Thúc đẩy vai trò phụ nữ trong phát triển kinh tế tập thể

Chính phủ đã phê duyệt Đề án Hỗ trợ hợp tác xã (HTX) do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 01). Ngay sau khi phê duyệt, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Tiền Giang tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) thực hiện Đề án 01, xây dựng kế hoạch triển khai đến các cơ sở Hội.

Theo đó, các cấp Hội LHPN tỉnh tập trung nhiều giải pháp phát triển, củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX do phụ nữ tham gia quản lý điều hành, đặc biệt là nhân rộng những mô hình hiệu quả, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

XÁC ĐỊNH MỤC TIÊU VÀ TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN

Căn cứ Đề án 01, ngày 2-6-2023, UBND tỉnh Tiền Giang ban hành Kế hoạch 181 thực hiện Đề án 01 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Kế hoạch đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Củng cố, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động cho ít nhất 12 HTX, 15 tổ hợp tác (THT) do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành được các cấp Hội hỗ trợ thành lập. Tạo việc làm ổn định cho trên 500 thành viên, lao động nữ trong HTX, 750 lao động nữ trong THT.

100% nữ quản lý của HTX (Chủ tịch, thành viên Hội đồng quản trị HTX; Giám đốc, Tổng Giám đốc HTX, thành viên Ban Kiểm soát) được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản trị, điều hành, phù hợp với hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX; đào tạo, bồi dưỡng cho thành viên, người lao động trong HTX, hội viên, phụ nữ có nhu cầu tham gia phát triển kinh tế tập thể (KTTT), HTX.

Tư vấn, hỗ trợ thành lập mới 2 HTX do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ (trên 50% lao động HTX là nữ); tạo việc làm mới cho trên 100 lao động nữ. 100% cán bộ Hội làm công tác hỗ trợ phát triển KTTT, HTX được tập huấn; ít nhất 80% cán bộ Hội các cấp được nâng cao kỹ năng tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên, phụ nữ tham gia phát triển KTTT, HTX.

Hội LHPN tỉnh Tiền Giang tổ chức tập huấn “Tăng tốc doanh nghiệp” cho nữ quản lý, làm chủ doanh nghiệp, HTX.

Hội LHPN tỉnh Tiền Giang tổ chức tập huấn “Tăng tốc doanh nghiệp” cho nữ quản lý, làm chủ doanh nghiệp, HTX.

Phấn đấu đến năm 2030: Củng cố, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động cho ít nhất 15 HTX, 15 THT được các cấp Hội hỗ trợ thành lập. Tạo việc làm ổn định cho 1.000 thành viên, lao động nữ trong HTX, 2.000 lao động nữ trong THT. 100% nữ quản lý của HTX được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản trị, điều hành, phù hợp với hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX; đào tạo, bồi dưỡng cho thành viên, người lao động trong HTX, hội viên, phụ nữ có nhu cầu tham gia phát triển KTTT, HTX…

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Kim Phượng, Phó Trưởng BCĐ Đề án 01 tỉnh cho biết: Để thực hiện hiệu quả Đề án cũng như Kế hoạch 181 hỗ trợ HTX do phụ nữ làm quản lý, ngoài phát huy nền tảng, nội lực sẵn có thì các cấp Hội đang phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, ngành chức năng; tranh thủ sự ủng hộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự đồng thuận của doanh nghiệp, hội viên, phụ nữ…

Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp thực hiện, như: Tuyên truyền, vận động phụ nữ nâng cao nhận thức về hỗ trợ phát triển KTTT, HTX. Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ.

Hỗ trợ, tư vấn, xây dựng các mô hình HTX do phụ nữ tham gia quản lý và tạo nhiều việc làm cho lao động nữ; hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các HTX do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ; nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp Hội về hỗ trợ, phát triển KTTT, HTX; tăng cường hợp tác quốc tế...

NHIỀU CÁCH LÀM SÁNG TẠO, THIẾT THỰC

Để phát triển các mô hình KTTT, các cấp Hội LHPN trên địa bàn tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ vốn, kỹ thuật; tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất; trang bị kiến thức cơ bản về phát triển kinh tế đổi mới sáng tạo; kỹ năng tiếp thị, bán hàng và thương mại hóa sản phẩm; hướng dẫn, định hướng mô hình sinh kế. Cùng với đó là thành lập nhóm cùng sở thích để trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh…

Đề án 01 có mục tiêu tổng quát là: Phát triển, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động các HTX do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ; hỗ trợ, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho thành viên và người lao động trong HTX; nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển KTTT, HTX. Phát huy nội lực, tinh thần hợp tác, khởi nghiệp sáng tạo của hội viên, phụ nữ, góp phần thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Theo Đề án 01, mục tiêu hướng đến năm 2030 là tiếp tục củng cố, hỗ trợ, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động cho ít nhất 1.500 HTX, 10.000 THT được các cấp Hội LHPN hỗ trợ thành lập; tạo việc làm ổn định cho 30.000 thành viên, lao động nữ trong HTX và thu hút 100.000 lao động nữ trong THT. 100% nữ quản lý của HTX được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản trị, điều hành phù hợp với hoạt động sản xuất, kinh doanh…

Vừa qua, Ban Quản lý Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tại tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2023 - 2027” phối hợp cùng Tổ chức Liên minh Nauy tại Việt Nam tổ chức 2 lớp tập huấn thúc đẩy hoạt động thương mại cho doanh nghiệp, HTX, THT do nữ quản lý, làm chủ trên địa bàn tỉnh. Với chủ đề “Tăng tốc doanh nghiệp”, các nữ quản lý cùng kế toán phụ trách tài chính của các doanh nghiệp, HTX, THT được các giảng viên nguồn truyền đạt, hướng dẫn những nội dung: Nghiên cứu môi trường kinh doanh; tìm hiểu khách hàng và đối thủ cạnh tranh; xác định nhu cầu thị trường; kênh bán hàng; xác định các chi phí trong kinh doanh, xác định giá bán, lập kế hoạch tài chính, báo cáo tài chính về chi phí, lợi nhuận, cân đối tài sản/dòng tiền và các chỉ số...

