Thúc đẩy ứng dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp

Nâng cao hiệu quả sản suất, chống chịu sâu bệnh tốt, cải thiện đất, đa dạng sinh học để bảo vệ môi trường sinh thái và tăng giá trị nông sản... là những giá trị mà chương trình ứng dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp mang lại.

Bằng phương pháp lý thuyết kèm theo kỹ năng thực hành trên đồng ruộng, các lớp huấn luyện nông dân về chương trình IPHM đã mang lại nhiều giá trị khác biệt. Ảnh: THÁI NGỌC

Bằng phương pháp lý thuyết kèm theo kỹ năng thực hành trên đồng ruộng, các lớp huấn luyện nông dân về chương trình IPHM đã mang lại nhiều giá trị khác biệt. Ảnh: THÁI NGỌC

Các lớp huấn luyện quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) đã giúp nông dân thay đổi thói quen canh tác, nâng cao nhận thức về sức khỏe cây trồng, hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững.

Thay đổi thói quen canh tác

Những ngày này, ông Phan Thành Nghĩa ở xã Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa) chuẩn bị thu hoạch lúa hè thu. Vụ này, ông Nghĩa rất phấn khởi bởi hơn 5 sào lúa áp dụng canh tác theo chương trình IPHM được mùa. Theo ông Nghĩa, đây là vụ đầu tiên gia đình ông áp dụng đồng bộ các biện pháp IPHM trên ruộng lúa do Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) hỗ trợ, chuyển giao. Ban đầu khi thực hiện, tôi rất lo lắng bởi lâu nay chỉ quen với phương pháp canh tác truyền thống. Thực tế triển khai chỉ với một số biện pháp kỹ thuật cơ bản như sử dụng giống, giảm mật độ gieo sạ, bón phân hữu cơ, thuốc BVTV và xử lý rơm rạ sau thu hoạch… đã cho thấy hiệu quả rõ rệt.

“Trước đây tôi sạ dày 12-15kg/sào. Áp dụng chương trình IPHM, tôi sạ thưa 6kg/sào, rải phân và phun thuốc cân đối hơn, nhờ đó giảm được chi phí giống, phân bón mà lúa vẫn phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe, tăng chiều cao. Vụ này, tôi ước tính năng suất lúa đạt khoảng 400kg/sào, với mức giá 8.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí còn lợi nhuận khoảng 4 triệu đồng/sào, cao hơn vụ hè thu năm trước từ 2-3 triệu đồng/sào”, ông Nghĩa cho hay.

Là học viên tham gia lớp huấn luyện chương trình IPHM trên cây lúa, bà Đặng Thị Thơm ở xã An Định (huyện Tuy An) cho biết: Trong thời gian 14 tuần học, được cán bộ hướng dẫn, truyền đạt kiến thức về IPHM từ việc học lý thuyết đến thực hành, chúng tôi nhận diện đúng các đối tượng dịch hại, thiên địch trên ruộng lúa, biết được nhu cầu dinh dưỡng của cây lúa qua từng giai đoạn, từ đó xác định đúng thời điểm bón phân và lượng phân bón, sức khỏe đất. Ngoài ra, nông dân cũng biết được tác hại của việc sạ dày làm tăng chi phí, gây khó khăn trong quản lý dịch hại, nhưng năng suất chỉ bằng hoặc thấp hơn sạ thưa. Do đó, chúng tôi mạnh dạn giảm mật độ gieo sạ.

Còn theo ông Trần Hữu Thành ở xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân), trong quá trình tham gia lớp huấn luyện chương trình IPHM, ông cùng nhiều nông dân khác được chuyển giao khoa học kỹ thuật, mở ra hướng mới trong phòng chống sâu bệnh, bảo vệ cây trồng và thân thiện với môi trường.

“Khi tham gia lớp huấn luyện chương trình IPHM, bà con đã hiểu việc đốt rơm rạ sau thu hoạch gây tác hại tới môi trường, không làm đất tốt hơn mà còn tiêu diệt vi sinh vật có ích, làm cho đất chai cứng và mất cân bằng sinh thái ruộng lúa. Do đó, chương trình IPHM hướng dẫn nông dân để rơm rạ trên ruộng rồi tiến hành cày vùi. Tuy nhiên, để rơm rạ phân hủy nhanh, không gây ngộ độc cho lúa, nông dân có thể dùng các chế phẩm sinh học Emic, Trichoderma phun lên rơm rạ và ủ thành phân hữu cơ”, ông Thành chia sẻ.

Hướng đến sn xut nông nghip bn vng

Trực tiếp cầm tay chỉ việc, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân thực hiện chương trình IPHM, bà Nguyễn Thị Kim Hồng, cán bộ Chi cục Trồng trọt và BVTV Phú Yên vui mừng khi phương pháp canh tác lúa theo chương trình này đã được nông dân các địa phương tiếp cận, hưởng ứng tham gia, mở ra hình thức canh tác thân thiện với môi trường, giúp giảm chi phí, tăng năng suất lúa.

Bà Hồng cho biết: IPHM là hệ thống quản lý cây trồng mà các biện pháp tác động dựa trên nền tảng môi trường, cụ thể như đất, nước, thời tiết, sinh vật gây hại, sinh vật có ích nhằm giảm những tác động gây bất lợi cho cây trồng. Đồng thời phát huy các yếu tố nội tại của cây trồng, ngăn chặn sự bùng phát của sinh vật gây hại cũng như nâng cao giá trị sản phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học.

IPHM được phát triển trên nền tảng IPM, tuy nhiên có bổ sung một số nội dung đi sâu về sức khỏe của đất. Hơn nữa, chương trình IPHM còn giúp nông dân nắm bắt kiến thức sản xuất nông nghiệp trong tình trạng biến đổi khí hậu, ngăn ngừa suy giảm đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế, từ đó hướng đến nền sản xuất nông nghiệp canh tác bền vững và nâng cao giá trị sản phẩm.

Theo ông Nguyễn Văn Minh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Phú Yên, đơn vị đã tham mưu Sở NN&PTNT trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thúc đẩy ứng dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp trên cây trồng chủ lực của tỉnh từ năm 2024-2025, định hướng đến năm 2030.

“Tháng 4/2024, chi cục đã chủ trì tổ chức lớp đào tạo nâng cao giảng viên TOT-IPM lên TOT-IPHM cho 11 công chức, viên chức của đơn vị và Trung tâm Khuyến nông, được Sở NN&PTNT cấp giấy chứng nhận. Sau khi đội ngũ giảng viên TOT-IPHM đào tạo xong đã về các địa phương mở các lớp huấn luyện nông dân về chương trình IPHM. Trong đó, vụ hè thu 2024, đã triển khai 13 lớp huấn luyện chương trình IPHM cho nông dân tại 9 huyện, thị, thành phố. Theo kế hoạch, năm 2025, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai 26 lớp huấn luyện chương trình IPHM”, ông Minh cho biết.

Việc áp dụng canh tác lúa theo chương trình IPHM đã chứng minh được hiệu quả vượt trội so với đối chứng sản xuất lúa truyền thống. IPHM sẽ là cơ sở quan trọng để chúng ta hướng đến sản xuất nông nghiệp sinh thái, bền vững, thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.

Ông Nguyễn Văn Minh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt

và BVTV Phú Yên

THÁI NGỌC

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/320488/thuc-day-ung-dung-quan-ly-suc-khoe-cay-trong-tong-hop.html