Thức dậy tỉnh táo vào buổi sáng: Dễ như ăn kẹo!
Mặc dù ngủ đủ 8 tiếng nhưng vẫn chật vật khi thức dậy là tình trạng rất nhiều người gặp phải. Tình trạng này đặc biệt 'nghiêm trọng' khi thời tiết trở lạnh. Thế nhưng để thức dậy một cách tỉnh táo vào buổi sáng không khó như chúng ta vẫn nghĩ.
Rất nhiều người gặp phải tình trạng đi ngủ sớm vào buổi tối nhưng sáng hôm sau vẫn thức dậy một cách khó khăn và mệt mỏi. Một số mẹo nhỏ dưới đây có thể là giải pháp tốt cho những ai quyết tâm “không dậy muộn”.
Ngửi mùi cà phê
Việc ngửi mùi cà phê thực sự có tác dụng như một liều thuốc kích cho não bộ, ngay cả khi chúng ta không thực sự uống cà phê. Nhóm nghiên cứu Viện Công nghệ Stevens ở New Jersey (Mỹ) đã cho 100 sinh viên làm bài kiểm tra 10 câu hỏi và chia họ thành hai nhóm. Một nhóm làm kiểm tra trong căn phòng đầy mùi cà phê, nhóm thứ hai làm kiểm tra tương tự trong căn phòng không có mùi. Nhóm trong phòng có mùi cà phê đạt điểm cao hơn đáng kể so với nhóm còn lại.
Theo chia sẻ của một vài sinh viên, họ cảm thấy phấn khích ngay sau khi bước vào căn phòng ngập tràn mùi cà phê. Ngay lúc đó, họ cảm thấy tràn đầy sự tự tin, tập trung và hưng phấn hơn trước các câu hỏi.
Nghiên cứu này phần nào cho thấy, ngay cả khi không uống, chúng ta vẫn có thể nhận được những lợi ích rất lớn chỉ thông qua việc ngửi mùi cà phê. Trước đây các nhà khoa học phát hiện thấy, những con chuột thiếu ngủ sau khi hít mùi cà phê đã giảm đáng kể sự căng thẳng và mệt mỏi.
Đi ngủ và thức dậy vào những giờ nhất định
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng không phải ai cũng cần một giấc ngủ 8 tiếng. Có nhiều người cần nhiều hơn và cũng có những người chỉ cần ít hơn do nhịp sinh học (đồng hồ sinh học) của mỗi người là khác nhau.
Nhịp sinh học quy định sự buồn ngủ hay tỉnh táo của cơ thể. Đi ngủ vào khoảng thời gian khác nhau mỗi đêm đồng nghĩa với việc chúng ta đang phá vỡ chu kỳ này, điều này có thể dẫn đến buồn ngủ và mệt mỏi vào sáng hôm sau.
Tương tự như vậy với thời gian thức dậy, nếu các ngày cuối tuần, thời gian ngủ bị khéo dài hơn nhiều so với các ngày trong tuần, nhịp sinh học cũng bị phá vỡ và khiến chúng ta mệt mỏi khi thức dậy. Ngoài ra, loạn nhịp sinh học còn làm tăng nguy cơ phát triển bệnh béo phì, tiểu đường tuýp 2 và bệnh tim mạch.
Để tránh các nguy cơ này, hãy cố gắng đừng thay đổi thời gian thức dậy chênh lệch quá 1 giờ.
Tuân theo chu kỳ giấc ngủ
Đi ngủ và thức dậy điều độ cho phép chúng ta thức dậy dễ dàng hơn. Nhưng để thức dậy một cách hoàn toàn tỉnh táo, sảng khoái thì phải xét đến chu kỳ giấc ngủ. Có 5 giai đoạn trong chu kỳ giấc ngủ. Ở mỗi giai đoạn, trạng thái của não và cơ thể sẽ khác nhau. Vì vậy, ngủ sớm không phải là điều kiện giúp ta có một tinh thần tỉnh táo, điều quan trọng hơn là phải thức dậy đúng lúc.