Chị Lê Hoàng Yến, xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho chia sẻ: “Sau khi được tham gia lớp tập huấn, tôi tiếp thu được rất nhiều kiến thức cho hoạt động kinh doanh của mình. Cơ sở sản xuất, kinh doanh của tôi là “Bánh tét Yến Duy”, trước nay chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng và bán ở các chợ.

Qua lớp tập huấn, tôi đã có ý tưởng kinh doanh và chắc chắn đầu tư phát triển cơ sở của mình, nhất là mạnh dạn thay đổi mẫu mã, kích thước bánh để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng; tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm…

Để hoạt động thành công và hiệu quả, tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm hỗ trợ của Hội LHPN các cấp, các sở, ngành trong việc tiếp cận chính sách hỗ trợ về hạ tầng, trang thiết bị, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất”.

Không chỉ quan tâm, phát triển các mô hình KTTT, các cấp Hội LHPN trong tỉnh còn gắn kết thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), với sự tham gia tích cực và hiệu quả của đông đảo hội viên, phụ nữ trong phát triển các sản phẩm OCOP. Đến nay, các cấp Hội LHPN đã hỗ trợ nhiều sản phẩm đạt chứng nhận OCOP do phụ nữ làm chủ thể.

Chị Huỳnh Thị Diễm, Giám đốc Công ty TNHH Mắm Bà Hai Diễm, xã Thành Công, huyện Gò Công Tây cho rằng: “Với vai trò người quản lý, tôi được tham gia nhiều lớp tập huấn về kỹ năng quản lý, điều hành HTX, được tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh.

Hiện tại, tôi đã đưa ra thị trường nhiều sản phẩm và được người tiêu dùng đón nhận. Từ khi thành lập, công ty luôn cố gắng phát triển, góp phần tạo việc làm ổn định, giúp phát triển kinh tế gia đình cho nhiều chị em phụ nữ. Công ty có 5 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao gồm: Mắm tôm chà, mắm tôm chua, mắm cá cơm, mắm ruốc và mắm ruốc sả ớt. Bên cạnh đó, công ty còn được hỗ trợ trong khâu kết nối, tiêu thụ sản phẩm thông qua nhiều kênh”.

Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh phối hợp Công ty L’Oreal Việt Nam mở 2 lớp đào tạo nghề tóc, nail, trang điểm miễn phí cho học viên để hỗ trợ học nghề cho lao động nông thôn, lao động nữ chưa có việc làm tại địa phương. Kết nối, giới thiệu quảng bá sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP phụ nữ khởi nghiệp của tỉnh Tiền Giang tham gia trưng bày tại khu Bãi Vòng, TP. Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang).

Đồng thời, ở cấp huyện, Hội LHPN còn phối hợp trung tâm dạy nghề, ngành Khuyến nông mở các lớp dạy nghề tiểu thủ công nghiệp, nghề may…; hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi; tổ chức Ngày hội Việc làm thu hút nhiều hội viên, phụ nữ trong độ tuổi lao động tham gia.

Các cấp Hội LHPN tổ chức 3 cuộc tập huấn cho 95 cán bộ Hội làm công tác hỗ trợ phát triển hợp tác, THT, tổ liên kết; tập huấn cho 175 cán bộ Hội cơ sở về kỹ năng tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên, phụ nữ tham gia phát triển KTTT; tổ chức 2 cuộc tham quan, học tập kinh nghiệm mô hình HTX do phụ nữ tham gia quản lý.

Ngoài ra, các cấp Hội còn duy trì tổ liên kết sản xuất, kinh doanh, các THT đan khung, dệt chiếu, kết cườm, đan lưới, hạt điều, may gia công… góp phần giúp hội viên, phụ nữ có việc làm ổn định, tăng thu nhập.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh Đặng Thị Ngọc Điệp, hoạt động của doanh nghiệp, HTX, THT do phụ nữ quản lý, làm chủ đã tạo được việc làm ổn định cho các thành viên và lao động nữ, giúp nhiều gia đình thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Nhiều HTX do phụ nữ làm chủ đã có đóng góp lớn cho địa phương.

Các chị là những tấm gương phụ nữ làm kinh tế giỏi tiêu biểu với tinh thần đổi mới, sáng tạo không ngừng. Thời gian tới, Hội LHPN tỉnh tiếp tục tham mưu, đề xuất với tỉnh triển khai thực hiện các mục tiêu mà Đề án 01 của Chính phủ đã nêu rõ. Trong đó, đặc biệt chú trọng nâng tầm các mô hình phát triển kinh tế của hội viên, phụ nữ tỉnh nhà. Đối với những mô hình có quy mô tiềm năng thì Hội sẽ vận động, hỗ trợ chị em nâng lên thành các tổ liên kết, THT, rồi đến HTX....

LÊ PHƯƠNG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202409/hoi-lien-hiep-phu-nu-tinh-tien-giang-thuc-hien-de-an-01-thuc-day-vai-tro-phu-nu-trong-phat-trien-kinh-te-tap-the-1020082/