Thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược: Kiến tạo, tăng tốc, bứt phá - Bài 2: 'Đường lớn đã mở…'
Những cơ chế, chính sách mang tinh thần kiến tạo, đúng, trúng, kịp thời và những hành động cụ thể, quyết liệt của cả hệ thống chính trị đã tạo động lực mới để khâu đột phá hạ tầng tăng tốc.
Ba khâu đột phá chiến lược gồm hạ tầng, thể chế và nguồn nhân lực được Đảng xác định là 3 “mũi giáp công” chủ lực để đến năm 2025 Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại. Sau nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII, đã có những dấu ấn được ghi nhận. Song, để Việt Nam cất cánh, tiến tới hùng cường, thịnh vượng, cả hệ thống chính trị phải đoàn kết một lòng, xây dựng được thể chế kiến tạo, tăng tốc về hạ tầng và bứt phá về nguồn nhân lực.
Bài 2: “Đường lớn đã mở…”
Những cơ chế, chính sách mang tinh thần kiến tạo, đúng, trúng, kịp thời và những hành động cụ thể, quyết liệt của cả hệ thống chính trị đã tạo động lực mới để khâu đột phá hạ tầng tăng tốc. Mong ước về một tuyến đường cao tốc nối từ địa đầu Tổ quốc đến mũi Cà Mau kéo gần các vùng miền của đất nước đang dần thành hiện thực.
Hối hả những cung đường hy vọng
Sáng nay, ngày 23/10, Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV khai mạc. Một trong những nội dung được đặt lên bàn nghị sự kỳ họp này là Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ. Đây là văn bản rất được trông đợi, nhằm tháo gỡ nút thắt, tạo đột phá trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, để đầu tư hạ tầng tăng tốc, tạo “đường lớn” cho “con tàu” kinh tế - xã hội cất cánh.
Trước khi Kỳ họp thứ sáu diễn ra, ngày 18/10 vừa qua, 93 km của 2 dự án thành phần đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 chính thức được khánh thành. Đây là tin vui mới nhất, dự án mới nhất trong hàng chục dự án đường cao tốc đang từng ngày vươn tới khắp các vùng miền trên cả nước, như những cung đường mang theo bao kỳ vọng giúp kinh tế - xã hội ngày càng khởi sắc.
Theo Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, việc chính thức khánh thành 2 dự án này là dấu mốc đáng nhớ, khi từ địa đầu Tổ quốc tới “khúc ruột” miền Trung đã nối liền một dải bằng đường cao tốc.
“Cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đã được kết nối hoàn toàn bằng cao tốc đến Diễn Châu (Nghệ An), nâng tổng số chiều dài khai thác trên trục cao tốc Bắc - Nam lên 1.048 km. Đây là trục xương sống trên hành lang kinh tế vận tải huyết mạch của đất nước, nên mang ý nghĩa kinh tế - xã hội rất lớn”, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá.
Đến nay (tháng 10/2023), cả nước đã có hơn 1.832 km đường bộ cao tốc và đang tích cực triển khai xây dựng các đoạn còn lại trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Trong đó, có những địa phương đã làm nên “kỳ tích”, như Quảng Ninh, từ một tỉnh gần như “trắng” về đường bộ cao tốc, vượt lên trở thành tỉnh có tuyến đường bộ cao tốc dài nhất nước, với 200 km.
Đó có thể xem là sự “lột xác” của hạ tầng kết nối giữa các địa phương, các vùng kinh tế, nếu biết rằng, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông dài 2.063 km đi qua 32 tỉnh, thành phố, nối liền từ Cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đến Cà Mau - hành lang vận tải quan trọng nhất trong kết cấu hạ tầng giao thông cả nước - đã được khởi công đoạn tuyến đầu tiên từ tháng 12/2004 (đoạn tuyến TP.HCM - Trung Lương), nhưng đến đầu năm 2023, dự án mới chỉ có 1.200 km đường được hoàn thành.
