Thực hành dân chủ để ngăn ngừa vi phạm

1. Trong bản Di chúc để lại cho các thế hệ mai sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: 'Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau'.

Thực hiện Di chúc của Người, toàn Đảng luôn kiên trì nguyên tắc tập trung dân chủ. Tuyệt đại đa số tổ chức Đảng nhờ thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ đã luôn đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, khẳng định vai trò lãnh đạo, có sức chiến đấu cao, được nhân dân tin yêu.

Tuy nhiên, vẫn còn một số cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu cấp ủy, cán bộ, đảng viên thực hiện không đúng, không nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, làm tổn hại đến uy tín của Đảng và là nguyên nhân dẫn đến vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, trong nhiều kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét vi phạm của tổ chức Đảng, đảng viên, đều có nội dung kết luận: “Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc...”.

Đơn cử, tại kỳ họp thứ 45 diễn ra tháng 8-2024, xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và kết quả kiểm điểm, đề nghị thi hành kỷ luật đối với Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Lâm Đồng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy: Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Lâm Đồng đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để UBND tỉnh và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong quản lý, sử dụng đất một số dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; để nhiều tổ chức Đảng, đảng viên bị xử lý kỷ luật, nhiều cán bộ, đảng viên bị xử lý hình sự do có vi phạm, khuyết điểm trong vụ án “Đưa hối lộ, nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Dự án khu đô thị Đại Ninh tỉnh Lâm Đồng và các địa phương, đơn vị có liên quan.

Trước đó, tại kỳ họp thứ 43 (tháng 7-2024), Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ: Ban Cán sự đảng UBND tỉnh An Giang đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để UBND tỉnh và một số tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn tỉnh; một số cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự.

Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, nguy cơ thất thoát lớn ngân sách nhà nước, gây dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức Đảng và chính quyền địa phương, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật. Những tổ chức Đảng, đảng viên liên quan đã phải nhận những hình thức xử lý nghiêm theo kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước, song câu hỏi đặt ra, tại sao lại để xảy ra vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ? Phải chăng, do tổ chức Đảng mất sức chiến đấu, để người đứng đầu cấp ủy hoặc một số đảng viên tự tung tự tác?

Thực tế cho thấy, trong quá trình sinh hoạt, công tác cùng nhau, lúc cần cán bộ lên tiếng góp ý để giữ gìn uy tín cho nhau thì không thể hiện kịp thời; tiếng nói trung thực lúc này bị xem nhẹ; trong khi cả người đứng đầu cấp ủy, chính quyền lại không chú trọng sử dụng, phát huy vai trò, sức mạnh của “vũ khí” tự phê bình và phê bình trong nội bộ. Đây là một trong những căn nguyên khiến họ chủ quan, tự mãn, sa vào tham nhũng, tiêu cực...

Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, suy thoái đạo đức, lối sống dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ ra, làm giảm sút vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng, làm suy giảm niềm tin của nhân dân.

2. Tập trung dân chủ là nguyên tắc căn bản nhất trong 5 nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng. Nguyên tắc tập trung dân chủ được cụ thể hóa và quy định tại Điều 9, Điều lệ Đảng, với 6 nội dung cơ bản, trong đó có nội dung: Cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng do bầu cử lập ra, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Vì sao cần phải có tập thể lãnh đạo? Vì một người dù khôn ngoan tài giỏi mấy, dù nhiều kinh nghiệm đến đâu, cũng chỉ trông thấy, chỉ xem xét được một hoặc nhiều mặt của một vấn đề, không thể trông thấy và xem xét tất cả mọi mặt của một vấn đề. Vì vậy, cần phải có nhiều người... Vì sao cần phải cá nhân phụ trách? Việc gì đã được đông người bàn bạc kỹ lưỡng rồi, kế hoạch định rõ ràng rồi, thì cần phải giao cho một người hoặc một nhóm ít người phụ trách theo kế hoạch đó mà thi hành. Như thế mới có chuyên trách, công việc mới chạy”.

Với những ý nghĩa đó, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hành dân chủ, về giữ gìn đạo đức cách mạng là vấn đề căn cốt của mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay. Việc mỗi tổ chức Đảng cần làm ngay đó là, tiếp tục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về thực hành nguyên tắc tập trung dân chủ. Quan trọng hơn, cấp ủy, tổ chức Đảng và đảng viên phải nhận diện được các biểu hiện vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ để ngăn ngừa, không mắc phải; thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc cho phù hợp, bảo đảm đồng bộ; tăng cường kiểm tra, giám sát tổ chức Đảng, đảng viên, các lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm.

Nếu cá nhân người đứng đầu cấp ủy, cán bộ chủ chốt luôn coi trọng thực hiện trách nhiệm nêu gương, thực hành nguyên tắc tập trung dân chủ thì chắc chắn sẽ phát huy dân chủ, nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng cũng như uy tín cá nhân. Nếu mỗi cán bộ, đảng viên hiểu rõ và thực hành nguyên tắc tập trung dân chủ đi đôi với tự phê bình và phê bình, với tinh thần yêu thương đồng chí thì sẽ chỉ rõ được cái sai, ngăn đồng chí mình không mắc phải sai lầm, đồng thời khuyến khích và bảo vệ được những người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, qua đó triệt tiêu cái xấu, bảo thủ, trì trệ để góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Bình Yên

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/thuc-hanh-dan-chu-de-ngan-ngua-vi-pham-675824.html