Giai đoạn 1: Thường chỉ diễn ra trong 3 - 15 phút từ thời điểm bắt đầu ngủ. Ở giai đoạn này, cơ thể dần chuyển sang trạng thái ngủ nông và có thể dễ dàng bị đánh thức. Thậm chí, khi tỉnh dậy từ giai đoạn này, chúng ta hầu như chẳng có cảm giác gì là mình vừa ngủ.
Giai đoạn 2: Chiếm khoảng 50% thời gian ngủ. Lúc này, mắt ngừng chuyển động và hoạt động của não trở nên chậm hơn. Người ta sẽ mất đi cảm giác về môi trường xung quanh. Thân nhiệt giảm dần. Nhịp tim và huyết áp chậm lại nhưng đều đặn. Điều đó cũng có nghĩa là, trong khoảng vài tiếng mỗi đêm, tim và hệ thống mạch máu đang được nghỉ ngơi.
Giai đoạn 3: Ngủ sâu, chiếm khoảng dưới 10% tổng thời gian ngủ. Đây là giai đoạn chuyển tiếp giữa ngủ nông và ngủ rất sâu. Ở giai đoạn này sóng não hoạt động rất chậm, thi thoảng xen kẽ với các đợt sóng nhanh. Nhiệt độ, nhịp tim, nhịp thở, huyết áp đều giảm, hệ thống xương khớp, cơ cũng giãn ra và chùng xuống.
Giai đoạn 4: Ngủ rất sâu, chiếm khoảng 20% tổng thời gian ngủ. Đây là giai đoạn quan trọng bởi cơ thể được nghỉ ngơi hoàn toàn. Nhiệt độ, nhịp tim, nhịp thở, huyết áp đều giảm xuống mức thấp nhất. Các cơ tay, chân bất động, cơ mắt hoàn toàn không chuyển động. Lúc này, các sóng não hầu hết là sóng chậm. Nhiều nội tiết tố, chẳng hạn như hoóc-môn tăng trưởng, cũng được tiết ra vào thời điểm này của giấc ngủ.
Giai đoạn 5: Ngủ mơ, chiếm 20% tổng thời gian ngủ. Lúc này, nhiệt độ cơ thể, nhịp tim, nhịp thở và huyết áp đều tăng lên, nhãn cầu chuyển động nhanh qua lại, trong khi cơ tay chân tạm thời không hoạt động. Những giấc mơ thường xuất hiện trong giai đoạn này. Cuối giai đoạn REM, cơ thể thường thức giấc tạm thời vài phút sau đó lại nhanh chóng lặp lại chu kỳ giấc ngủ cho tới sáng.
Thông thường, một chu kỳ giấc ngủ kéo dài 90 đến 110 phút. Dựa trên chu kỳ giấc ngủ, để tránh tình trạng mệt mỏi, uể oải khi thức giấc, chúng ta nên chủ động điều chỉnh giờ đi ngủ và giờ thức giấc của mình sao cho thời điểm thức giấc cũng chính là thời điểm 1 chu kỳ của giấc ngủ kết thúc.
Mở cửa sổ đón ánh sáng mặt trời
Theo Viện khoa học Y học Mỹ, ánh sáng là thành phần chính ảnh hưởng đến nhịp sinh học, tác động trực tiếp lên gen kiểm soát đồng hồ sinh học của bạn. Vì vậy, ánh mặt trời buổi sáng sớm sẽ giúp bạn tỉnh táo hơn.
Một nhóm nghiên cứu của Bỉ đã cho một nhóm người tiếp xúc với ánh nắng nhẹ vào buổi sáng trong 20 phút, đồng thời chụp ảnh não của họ. Kết quả cho thấy, những người này không chỉ minh mẫn hơn, mà phản ứng tại một số vùng não cũng được tăng cường. Những vùng não này liên quan tới sự chú ý, và quá trình nhận thức và ngăn chặn sự buồn ngủ khi ở trong bóng tối kéo dài.
Vì vậy, để giúp tỉnh táo hơn khi thức dậy, chúng ta có thể mở cửa sổ cho ánh nắng tràn vào phòng.
Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/thuc-day-tinh-tao-vao-buoi-sang-de-nhu-an-keo/788470.antd