Thực hiện các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi
Bước vào mùa đông, nhiệt độ xuống thấp, kèm theo nhiều đợt rét đậm, rét hại, sẽ gây ảnh hưởng đến sức đề kháng của đàn vật nuôi, dẫn đến khả năng dễ mắc các dịch bệnh truyền nhiễm rất cao. Nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi, huyện Phù Yên đã triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống đói, rét, góp phần giảm thiểu dịch bệnh ở gia súc trên địa bàn.
Hiện nay, nhân dân trong huyện đang duy trì và chăm sóc tích cực cho 14.520 con trâu, 31.000 con bò, hơn 12.000 con dê, 4.300 con ngựa, gần 44.000 con lợn trên 2 tháng tuổi... Năm 2020, dịch lợn tả châu Phi và bệnh tụ huyết trùng trên trâu, bò xuất hiện trên địa bàn huyện Phù Yên đã phần nào ảnh hưởng đến kinh tế của người dân. Để bảo vệ đàn vật nuôi, huyện đã chỉ đạo các xã tập trung triển khai các biện pháp dập dịch; thành lập các chốt kiểm dịch động vật, nhằm kiểm soát, tránh lây lan dịch bệnh trên diện rộng; tổ chức tiêm phòng 43.250 liều vắc xin lở mồm long móng trâu bò, 5.840 liều vắc xin dịch tả lợn định kỳ; phun khử trùng 1.841 m² khu vực chăn nuôi, chuồng trại...; thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, khí hậu, để thông tin kịp thời cho người dân biết; khuyến cáo người dân khi nhiệt độ xuống thấp kéo dài, ngoài việc nuôi nhốt thì nên sử dụng các biện pháp khác để giữ ấm cho trâu, bò... Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, ý thức của người dân trong phòng, chống đói, rét cho gia súc đã được nâng lên rõ rệt, hầu hết các hộ gia đình đều đã xây dựng chuồng trại kiên cố, che chắn cẩn thận, lót chuồng giữ ấm cho đàn gia súc và tích trữ các loại thức ăn khô, đảm bảo nguồn thức ăn cho vật nuôi khi thời tiết bất lợi...
Từng bị thiệt hại do đàn gia súc bị đói rét, nên ngay khi bước vào mùa đông, gia đình anh Lường Văn Mạnh, bản Tường Han, xã Mường Do lại chủ động triển khai các giải pháp bảo vệ đàn vật nuôi. Anh Mạnh chia sẻ: Nếu chủ quan, lơ là trong chăm sóc, nhất là mùa đông thì vật nuôi dễ bị chết đói, chết rét, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Hằng năm, trước khi bước vào mùa đông, gia đình tôi được cán bộ khuyến nông hướng dẫn cách gia cố chuồng trại; trồng cỏ voi, dự trữ rơm rạ; chuẩn bị rơm lót nền chuồng cho đàn gia súc vào ngày nhiệt độ xuống thấp, nhằm hạn chế dịch bệnh. Nhờ đó, 20 con bò của gia đình phát triển tốt và không bị dịch bệnh.
Còn tại xã Huy Thượng, trước đây, do tập quán chăn thả, bà con thường đưa gia súc vào các thung lũng, vài ngày mới đi kiểm tra một lần nên tình trạng vật nuôi bị chết đói, chết rét thường xuyên xảy ra. Ông Hoàng Văn Thân, Phó Chủ tịch UBND xã Huy Thượng, cho biết: Hiện nay, toàn xã có trên 800 con trâu, bò, gần 300 con dê, ngựa... Nhằm nâng cao ý thức cho người dân và duy trì, bảo vệ đàn vật nuôi xã tập trung chỉ đạo các đoàn thể, cán bộ khuyến nông tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân thu gom dự trữ thức ăn; kiểm tra chuồng trại, tổ chức tiêm phòng định kỳ cho đàn vật nuôi. Đồng thời, hướng dẫn người dân tận dụng phụ phẩm để bổ sung thức ăn cho đàn gia súc khi trời rét đậm, rét hại kéo dài; che chắn chuồng trại cẩn thận... Chính vì vậy, nhiều năm liền tình trạng trâu, bò bị chết rét trong mùa đông trên địa bàn không còn xảy ra; người dân yên tâm mở rộng quy mô đàn vật nuôi.
Bà Bạc Cầm Thị Xiêng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cũng khuyến cáo, vào mùa đông, nguồn thức ăn khan hiếm sẽ dẫn đến sức đề kháng của vật nuôi bị giảm. Đặc biệt, những ngày tới, sẽ xuất hiện các đợt rét đậm, rét hại vì thế, bà con không được chủ quan, lơ là trong thực hiện các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi; khi nhiệt độ ngoài trời dưới 100C phải nhốt gia súc trong chuồng, tuyệt đối không thả rông; bổ sung kịp thời thức ăn, nước ấm cho gia súc; không cho trâu, bò cày, kéo trong những ngày giá rét. Đồng thời, chủ động theo dõi diễn biến tình hình thời tiết và dịch bệnh để có biện pháp ứng phó kịp thời, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về kinh tế.
Với sự chủ động, tích cực trong chỉ đạo của huyện Phù Yên, cùng với ý thức của người dân trong công tác phòng, chống đói rét cho đàn gia súc sẽ hạn chế thấp nhất các thiệt hại do tác động của thời tiết gây ra, góp phần duy trì và phát triển tốt đàn vật nuôi của người dân trên địa bàn.