Thực hiện bình đẳng giới ở đồng bào dân tộc thiểu số

Tôn trọng, chia sẻ, yêu thương và bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của phụ nữ và trẻ em gái; tạo điều kiện để phụ nữ được học tập, lao động, tham gia công tác xã hội… là những việc làm cần thiết để thực hiện bình đẳng giới trong mỗi gia đình ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Cán bộ Hội Phụ nữ xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo tuyên truyền về bình đẳng giới tới hội viên

Cán bộ Hội Phụ nữ xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo tuyên truyền về bình đẳng giới tới hội viên

Đối với gia đình anh Hoàng Duy Niên, dân tộc Cao Lan, thôn Xóm Mới, xã Quang Yên, huyện Sông Lô, mỗi ngày mới đều là một ngày đáng trân trọng. Buổi sáng thức dậy, trong khi ông bà chơi với các cháu, vợ chồng anh cùng nấu bữa ăn sáng cho các thành viên trong gia đình.

Sau bữa sáng vui vẻ, vợ chồng anh đưa con đến trường và bắt đầu công việc tại cơ quan, công ty. Ngày mùa, anh chị tranh thủ thời gian hỗ trợ ông bà nội làm các công việc đồng áng.

Anh Niên cho biết: "Trước đây, tôi ít tham gia làm việc nhà bởi nghĩ đó là việc của phụ nữ. Nhưng qua các phương tiện truyền thông cùng với sự tuyên truyền của các đoàn thể tại địa phương và bản thân tôi ra ngoài xã hội, được tiếp xúc với nhiều người, nhận thức được nâng cao nên tôi hiểu, trong gia đình, vợ - chồng là bình đẳng.

Từ khi tôi chia sẻ việc nhà và cùng vợ chăm sóc con cái, gia đình tôi luôn ấm áp, nhiều tiếng cười hơn. Tôi hiểu, hạnh phúc gia đình chính là sự sẻ chia, vun đắp của cả 2 vợ chồng".

Sau mỗi ngày làm việc vất vả, niềm vui của anh Trương Văn Hải, dân tộc Sán Dìu, thôn Đạo Trù Hạ, xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo là được trở về nhà, cùng vợ trò chuyện, dọn nhà cửa và chăm sóc con cái.

Sự hòa thuận giúp vợ chồng anh Hải sống hạnh phúc, các con ngoan ngoãn, chăm chỉ học tập, nên nhiều năm liền, gia đình anh đều đạt danh hiệu gia đình văn hóa.

Chị Trần Thị Thanh - vợ anh Hải chia sẻ: "Chồng tôi làm kinh doanh tại địa phương nhưng anh rất tâm lý, yêu chiều vợ con. Công việc bận rộn, vất vả, nhưng chồng vẫn tạo điều kiện cho tôi tham gia công tác đoàn thể, làm Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn.

Ở cửa hàng về sớm, anh đều chủ động làm việc nhà, quan tâm đến con cái. Tôi thấy hạnh phúc và hài lòng với cuộc sống hiện tại khi mình được bình đẳng, được chồng tôn trọng".

Trước đây, trong đồng bào DTTS luôn tồn tại tư tưởng trọng nam, khinh nữ do hầu hết các DTTS thường cư trú ở những vùng sâu, vùng xa, địa hình đồi núi và đời sống của phần lớn gia đình DTTS vẫn còn nhiều khó khăn; những phong tục tập quán, tín ngưỡng, hủ tục lâu đời khiến phụ nữ trở thành nhóm yếu thế.

Con gái thường phải nghỉ học sớm để hỗ trợ bố mẹ lao động sản xuất, làm việc nhà, trong khi, con trai được ưu tiên đi học. Đến tuổi lấy chồng, con gái phải theo sự sắp xếp của gia đình.

Đặc biệt, đa phần người vợ đều nhiều tuổi hơn chồng bởi gia đình nào cũng quan niệm lấy con dâu, lấy vợ về để làm việc đồng áng, việc nhà và sinh con để nối dõi tông đường; phụ nữ không sinh được con trai thường chịu sự ghẻ lạnh của gia đình chồng.

Khi có cỗ bàn, có khách đến nhà ăn cơm, phụ nữ phải ngồi mâm riêng ở nhà dưới hoặc bếp. Khi xảy ra mâu thuẫn, người vợ luôn phải nhẫn nhịn, bị bạo hành cũng cam chịu....

Tuy nhiên, những năm gần đây, hoạt động bình đẳng giới vùng đồng bào DTTS ngày càng được đẩy mạnh; vai trò của phụ nữ và trẻ em gái từng bước được nâng lên.

Tại các khu vực đồng bào DTTS sinh sống, 100% trẻ em gái trong độ tuổi đều được đến trường; nạn tảo hôn, ép hôn hầu như không còn. Phụ nữ vùng đồng bào DTTS cũng ngày càng tích cực tham gia các hoạt động chính trị, xã hội; điển hình như tại xã Đạo Trù, có 4/21 cán bộ tham gia công tác tại Đảng ủy, HĐND, UBND xã là nữ giới, người dân tộc Sán Dìu; cấp thôn có 17 cán bộ đoàn thể là nữ giới; 60-70% phụ nữ từ 18-40 tuổi làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp với thu nhập ổn định…

Có được kết quả đó là nhờ các cấp, ngành chức năng, các địa phương đã và đang triển khai tích cực, đồng bộ các giải pháp thực hiện bình đẳng giới như tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho người dân về bình đẳng giới; thực thi nghiêm quy định của pháp luật về bình đẳng giới, nhất là bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em gái.

Thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ, tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia phát triển kinh tế, tự chủ tài chính; thành lập các câu lạc bộ, nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc; đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể thao nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân…

Bên cạnh đó, sự phát triển của xã hội cũng tác động mạnh đến đời sống, tạo cơ hội cho phụ nữ phát triển toàn diện để nâng cao vị thế trong gia đình và xã hội.

Bài, ảnh: Minh Hường

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/81652/thuc-hien-binh-dang-gioi-o-dong-bao-dan-toc-thieu-so.html