Thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm, 6 đột phá chiến lược để tỉnh Bắc Ninh sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Với quyết tâm đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh Bắc Ninh xây dựng Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm và 6 đột phá chiến lược.

Quy hoạch và xây dựng nhiều công viên cây xanh, hồ điều hòa nhằm đưa Bắc Ninh trở thành nơi đáng sống.

Quy hoạch và xây dựng nhiều công viên cây xanh, hồ điều hòa nhằm đưa Bắc Ninh trở thành nơi đáng sống.

Ngày 8/12/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là cơ sở quan trọng để Bắc Ninh hoạch định chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đô thị với nhiều định hướng mang tính đột phá về ý tưởng, chiến lược và tầm nhìn quy hoạch.

Mục tiêu đến năm 2030, Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là trung tâm kinh tế, văn hóa năng động của khu vực phía Bắc; một trong những cực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, kết nối chặt chẽ với Thủ đô Hà Nội; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển đồng bộ, hiện đại. Quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, Bắc Ninh đề ra 3 nhiệm vụ trọng tâm và 6 đột phá chiến lược. Theo đó, tỉnh sẽ tập trung nguồn lực đầu tư vào ngành công nghiệp và dịch vụ; chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng phát triển; chuyển đổi và thu hút đầu tư vào nhóm ngành mới.

Phấn đấu trước năm 2030 tỉnh Bắc Ninh có 4 thành phố: Bắc Ninh, Từ Sơn, Tiên Du, Yên Phong; 2 thị xã: Quế Võ, Thuận Thành; 2 huyện: Lương Tài, Gia Bình.

Thực hiện hiệu quả cải cách hành chính, chuyển đổi số; xây dựng chính quyền số gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, hiện đại. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài.

Đối với 6 đột phá chiến lược, tỉnh sẽ triển khai nghiên cứu, đề xuất, thí điểm một số cơ chế, chính sách mới có tính đột phá, đặc thù để tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc trung ương. Trong đó có những chính sách khuyến khích, ưu đãi vượt trội mang tính cạnh tranh quốc tế đối với các dự án lớn, quan trọng để thu hút được các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư sản xuất kinh doanh, nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển.

Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhất là hạ tầng giao thông (đường sắt đô thị, giao thông ngầm; giao thông kết nối nội vùng, liên vùng). Hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp, chuyển đổi các khu công nghiệp theo hướng xanh, tuần hoàn, bền vững.

Đồng thời, thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, tiếp cận chuẩn mực của thế giới để nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương, vùng và cả nước. Thúc đẩy mạnh mẽ nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong lĩnh vực có tiềm năng và lợi thế.

Bên cạnh đó là nâng cao chất lượng quản trị, chất lượng đội ngũ cán bộ gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Về phương hướng phát triển các ngành quan trọng: Bắc Ninh sẽ chú trọng phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh, hình thành trung tâm điện tử hàng đầu Việt Nam gắn với công nghệ thông minh, đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp lớn, có tác động lan tỏa để trở thành động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh và của cả nước.

Đa dạng hóa, đẩy mạnh phát triển các ngành sản xuất công nghệ cao sản xuất thiết bị bán dẫn, công nghệ thông tin, công nghiệp dược phẩm, y tế, thiết bị năng lượng tái tạo... nhằm nâng cao vị thế ngành công nghiệp tỉnh Bắc Ninh trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Về Thương mại: Xây dựng Bắc Ninh trở thành trung tâm mua sắm, thương mại và tiêu dùng của vùng Thủ đô; thúc đẩy phát triển thương mại gắn với phát triển đô thị xanh, bền vững tạo không gian sống lý tưởng để thu hút nhân lực chất lượng cao. Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử. Phát triển dịch vụ theo hướng đa dạng, bền vững; tập trung vào các ngành dịch vụ giá trị cao, có tiềm năng, lợi thế như: dịch vụ công nghệ thông tin, viễn thông, logistics, tài chính và các dịch vụ hỗ trợ khác.

Mục tiêu đến năm 2030, Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc trung ương

Mục tiêu đến năm 2030, Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc trung ương

Tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ưu tiên phát triển du lịch sinh thái làng nghề, du lịch trải nghiệm lịch sử và thời gian, các sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn gắn với giá trị văn hóa con người Bắc Ninh - Kinh Bắc; nâng cao vai trò quảng bá và giới thiệu hình ảnh của tỉnh Bắc Ninh với bạn bè trong nước và quốc tế.

Nông nghiệp: Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hàng hóa tập trung, nông nghiệp tuần hoàn gắn với công nghiệp chế biến, tham gia chuỗi giá trị.

Về Khoa học, công nghệ: Thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, công dân số để trở thành động lực tăng trưởng kinh tế.

Xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi vượt trội để thu hút được các tập đoàn đa quốc gia đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển, trung tâm đổi mới sáng tạo tại Bắc Ninh.

Về giáo dục đào tạo: Xây dựng nền giáo dục hiện đại, bảo đảm công bằng về cơ hội học tập cho mọi người dân, tạo điều kiện phát triển tài năng. Củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục các cấp. Ưu tiên phát triển cơ sở giáo dục đại học và trung tâm giáo dục nghề nghiệp công nghệ cao để thúc đẩy phát triển giáo dục đại học và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh Bắc Ninh và cả nước.

Về Y tế: Xây dựng hệ thống y tế theo hướng hiện đại và bền vững, trong đó gắn y tế chuyên khoa, chuyên sâu với y tế phổ cập, kết hợp hài hòa giữa phòng bệnh với khám chữa bệnh - phục hồi chức năng. Phát triển y tế gắn với sản xuất dược phẩm, thiết bị y khoa và du lịch y tế.

