Thực hành dân chủ, tạo sự đồng thuận
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh 'Thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn'. Học tập và làm theo Bác, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã triển khai thực hiện hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở trên nhiều lĩnh vực, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Nhân dân phường Việt Hưng (quận Long Biên) tham gia tổng vệ sinh môi trường, góp phần xây dựng quận xanh - sạch - đẹp.
Gắn với các nhiệm vụ trọng tâm
Dự án mở rộng tuyến đường ngõ 124 Âu Cơ (phường Tứ Liên, quận Tây Hồ) từng là “điểm nóng” về công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn quận Tây Hồ bởi nhiều hộ trong 153 gia đình thuộc diện giải phóng mặt bằng không đồng tình. Bằng sự vào cuộc của các cấp, các ngành quận Tây Hồ trong việc kiên trì đối thoại, vận động, công khai các phương án hỗ trợ, đền bù cho nhân dân, dự án đã được tiếp tục triển khai theo kế hoạch, tạo bộ mặt đô thị mới cho địa phương.
Có nhà thuộc diện giải phóng mặt bằng của dự án, ông Phan Thanh Muôn cho biết: Sau khi được giải thích rõ về dự án, nhiều gia đình từ chỗ bất hợp tác đã nhất trí, thậm chí tích cực vận động các hộ còn lại cùng đồng thuận bàn giao mặt bằng.
Theo Trưởng ban Dân vận Quận ủy Tây Hồ Trần Thị Thu Hường, quận có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều dự án cần triển khai. Do vậy, Tây Hồ xác định, đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với các nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt là trong công tác giải phóng mặt bằng. “100% dự án trên địa bàn đều được lãnh đạo UBND quận đối thoại trực tiếp nhằm kịp thời giải quyết dứt điểm những vướng mắc, kiến nghị về chính sách hỗ trợ, bồi thường, tái định cư… Qua đó, tạo sự đồng thuận, góp phần đẩy nhanh tiến độ các dự án”, đồng chí Trần Thị Thu Hường nói.
Tại quận Long Biên, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở được thực hiện gắn với công tác bảo vệ môi trường và quản lý trật tự xây dựng. Trưởng ban Dân vận Quận ủy Long Biên Nguyễn Quốc Long cho biết, toàn quận đã xác định 322 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường để phân cấp kiểm tra, quản lý, huy động nhân dân giám sát. Bà Nguyễn Thị Mẫn (phường Ngọc Lâm, quận Long Biên) nhận định, trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, người dân nâng cao ý thức, chủ động trong việc đổ rác đúng giờ, giữ gìn vệ sinh khu phố, không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường...
Cùng với các địa phương khác, từ cuối năm 2019 đến nay, thị xã Sơn Tây đã tập trung phát huy dân chủ, huy động cán bộ, đảng viên, nhân dân tham gia đóng góp vào văn kiện đại hội đảng bộ các cấp. Trưởng ban Dân vận Thị ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thị xã Sơn Tây Hà Việt Phong cho biết, việc nhiều tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp ý kiến không chỉ nâng cao chất lượng văn kiện, mà khi triển khai nghị quyết đại hội vào cuộc sống cũng thuận lợi hơn.
Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân
Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về dân chủ đã được các cấp, các ngành thành phố vận dụng sáng tạo. Đáng chú ý, trong 4 tháng đầu năm 2020, các địa phương, đơn vị đã phát huy dân chủ, huy động trí tuệ của toàn dân tham gia thảo luận, đóng góp vào dự thảo văn kiện đại hội đảng bộ các cấp; triển khai hiệu quả các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
Phát huy kết quả đã đạt được, Trưởng ban Dân vận Quận ủy Long Biên Nguyễn Quốc Long cho biết, thời gian tới, quận sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện Quy chế dân chủ trong triển khai các nhiệm vụ lớn của địa phương; động viên nhân dân tham gia góp ý kiến vào văn kiện Đại hội Đảng bộ quận nhiệm kỳ 2020-2025…
Đánh giá cao kết quả thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trên địa bàn thành phố thời gian qua, song Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cũng chỉ ra những hạn chế, đồng thời yêu cầu hệ thống dân vận cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và chủ đề công tác năm 2020 của thành phố. Đồng thời, thường xuyên nắm bắt, phân tích, dự báo diễn biến tình hình của cán bộ, đảng viên, nhân dân trước, trong và sau đại hội; tích cực tham gia đóng góp xây dựng văn kiện đại hội đảng bộ các cấp. Đặc biệt cần quan tâm việc tiếp công dân, đối thoại, giải quyết đơn thư kịp thời ngay từ cơ sở, không để phát sinh “điểm nóng”.
Cùng với đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc vận động đoàn viên, hội viên thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/968647/thuc-hanh-dan-chu-tao-su-dong-thuan