Thúc đẩy tương tác với ASEAN trong khuôn khổ chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Theo thông báo từ Nhà Trắng, ngày 12 và 13.5 tới sẽ diễn ra hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ - ASEAN với sự tham gia của Tổng thống Joe Biden và các lãnh đạo Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Bên cạnh ý nghĩa biểu tượng nhằm kỷ niệm gần nửa thế kỷ thiết lập quan hệ đối tác – đối thoại giữa hai bên, hội nghị còn là dịp để thể hiện cam kết lâu dài của Mỹ đối với ASEAN, công nhận vai trò trung tâm của ASEAN trong việc đưa ra các giải pháp bền vững cho những thách thức cấp bách nhất và đặc biệt sẽ bàn đến Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF), vốn được Mỹ coi như một trụ cột cho Chiến lược của mình với khu vực.

Mỹ nghiêm túc trong cam kết với ASEAN

Trong một tuyên bố chính thức, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết: “Ưu tiên hàng đầu của chính quyền ông Biden là trở thành một đối tác mạnh và đáng tin cậy ở Đông Nam Á”. Bà Psaki lưu ý rằng ông Biden đã công bố các sáng kiến nhằm mở rộng sự tham gia của Mỹ với ASEAN về đối phó với Covid-19, biến đổi khí hậu, tăng trưởng kinh tế và hơn thế nữa.

Tổng thống Joe Biden tham dự Hội nghị trực tuyến với các nhà lãnh đạo ASEAN hồi tháng 10.2021

Tổng thống Joe Biden tham dự Hội nghị trực tuyến với các nhà lãnh đạo ASEAN hồi tháng 10.2021

Nguồn: Reuters

Trang web USChamber.com nói rõ rằng Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN và Phòng Thương mại Mỹ ủng hộ mạnh hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Mỹ - ASEAN sắp tới. “Chính quyền ông Biden tiếp tục thể hiện cam kết của mình với các bạn bè và đối tác ASEAN, ngay cả khi đang xử lý khủng hoảng ở Đông Âu. Cộng đồng doanh nghiệp Mỹ mong đợi hội nghị thượng đỉnh này như một cơ hội quan trọng để tăng cường quan hệ kinh tế và thúc đẩy vai trò lãnh đạo của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” - USChamber.com dẫn lời Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN, Đại sứ Ted Osius.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang nối lại nỗ lực tương tác với các nước Đông Nam Á nhằm thúc đẩy một chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới. Diễn biến trên đến trong bối cảnh có nhiều ý kiến cho rằng chiến lược hiện tại của Mỹ chưa đạt được những tiêu chuẩn kì vọng trong lĩnh vực thương mại.

Nếu diễn ra, đây sẽ là Hội nghị trực tiếp đầu tiên của Tổng thống Biden với các nhà lãnh đạo ASEAN. Hội nghị ban đầu được ấn định vào ngày 28 và 29.3 nhưng đã bị hoãn lại do lãnh đạo của một số nước thành viên ASEAN vướng phải các vấn đề về lịch trình, và trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine trở nên căng thẳng hơn.

Trọng tâm là IPEF

Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ - ASEAN sắp tới khả năng sẽ bàn đến một nội dung quan trọng, là Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF), được đưa ra hồi tháng 2. Với Khuôn khổ này, Mỹ đặt mục tiêu phối hợp chặt chẽ hơn với các nước đối tác về nhiều vấn đề, bao gồm thương mại kỹ thuật số, chuỗi cung ứng và công nghệ xanh. IPEF nhằm mục đích lấp lỗ hổng trong chiến lược châu Á của Mỹ do việc rời khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào năm 2017 - một hiệp định thương mại mạnh mẽ mà Mỹ đã có công thiết kế như một đối trọng với Trung Quốc.

Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) và Bộ Thương mại Mỹ đã giải thích rộng rãi khái niệm về khuôn khổ kinh tế nhưng các chi tiết, bao gồm cả hình thức và phương pháp đàm phán, vẫn chưa được công bố. Những điều này khả năng sẽ được đề cập trong hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Mỹ - ASEAN tới đây.

“Đây không phải là một hiệp định thương mại tự do truyền thống. Vì vậy, có rất nhiều câu hỏi đặt ra về hiệp định này sẽ trông như thế nào” - Phó trợ lý Bộ trưởng Thương mại Mỹ Pamela Phan cho hay. “Đầu tiên và quan trọng nhất, với Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, chúng tôi đang xem xét các cuộc thảo luận về cơ sở hạ tầng, phi carbon hóa và năng lượng sạch như một lĩnh vực trọng tâm chính. Càng có thể hòa nhập với IPEF, chúng ta càng có nhiều quốc gia trong khu vực tham gia vào các vấn đề này” - bà Pamela Phan nói thêm.

Khuôn khổ sẽ được cấu trúc như một tập hợp các thỏa thuận riêng lẻ, mà các quốc gia trong khu vực có thể lựa chọn để đăng ký. Khuôn khổ này có khả năng sẽ loại trừ việc cắt giảm thuế quan và các bước mở cửa thị trường mang tính ràng buộc pháp lý khác cần có sự chấp thuận của Quốc hội.