Bên cạnh vùng kinh tế động lực là thành phố Bắc Ninh - đô thị trung tâm. Toàn tỉnh sẽ hình thành các trục không gian kinh tế xã hội với 5 hàng lang phát triển:

- Hành lang kết nối đô thị - thương mại - dịch vụ dọc quốc lộ 1A, nối Từ Sơn - Tiên Du - Bắc Ninh, kết hợp với trục phát triển đô thị Hà Nội - Bắc Ninh - Bắc Giang. Dọc hành lang sẽ phát triển tập trung theo 3 khu vực đô thị hiện hữu là Từ Sơn, Tiên Du, Bắc Ninh, được giới hạn phát triển bởi các nệm xanh.

- Hành lang kết nối dịch vụ - công nghiệp - thương mại dọc quốc lộ 18, nối Yên Phong - Bắc Ninh - Quế Võ, xây dựng khu vực đô thị gắn với các khu công nghiệp tập trung, hoàn thiện hạ tầng dịch vụ phục vụ cho hoạt động của các khu công nghiệp.

- Hành lang sinh thái dọc tuyến sông Đuống, sông Cầu; bố trí các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị với mật độ thấp, ưu tiên phát triển cây xanh, cảnh quan, mặt nước dọc hành lang các tuyến sông; quy hoạch các khu vực phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại thị xã Quế Võ, huyện Yên Phong, huyện Tiên Du.

- Hành lang phát triển đô thị, công nghiệp và nông nghiệp sinh thái ứng dụng công nghệ cao dọc quốc lộ 17, nối Quế Võ - Gia Bình - Lương Tài - Thuận Thành.

- Hành lang phát triển đô thị dịch vụ dọc quốc lộ 38 và vành đai 4 vùng Thủ đô; hành lang du lịch văn hóa tâm linh kết nối thành phố Từ Sơn, huyện Tiên Du và thị xã Thuận Thành dọc tuyến đường tỉnh 276.

Về định hướng phát triển các khu chức năng: Đến năm 2030, Bắc Ninh có 25 khu công nghiệp, 30 Cụm công nghiệp. Trong đó ưu tiên phát triển các khu công nghiệp tập trung, khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp đa chức năng đồng bộ, chất lượng cao.

Phương án phát triển Du lịch được định hướng theo vùng, theo tuyến và các khu du lịch trọng yếu. Trong đó, vùng Bắc Đuống: tập trung các loại hình du lịch hội nghị - hội thảo - sự kiện, dịch vụ vui chơi giải trí, du lịch văn hóa... Vùng Nam Đuống: du lịch sinh thái nông nghiệp, nghỉ dưỡng kết hợp với tham quan, du lịch sông nước, du lịch cộng đồng, sân golf…

Vùng đô thị Hồ, thị xã Thuận Thành trong vai trò là đô thị cửa ngõ kết nối với Hà Nội, là trung tâm du lịch vùng phía Nam của tỉnh; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, làng nghề truyền thống tranh Đông Hồ. Vùng không gian sông Đuống và hành lang sông Đuống: phát triển du lịch xanh, du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch sông nước.

Về phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật. Mạng lưới giao thông: Tập trung ưu tiên đầu tư các công trình có tính đột phá, bao gồm các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng yếu, các tuyến có nhu cầu vận tải lớn, kết nối liên vùng. Phấn đấu đến năm 2030, Bắc Ninh có 4 tuyến cao tốc, với tổng chiều dài 190 km. Quy hoạch 1 cảng hàng không tại huyện Gia Bình.

Nghiên cứu đầu tư xây dựng 12 tuyến đường sắt đô thị cùng với đó là Hệ thống giao thông ngầm, khuyến khích phát triển các phương tiện vận tải hành khách thân thiện môi trường.

Phát triển mạng lưới điện phân phối hiện đại, bảo đảm vận hành linh hoạt, bảo đảm được cấp từ 2 nguồn điện trở lên, đáp ứng nhu cầu phụ tải tiêu thụ cực đại toàn tỉnh.

Xây dựng khu công nghệ thông tin tập trung tỉnh Bắc Ninh hiện đại, có sức hấp dẫn cao nhằm thu hút các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Phổ cập mạng di động 4G/5G trên toàn tỉnh. Về thủy lợi: bảo đảm hài hòa nguồn nước, chủ động tạo nguồn và tích trữ, điều hòa, phân phối phù hợp.

Công tác phòng cháy chữa cháy: bố trí bảo đảm mỗi huyện có ít nhất 1 đội cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

Phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai: Tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh đến năm 2030 là 82.271,14 ha. Trong đó, Đất nông nghiệp chiếm 41,76%, Đất phi nông nghiệp 58,22 % diện tích đất tự nhiên. Đất chưa sử dụng chiếm 0,02% diện tích đất tự nhiên. Đối với diện tích đất chưa sử dụng: Quản lý và chuyển đổi, đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng căn cứ theo quy hoạch, được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Để thực hiện các mục tiêu đề ra, tỉnh Bắc Ninh đưa ra 6 nhóm giải pháp: Giải pháp về huy động vốn đầu tư; Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực; Giải pháp về môi trường, khoa học công nghệ; Giải pháp về cơ chế, chính sách liên kết phát triển; Giải pháp về quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn; Giải pháp tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.

Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là công cụ pháp lý quan trọng để Bắc Ninh hoạch định chính sách, điều hành và quản lý mọi hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức không gian lãnh thổ trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ mới, hướng tới mục tiêu: Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc trung ương, nơi người dân và doanh nghiệp được thụ hưởng các chính sách tốt nhất của cuộc sống.

Quang Ngọc

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/thuc-hien-3-nhiem-vu-trong-tam-6-dot-pha-chien-luoc-de-tinh-bac-ninh-som-tro-thanh-thanh-pho-truc-thuoc-trung-uong-20240914101440749.htm