Thực hiện các biện pháp diệt chuột bảo vệ mùa màng
Tại thời điểm này ở các địa phương thuộc thành phố Tuyên Quang, Chiêm Hóa, Sơn Dương, Yên Sơn nhiều diện tích rau màu, ngô đông của bà con đã bị chuột cắn phá.
Xã Hoàng Khai (Yên Sơn), chuột đã cắn phá ở hầu hết các loại cây rau, màu vụ đông. Ông Vũ Văn Vũ, thôn Nghiêm Sơn cho biết, hơn 2 sào ngô, 3 sào rau cần của gia đình đã bị chuột phá hoại, trong đó ngô đã bị cắn phá hết. Ông Vũ đã phải mua gần 4 kg nilon căng kín làm hàng rào. Theo ông Vũ, làm cây vụ đông năm nay rất vất vả vì phải chống chọi với chuột, 100% các hộ trồng rau, màu vụ đông ở thôn Nghiêm Sơn phải mua nilon để phủ luống, quây rào hạn chế phần nào chuột làm tổ, cắn phá.
Tại phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) chuột cũng gây hại nặng trên diện tích ngô đông, tập trung ở các tổ 1, 7, 8... Chị Ngô Thị Thu, cán bộ khuyến nông phường Nông Tiến cho biết, trong tổng số 55 ha ngô đông của phường, đã có 15 ha bị chuột phá, một số thửa đã bị mất trắng. Để hạn chế thiệt hại, phường đã hướng dẫn người dân tập trung thu hoạch ngô non bán cho các trang trại chăn nuôi bò sữa; những diện tích ngô lấy hạt, bà con sử dụng các loại bẫy sinh học để diệt.
Bà Lâm Thị Cảnh, thôn Đồng Quân, xã Thắng Quân (Yên Sơn)che nilon cho mạ để chống rét, chống chuột.
Bà Trần Thị Lịch, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, những năm gần đây nạn chuột gia tăng, phát sinh trên diện rộng, trong khi người dân thực hiện các biện pháp diệt chuột còn mang tính tự phát ở từng hộ, không đồng loạt dẫn đến tình trạng chuột di chuyển từ vùng này đến vùng khác. Việc diệt chuột lại không đúng thời điểm, kỹ thuật sử dụng thuốc chưa phù hợp nên chuột phát sinh và gây hại lớn trên nhiều cánh đồng.
Hiện tại nhiều diện tích cây rau, màu vụ đông đã đến kỳ thu hoạch, nguồn thức ăn ngoài đồng không còn nhiều. Đây là thời điểm chuột tập trung, co cụm tại các bờ cao, gò đồi, bãi hoang... thuận lợi cho việc diệt trừ. Nhằm khống chế nạn dịch chuột, hạn chế mức độ sinh sản của chuột và giảm tác hại do chúng gây ra, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đề nghị các địa phương triển khai ngay các biện pháp cấp bách bảo vệ và phát triển các loài động vật hoang dã - các loài thiên địch của chuột, đây là biện pháp cơ bản, lâu dài hạn chế sự phát triển của chuột. Trước mắt, thực hiện nghiêm túc việc cấm săn bắt các loài thiên địch của chuột như mèo, rắn, chim cú…; khuyến khích và phát động phong trào nuôi mèo, bảo vệ mèo trong toàn dân; hướng dẫn người dân đồng loạt diệt chuột, tập trung vào biện pháp dân gian, cơ học như: Đào bắt, đặt bẫy, dùng bẫy dính… và dùng thuốc diệt chuột sinh học; hạn chế tối đa việc dùng các loại thuốc hóa học độc hại cho người, vật nuôi và môi trường để diệt chuột. Tuyệt đối không được dùng điện để diệt chuột và sử dụng các loại thuốc nằm ngoài danh mục cấm sử dụng để diệt chuột; thực hiện diệt chuột cả ngoài đồng và trong khu dân cư.