Trước đó, dịp 2/9 vừa qua, khi người dân cả nước đang trong kỳ nghỉ lễ Kỷ niệm 78 năm ngày Quốc khánh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, với cương vị Trưởng ban Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông - vận tải (GTVT), vẫn có mặt tại công trường, phát lệnh khởi công đồng loạt 3 gói thầu quan trọng với tổng mức đầu tư lên đến 53.000 tỷ đồng của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và Tân Sơn Nhất.
Đây là những dự án trọng điểm về hạ tầng hàng không, được triển khai theo Quy hoạch Tổng thể hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo quy hoạch này, 420.000 tỷ đồng được đầu tư để phát triển các sân bay, cảng hàng không, trong đó, ưu tiên tập trung đầu tư một số cảng hàng không lớn, đóng vai trò đầu mối tại Vùng Thủ đô Hà Nội (Cảng hàng không quốc tế Nội Bài) và vùng TP.HCM (Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Long Thành).
Sự hối hả của các dự án hạ tầng được tiếp thêm động lực từ kế hoạch phát triển hệ thống vận tải đường sắt. Chia sẻ tại một cuộc tọa đàm về kinh tế Việt Nam, PGS-TS. Vũ Minh Khương (Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Singapore) nhắc lại ấn tượng của ông về sự quyết tâm, đồng lòng của Chính phủ, các bộ, ngành đối với lĩnh vực này.
“Bàn bạc để triển khai quyết định làm 218 km tàu điện ngầm, hệ thống đường sắt đô thị trong 12, 15 năm tới, mọi người ngồi họp ngày đêm, thu thập tri thức của tất cả mọi người để tìm giải pháp. Tôi nhận thấy một không khí rất đặc biệt”, PGS-TS. Vũ Minh Khương nhớ lại.
Đặc biệt, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội dành nguồn lực riêng để xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam, với tổng nhu cầu vốn dự kiến khoảng 240.000 tỷ đồng. Riêng trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, ngân sách nhà nước sẽ đầu tư 17.320 tỷ đồng cho các tuyến đường sắt quốc gia. Với đường sắt đô thị, đến năm 2023, nguồn lực đầu tư cho các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM là gần 71.500 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Danh Huy, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, chỉ riêng Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT đã chỉ đạo 25 dự án với 75 dự án thành phần, trong đó có những công trình quy mô vốn rất lớn, như 2 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông; Vành đai 3 TP.HCM; Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; các dự án đường sắt đô thị TP.HCM, Hà Nội; đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam…
“Các dự án này nếu hoàn thành đúng tiến độ không chỉ tạo diện mạo giao thông mới cho đất nước, mà còn tạo xung lực cho nền kinh tế cất cánh, đặc biệt trong điều kiện khó khăn hiện nay”, ông Huy kỳ vọng.
PGS-TS. Nguyễn Viết Thông, nguyên Tổng thư ký, Ủy viên thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương đánh giá, các thành quả của đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông là một dấu ấn rõ nét trong nửa nhiệm kỳ vừa qua, cho thấy việc cụ thể hóa khâu đột phá chiến lược về hạ tầng đã đi đúng hướng. Bên cạnh hạ tầng cứng, theo PGS-TS. Nguyễn Viết Thông, còn có điểm sáng là bước chuyển quan trọng của “hạ tầng số”, như việc bỏ sổ hộ khẩu giấy, chuyển sang căn cước công dân gắn chíp tích hợp nhiều thông tin, dữ liệu dân cư để bớt gánh nặng thủ tục cho người dân.
Còn nhiều nút thắt, điểm nghẽn cần tháo gỡ
Dù diện mạo kết cấu hạ tầng nói chung, hạ tầng giao thông đường bộ nói riêng đã đạt những kết quả thực sự vượt trội so với giai đoạn trước, song để đạt mục tiêu đột phá về hạ tầng như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra, vẫn còn rất nhiều điểm nghẽn, nút thắt ngay trên các công trường, dự án và cả những vấn đề pháp lý chờ được tháo gỡ.
