Thúc đẩy tính chuyên nghiệp để tạo 'cột mốc' âm thanh mới
'Làm sao trong 5 năm tới, Việt Nam có thêm những tác phẩm âm nhạc thực sự có giá trị trong đời sống nhân dân, trở thành những 'cột mốc' về âm thanh giống như thời kỳ các thế hệ cha anh của chúng ta đã từng có'. Đó là trăn trở của PGS, TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng như nhiều hội viên nhạc sĩ đặt ra trong phương hướng nhiệm kỳ 2020-2025.
Phóng viên (PV): Chú trọng xây dựng đội ngũ nhạc sĩ trẻ để kế tục con đường âm nhạc dân tộc là một trong những định hướng của nhiệm kỳ này. Điều đó được Hội Nhạc sĩ Việt Nam (Hội) kỳ vọng như thế nào, thưa nhạc sĩ?
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Cùng với việc nâng cao chất lượng sáng tác để có được nhiều công trình, tác phẩm giá trị về nghệ thuật ở mọi mặt đời sống xã hội, Hội không thể quên việc phát triển hội viên mới, trẻ. Một điều đáng mừng là trong nhiệm kỳ vừa qua, chúng tôi đã phát triển từ 1.200 hội viên lên gần 1.500 hội viên, trong đó có rất nhiều người trẻ. Các bạn tốt nghiệp đại học về sáng tác, lý luận, biểu diễn nhạc cụ dân tộc, thanh nhạc.
Thực tế người trẻ hiện nay không chú trọng vào việc viết nhạc không lời, mà trong âm nhạc lại đang cần phải có đủ khí nhạc và thanh nhạc. Chính vì vậy, trong nhiệm kỳ mới Hội sẽ tập trung để làm sao lôi cuốn được các nhạc sĩ trẻ, góp phần định hướng, hỗ trợ các bạn trẻ có được những sáng tác có ích cho đời sống xã hội, xa hơn nữa là những tác phẩm lưu truyền lâu dài.
Thế hệ cha anh đã viết những tác phẩm tạo nên các "cột mốc" về âm thanh, như “Cùng nhau đi hồng binh” của nhạc sĩ Đinh Nhu ngay khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; có những bài hát hay về Cách mạng Tháng Tám; chúng ta có những "cột mốc" như “Giải phóng Điện Biên”, “Tiến bước dưới quân kỳ”, “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”, “Đất nước trọn niềm vui”... Hiện nay, đang có một lực lượng đông đảo người sáng tác âm nhạc, đã có rất nhiều bài hát bổ sung thêm và đáp ứng những điều kiện lịch sử, xã hội, bước ngoặt lịch sử của đất nước. Với sự góp sức của một thế hệ trẻ hùng hậu về số lượng, hy vọng sẽ góp phần hình thành những “cột mốc” âm thanh mới.
PV: Trẻ luôn đi đôi với đổi mới. Như vậy liệu có bị xáo trộn định hướng mà Hội đặt ra là "đẩy mạnh tính chuyên nghiệp"?
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Xu hướng nghiệp dư hóa âm nhạc hiện nay đang là thực trạng mà chúng ta phải chấp nhận. Rất nhiều tác giả trẻ chạy theo trend-xu hướng nghe của công chúng. Tác phẩm của họ sáng tác căn cứ vào lượng yêu thích, lượng view, lượng fan hâm mộ và rộng hơn là theo cơ chế thị trường. Bởi trong cơ chế thị trường, thì âm nhạc cũng sẽ trở thành hàng hóa. Tuy nhiên, âm nhạc có quy luật của nó, dù nhiều trường phái, phong cách ngôn ngữ, từ cổ kim, đông tây thì đều có cách biểu hiện chung là nốt nhạc (đồ, rê, mi, pha, son...). Vì thế, tôi luôn tin rằng với nhạc sĩ trẻ tâm huyết, tài năng thì không thể nào đi khác con đường từ dân tộc đến công chúng; vẫn lấy đề tài tư tưởng chính về nhân văn, nhân dân, chủ nghĩa yêu nước là đề tài chính trong sáng tác của mình.
Sáng tác những tác phẩm đỉnh cao, lay động lòng người là nhiệm vụ chung của cả giới sáng tạo chứ không chỉ riêng với âm nhạc. Tất cả các giới văn học, nghệ thuật thì đều phải phấn đấu để có được những tác phẩm lớn. Mà để làm được điều đó thì ngoài tài năng của cá nhân còn đòi hỏi cả sáng tác, thời cuộc, không khí của xã hội. Chính vì vậy, vấn đề bàn thảo trong định hướng hoạt động của Hội nhiệm kỳ này là khi phát triển phải theo hướng nào. Chỉ có một hướng duy nhất là càng ngày chúng ta càng chọn lọc, siết chặt đội ngũ, nâng cao tính chuyên nghiệp trong tất cả các khâu từ sáng tác, dàn dựng, phổ biến, quảng bá.
PV: Đặt ra định hướng như vậy, Hội sẽ có những bước triển khai thế nào để hiện thực hóa những mục tiêu?
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Hội đã và đang triển khai những kế hoạch cụ thể; trong đó phải kể đến thành tựu mà ở nhiệm kỳ trước, âm nhạc Việt Nam đã kết nối được với âm nhạc thế giới. Thông qua 3 kỳ tổ chức Festival quốc tế Âm nhạc mới Á-Âu, lần đầu có 22 quốc gia và 200 nghệ sĩ tham gia; lần thứ 3 lên tới tới 40 quốc gia, 300 nghệ sĩ đến từ các nước có nền âm nhạc phát triển, như: Nga, Mỹ, Anh, Áo, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha, Nhật Bản... tham gia. Qua hoạt động đối ngoại này, Hội đã trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội Các nhà soạn nhạc châu Á (ACL), Hiệp hội Âm nhạc đương đại quốc tế (ISCM). Trong đó, ISCM được ví như một tổ chức UNESCO thế giới về âm nhạc, hình thành từ những năm 1930, họ quy nạp những thành viên mà ở những quốc gia đó có hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp.
Ngay khi Hội được kết nạp là thành viên của ISCM, họ đã đặt hàng tác phẩm để tổ chức biểu diễn. Việt Nam đã gửi đến họ tác phẩm viết cho đàn bầu và dàn nhạc giao hưởng, được dàn nhạc giao hưởng của Mỹ dàn dựng, thực hiện kế hoạch của Chính phủ Mỹ có chuyến lưu diễn từ TP Hà Nội, Thừa Thiên-Huế và TP Hồ Chí Minh trong năm nay. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kế hoạch tạm hoãn lại. Như thế để thấy, đã có cánh cửa mở cho âm nhạc Việt Nam lan tỏa ra thế giới. Nhiệm vụ còn lại là chúng ta sẽ có tác giả nào, tác phẩm nào, khuynh hướng nào để thế giới công nhận đây là một trong hướng đi của âm nhạc Việt Nam.
Một tín hiệu vui nữa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang có kế hoạch đưa tất cả hội diễn, cuộc thi, liên hoan về cho các hội chuyên ngành tổ chức thực hiện. Đây là cơ hội để âm nhạc Việt Nam nhập vào guồng chung của sự phát triển văn học, nghệ thuật. Đó cũng chính là “sân chơi”, nơi làm nghề chuyên nghiệp để các thành phần sáng tạo của âm nhạc được thể hiện tài năng, cống hiến sức mình cho sự phát triển âm nhạc nói riêng, văn học, nghệ thuật nói chung.
PV: Trân trọng cảm ơn nhạc sĩ!