài nguyên và tăng cường đa dạng sinh học; đảm bảo ngân sách cho các SDGs và đầu tư vào các dự án bền vững, bao gồm cả nghiên cứu và công nghệ; đưa ra các công cụ pháp lý để giảm thiểu khai thác quá mức tài nguyên, loại bỏ việc sử dụng nhựa; tài trợ cho các dự án quản lý rác thải hiệu quả cũng như các dự án tái chế rác thải.

Chuẩn bị cho thế hệ tương lai trước sự thay đổi của công nghệ

Một trong những vấn đề thế hệ tương lai phải đối mặt là sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ và theo đó là áp lực đối với sự thay đổi trên thị trường lao động. Chúng ta đang trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các quốc gia cũng như thể chế cần phải nhanh nhẹn hơn trong cách họ chuẩn bị trước những thay đổi đang đến. Việc làm sẽ bị thay thế, do các yếu tố như trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa và in 3D. Giờ đây, những công việc có nguy cơ bị tuyệt chủng không chỉ là việc làm tay chân mà còn cả những công việc cổ trắng vốn được cho là không thể thay thế được bằng máy móc.

Các đại biểu tại Hội nghị. Ảnh: IPU

Các đại biểu tại Hội nghị. Ảnh: IPU

Giải pháp là đảm bảo rằng nền kinh tế của chúng ta linh hoạt và có khả năng thích ứng. Tại Baku, các nghị sĩ đã nhất trí các bước cụ thể để để tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình này bao gồm: Theo dõi tốt hơn các xu hướng công nghệ ở các quốc gia bằng cách kết nối nghị viện với khu vực tư nhân, với từng ngành, lĩnh vực thông qua cơ chế chuyên trách; Thúc đẩy quá trình đào tạo thường xuyên, liên tục, bao gồm các chương trình đào tạo nghề tiên tiến, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi sang công việc mới; Đảm bảo sự linh hoạt trong hệ thống an sinh xã hội và các quy định về thị trường lao động cho những người đang trong quá trình chuyển đổi, cũng như sự linh hoạt trong việc sắp xếp công việc, ví dụ như thông qua làm việc từ xa, làm việc tự do; Thúc đẩy nền kinh tế số, đổi mới và khởi nghiệp thông qua các khoản tài trợ, cho vay ưu đãi và các chương trình khởi nghiệp.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/thuc-day-tinh-ben-vung-bao-ve-loi-ich-cua-the-he-tuong-lai-i342757/