Thúc đẩy việc chi trả trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt
Ngày 25/11/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 21/CTTTg về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt (Chỉ thị 21). Thực hiện Chỉ thị 21 và Công văn số 5234/LĐTBXH-TTTT ngày 23/12/2022 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội, ngày 25/7/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 159/KH-UBND (Kế hoạch 159) triển khai thực hiện nội dung này trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên đến nay, việc triển khai gặp không ít khó khăn, vướng mắc dẫn đến số người được chi trả trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh còn quá ít.
Mô hình quản lý chương trình an sinh xã hội là 1 trong 43 mô hình điểm nằm trong nhóm số hóa, tạo lập dữ liệu dùng chung trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ cải cách thủ tục hành chính. Cơ sở dữ liệu về các đối tượng được hưởng chính sách an sinh xã hội từ ngành lao động, thương binh và xã hội kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an. Dữ liệu này sẽ được đối soát, xác thực và làm sạch. Sau đó, các cơ quan sẽ phối hợp với các ngân hàng hoặc nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiến hành tạo lập tài khoản cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội.
Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, tính đến ngày 31/12/2023, toàn tỉnh có 64.454 đối tượng chính sách an sinh xã hội đang hưởng trợ cấp hàng tháng (trong đó có 16.975 đối tượng người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; 47.479 đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội). Tuy nhiên, mới chỉ có 386 đối tượng mở tài khoản để chi trả trợ cấp.
Phải khẳng định, việc triển khai chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt tạo thuận tiện cho cơ quan quản lý trong việc chi trả, thanh quyết toán đảm bảo nhanh chóng, công khai, hiện đại, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử. Đồng thời triển khai mô hình này cũng không phát sinh thủ tục hành chính, không làm thay đổi quy trình xử lý đối với các công tác liên quan đến chi trả cho đối tượng.
Tiện ích khác của mô hình là góp phần quan trọng phòng chống tội phạm trong lĩnh vực an sinh xã hội, bảo đảm số tiền chi trả đúng đối tượng, nhanh chóng, hạn chế tình trạng trục lợi, tham nhũng. Bên cạnh đó, mô hình này cũng thuận lợi và phù hợp với các đối tượng cư trú trên địa bàn thành thị, các xã tiếp giáp với trung tâm đô thị, gần cây ATM, nơi có các phòng giao dịch thường xuyên của các ngân hàng thương mại.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện. Nguyên nhân là do hầu hết người hưởng chính sách an sinh xã hội là người cao tuổi, người khuyết tật, những người yếu thế trong xã hội nên hạn chế nhất định khi thao tác rút tiền, quên mật khẩu, bị khóa thẻ... Một số người có tâm lý không muốn ủy quyền, ủy thác cho người khác nhận hộ trợ cấp qua tài khoản. Điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật để đối tượng thụ hưởng dịch vụ không dùng tiền mặt tại các địa phương còn hạn chế. Mạng lưới ngân hàng và ATM còn thưa thớt, đặc biệt là ở các huyện miền núi, khu vực nông thôn...
Dù còn không ít tồn tại, tuy nhiên, việc tăng cường triển khai thanh toán không dùng tiền mặt cho người dân thuộc diện được hưởng chính sách an sinh xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, tạo điều kiện để người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội một cách nhanh chóng, thuận lợi, thụ hưởng và nhận định đúng các chính sách của Đảng và Nhà nước.
Để thực hiện hiệu quả việc chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, đặc biệt trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, UBND tỉnh đã có văn bản giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội khẩn trương phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức phổ biến, quán triệt và triển khai đến tận UBND các xã, phường, thị trấn về Kế hoạch 159 của UBND tỉnh.
Phối hợp Bưu điện tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương hoàn thành ngay việc chi trả không dùng tiền mặt cho 386 đối tượng đã mở tài khoản trong tháng 1/2024; tập trung thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho số đối tượng vừa thuộc diện an sinh xã hội, vừa đang hưởng chế độ hưu trí đủ điều kiện thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh trong tháng 2/2024.
Để thay đổi thói quen dùng tiền mặt như hiện nay của đại đa số người dân, trong đó đặc biệt với những người hưởng chính sách an sinh xã hội, ngành chức năng và các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân thuộc diện được hưởng chính sách an sinh xã hội đăng ký mở tài khoản để thực hiện chi trả không dùng tiền mặt.
Công tác tuyên truyền cần chuyển tải hiệu quả đến người thụ hưởng chính sách về các tiện ích như có thể chủ động nhận tiền trợ cấp theo hình thức mong muốn, không mất thời gian chờ đợi, được nhận đúng, đủ tiền trợ cấp theo quy định. Mặt khác, đối với các trường hợp yếu thế, gặp nhiều khó khăn hoặc không có khả năng trong việc giao dịch, nhận trợ cấp qua tài khoản, cần xây dựng phương án, cách thức hỗ trợ phù hợp với nhu cầu của người dân, đảm bảo nguyên tắc không ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, đơn giản và thuận tiện. Trường hợp muốn ủy quyền cho người khác nhận thay qua hình thức tài khoản hoặc không qua tài khoản thì có thể ủy quyền.
Đối với các trường hợp thuộc diện hưởng chính sách an sinh xã hội bất khả kháng không đăng ký được tài khoản (người già yếu, không có khả năng đi lại, không có người nhận thay để ủy quyền) thì dịch vụ bưu chính công ích sẽ thực hiện chi trả tận tay cho người dân theo quy định của pháp luật tại nơi cư trú.
Để công tác chi trả chế độ an sinh xã hội không dùng tiền mặt hiệu quả hơn, thiết nghĩ cần có cơ chế giảm chi phí dịch vụ thanh toán liên ngân hàng của đối tượng thụ hưởng, phí duy trì tài khoản ATM, phí báo tin nhắn khi biến động thông tin tài khoản. Bởi vì thực tế các khoản tiền trợ cấp hàng tháng của các đối tượng được thụ hưởng không phải lớn, nếu phải “cõng” thêm nhiều khoản chi phí thì rất thiệt thòi cho người thụ hưởng chính sách.
Cùng với đó, cần quan tâm đến vấn đề đồng bộ trong việc nhận tiền bằng thẻ và chi tiêu bằng thẻ, như đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt từ hệ thống siêu thị, hệ thống mua sắm, tham gia các phương tiện giao thông đến chi tiêu đời sống hàng ngày. Các ngân hàng thương mại cần quan tâm đầu tư hạ tầng, bố trí thêm cây ATM, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận với dịch vụ thẻ ngân hàng, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, miền núi.