Các nhóm doanh nghiệp Mỹ đã vận động hành lang để có các điều khoản thương mại kỹ thuật số mạnh mẽ trong Khuôn khổ, hy vọng các điều khoản này sẽ đóng vai trò như một phương tiện để bảo đảm sự dẫn đầu của Mỹ trong các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo và 5G. Charles Freeman, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách châu Á tại Phòng Thương mại Mỹ, nói rằng, một thỏa thuận kỹ thuật số phải là “tiền đề và trung tâm” của chiến lược rộng lớn. Ông Freeman nói: “Còn rất nhiều việc cần phải làm để đưa chúng ta trở lại vị thế cạnh tranh ngang bằng với Trung Quốc.

Trong khi đó, một số thành viên đảng Dân chủ lo lắng, khuôn khổ hợp tác kinh tế mới có thể trở thành một kế hoạch cửa hậu để đưa ra các quy tắc quan trọng trong thương mại kỹ thuật số và các lĩnh vực khác gây bất lợi cho người lao động và người tiêu dùng, mà không có sự chấp thuận của Quốc hội.

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ John Cornyn - thành viên đảng Cộng hòa - là một trong số những người chỉ trích chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của chính quyền ông Biden, gọi IPEF là "một sự thay thế kém cho đồ thật. Ông Cornyn cho rằng khuôn khổ này quá thiên về tiêu chuẩn lao động và môi trường, trong khi lại thiếu sót trong các thỏa thuận tiếp cận thị trường.

South China Morning Post dẫn lời ông Zack Cooper - thành viên cấp cao tại Viện Doanh nhân Mỹ - cho rằng Mỹ hiện đầu tư chưa đủ vào khu vực. “Nếu nghĩ trong dài hạn về những quốc gia mà Mỹ có thể làm được nhiều hơn những gì mà họ đang làm, tôi nghĩ rằng rất nhiều quốc gia đó nằm ở khu vực Đông Nam Á” - ông Cooper cho hay. Ông nói thêm rằng những gì khu vực này muốn có lẽ nhiều hơn một chút so với IPEF. "Những gì khu vực muốn là tự do hóa thương mại ở một mức độ nào đó, và đó không phải là những gì Mỹ đang mang lại" - ông Cooper nói thêm.

Phản ứng của khu vực với IPEF

Trong hai tháng qua, hai chuyên gia Matthew P. Goodman - Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách kinh tế của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS-Mỹ) và Aidan Arasasingham - điều phối viên chương trình và trợ lý nghiên cứu tại CSIS đã tiến hành hỏng vấn đại diện từ hơn một chục chính phủ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nói chuyện với đại diện nhiều quốc gia phát triển và đang phát triển từ Đông, Đông Nam và Nam Á cũng như châu Đại Dương.

Đầu tiên, các Chính phủ hoan nghênh IPEF, coi đây như một biểu tượng của sự gắn kết về kinh tế của Mỹ với khu vực sau nhiều năm bên lề. Mặc dù muốn Mỹ tham gia lại TPP hoặc thỏa thuận kế nhiệm là Hiệp định Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nhưng nhiều nước trong khu vực vẫn ủng hộ IPEF như một sáng kiến độc lập.

Thứ hai, các đối tác muốn IPEF càng toàn diện càng tốt. Thành công của IPEF phụ thuộc vào việc liệu Mỹ có thể thu hút các nước đang phát triển từ Đông Nam Á, Nam Á và Thái Bình dương - đặc biệt là các nền kinh tế lớn như Indonesia, Việt Nam, Thái Lan và Ấn Độ hay không.

Thứ ba, sự thiếu rõ ràng về hình thức, chức năng, mục tiêu hướng tới và cách thức đàm phán của IPEF khiến các đối tác châu Á băn khoăn.

Thứ tư, nhiều nước đánh giá IPEF là một đề xuất với nhiều yêu cầu mà ít đề nghị từ Mỹ. Theo SCMP, nhiều nước cho rằng IPEF không tạo nhiều động lực tham gia, khi không chú trọng tạo điều kiện tiếp cận thị trường Mỹ. Nếu không có điều này, các đối tác sẽ thấy lợi ích không nhiều, đặc biệt khi so sánh với các giải pháp thay thế như Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) hay Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI) do Trung Quốc lãnh đạo.

Cuối cùng, nhiều chính phủ lo ngại về năng lực của Mỹ trong việc duy trì IPEF trước sự biến động của chính trị trong nước. Nói rõ hơn điều này, SCMP cho rằng với việc IPEF được thiết lập dựa trên lệnh hành pháp của tổng thống, nó có thể bị các chính quyền tiếp theo loại bỏ, vì nó không phải là hiệp ước được thượng viện phê chuẩn. Nếu Mỹ có thể giải quyết các băn khoăn liên quan đến hình thức, chức năng, lợi ích, tính toàn diện và độ bền vững của IPEF thì khuôn khổ này có cơ hội thực sự thuyết phục được các nước khu vực.

Việc này sẽ khó khăn, mất nhiều thời gian và đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách của Mỹ phải đáp ứng yêu cầu từ các đối tác trong khu vực. Tuy nhiên, hai chuyên gia lạc quan rằng phía Mỹ sẽ xử lý được các mối quan ngại này vì nhu cầu về sự can dự kinh tế của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vẫn cấp bách. IPEF là bước khởi đầu thuận lợi của chính quyền ông Biden nhằm đáp ứng nhu cầu này. Và cuộc gặp cấp cao sắp tới với ASEAN chắc chắn sẽ làm rõ những vấn đề mà Mỹ cũng như các quốc gia đối tác mong muốn.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/thuc-day-tuong-tac-voi-asean-trong-khuon-kho-chien-luoc-an-do-duong--thai-binh-duong-i287148/