Trong số đó, vướng mắc về nguồn vốn, về pháp lý dường như là “căn bệnh kinh niên” của các dự án cao tốc. Điển hình là Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, khởi công từ năm 2014, tuyến đường dài hơn 57 km đi qua TP.HCM, Long An và Đồng Nai này đã mất gần 10 năm mà chưa thể hoàn thành, do những vướng mắc về nguồn vốn (cơ chế giao vốn, sử dụng nguồn vốn). Tháng 9/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án này, để các chủ thể liên quan làm cơ sở tiếp tục thực hiện, hoàn thành tuyến cao tốc vào tháng 9/2025.
Trước đó, Dự án BOT xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (dài 50 km, tổng mức đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng) khánh thành dịp 30/4 vừa qua cũng phải mất tới 11 năm triển khai với 3 lần động thổ, 3 lần thay đổi nhà đầu tư.
Khi hình thức đầu tư BOT gặp khó, thì sự ra đời của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) được hy vọng tạo hành lang pháp lý rõ ràng, tạo bước đột phá về thu hút nguồn vốn xã hội hóa để triển khai các dự án hạ tầng, đường bộ cao tốc. Nhưng gần đây, nhà đầu tư gặp nhiều vướng mắc do sự chồng chéo, mâu thuẫn tại các văn bản quy phạm pháp luật và những lấn cấn trong cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân, dẫn đến nhiều dự án không lựa chọn được nhà đầu tư, các dự án triển khai theo phương thức PPP cũng bị chững lại.
Bên cạnh đó, hầu hết dự án hạ tầng giao thông, đường bộ cao tốc đã và đang triển khai đều nổi lên điểm nghẽn về giải phóng mặt bằng và thiếu hụt vật liệu phục vụ thi công. Câu chuyện cơ chế quản lý, giao mỏ vật liệu đất đắp cho chủ đầu tư và trách nhiệm, thẩm quyền cấp phép của địa phương, cơ chế kiểm soát giá vật liệu, không để xảy ra tình trạng chủ mỏ găm hàng, tăng giá trục lợi… đang “nóng” ở hầu hết các dự án, các địa bàn, là nguyên nhân trực tiếp kéo lùi tiến độ nhiều dự án.
Đáng mừng là, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn bám sát thực tiễn, liên tục thị sát công trường dự án, làm việc với các chủ đầu tư, nhà thầu, địa phương có dự án… để nắm bắt, lắng nghe từng đề xuất và tháo gỡ kịp thời.
Đặc biệt, nhiều vướng mắc khi áp dụng quy định của pháp luật (như các luật: Giao thông đường bộ, Đầu tư công, Xây dựng, Ngân sách nhà nước, PPP, Khoáng sản, Tổ chức chính quyền địa phương…) vào thực tiễn đầu tư phát triển các dự án đường bộ đã được chỉ ra, như quy định về tỷ lệ vốn nhà nước tham gia các dự án PPP; thẩm quyền đầu tư dự án quốc lộ, cao tốc qua các địa phương; việc khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng…
Từ đó, một phương án tổng thể để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đã được Chính phủ giao các bộ, ngành, địa phương cùng trao đổi, đề xuất. Đó là Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, sẽ được xem xét tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV. Một danh mục cụ thể các dự án giao thông đường bộ quan trọng, cấp thiết sẽ được áp dụng cơ chế đặc thù của Nghị quyết cũng được Chính phủ chuẩn bị.
Những vướng mắc nói trên được xem xét, giải quyết thỏa đáng được kỳ vọng sẽ giúp đa dạng hóa, huy động tối đa các nguồn lực hợp pháp cho phát triển hạ tầng giao thông, tạo nguồn lực mới, nguồn sinh khí mới để việc đầu tư kết cấu hạ tầng thực sự bứt phá, đạt mục tiêu Đại hội XIII đã đề ra.
Tín hiệu tích cực từ đầu tư công
Theo số liệu của Bộ Tài chính, 9 tháng của năm 2023, giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 363.311 tỷ đồng, tương đương 51,38% kế hoạch (cùng kỳ năm 2022 đạt 46,70%). Về vốn thực hiện, theo Tổng cục Thống kê, tính hết 9 tháng năm 2023, vốn đầu tư công thực hiện đạt 57,4% kế hoạch, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương tin tưởng, yêu cầu giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn đầu tư công trong năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ sẽ thực hiện được.
(Còn tiếp)