Thúc đẩy ứng dụng CNTT xây dựng Quốc hội điện tử

Hội thảo kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các cơ quan nhà nước và những bài học kinh nghiệm cho việc xây dựng Quốc hội điện tử được Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức vào sáng 20/12.

 Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Lê Hải Đường phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Lê Hải Đường phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ nhiều cách làm hay, kinh nghiệm tốt, cung cấp các thông tin liên quan đến khung kiến trúc Chính phủ điện tử; phát triển Chính phủ điện tử và những đề xuất đối với Quốc hội điện tử; những quy định pháp lý về chữ ký số cho văn bản điện tử trong cơ quan nhà nước; kinh nghiệm huy động sự tham gia của các nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước trong việc xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử; vấn đề về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trong Chính phủ điện tử; chính sách an ninh mạng của một số quốc gia trên thế giới và kinh nghiệm cho quản lý về thông tin mạng tại các cơ quan nhà nước;…

Với các cơ chế, chính sách đã được ban hành, thời gian qua các bộ, ngành, địa phương có nhiều cố gắng và đạt được những kết quả tích cực trong triển khai xây dựng Chính phủ điện tử. Hành lang pháp lý trong ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử dần được thành lập. Một số cơ sở dữ liệu mang tính chất nền tảng thông tin đã và đang được xây dựng, có những cấu phần đã đi vào vận hành và phát huy hiệu quả.
Một số bộ, ngành đã xử lý công việc trên môi trường mạng. Tại một số địa phương, hệ thống thông tin một cửa điện tử được đưa vào vận hành, góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính minh bạch trong hoạt động của các cơ quan công quyền. Chất lượng nguồn nhân lực CNTT của Việt Nam cũng không ngừng được nâng cao…

Theo ông Lê Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Thông tin (Văn phòng Quốc hội), cùng với Chính phủ, Quốc hội là một trong những cơ quan đầu tiên trong hệ thống các cơ quan nhà nước của Việt Nam sớm triển khai ứng dụng CNTT để phục vụ các hoạt động của mình. Trong nhiều năm qua, lãnh đạo Quốc hội, Văn phòng Quốc hội luôn coi trọng và quan tâm chỉ đạo thúc đẩy phát triển ứng dụng CNTT phục vụ hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đã mang lại những hiệu quả rất thiết thực.

Tuy nhiên, về tổng thể, việc ứng dụng CNTT ở Quốc hội vẫn còn những hạn chế nhất định, hệ thống hạ tầng thông tin và phần lớn các ứng dụng CNTT trong các cơ quan của Quốc hội đã được đầu tư từ lâu, hầu hết là trên 10 năm...

Toảnh cảnh Hội thảo. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Toảnh cảnh Hội thảo. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, đồng thời kinh nghiệm của nghị viện nhiều nước trên thế giới cho thấy việc ứng dụng CNTT trong hoạt động nghị viện đang được ứng dụng một cách sâu rộng và đây cũng là xu thế chung; trong nước, các bộ, ngành, địa phương cũng đang rất quyết liệt ứng dụng CNTT trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công, phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp… Do đó, việc đẩy mạnh triển khai Quốc hội điện tử mà thực chất là việc ứng dụng CNTT một cách sâu rộng hơn trong mọi hoạt động của Quốc hội là xu thế tất yếu, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.

Các đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp cho xây dựng Quốc hội điện tử, trong đó có các giải pháp liên quan đến kế hoạch hành động phát triển Quốc hội điện tử; việc nâng cấp, xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu, cơ sở dữ liệu dùng chung cho Quốc hội điện tử; công tác giám sát, đánh giá phát triển Quốc hội điện tử; phát triển hệ thống phân tích dữ liệu phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Quốc hội; đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển Quốc hội điện tử;…

Nguyễn Hoàng

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/khoa-hoc-cong-nghe/thuc-day-ung-dung-cntt-xay-dung-quoc-hoi-dien-tu/383077.vgp