Thực hiện các biện pháp mạnh, kiên quyết ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài

Tháng 10 tới, Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam kiểm tra công tác phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) lần thứ 4. Đây là cơ hội để Việt Nam thể hiện rõ quyết tâm cũng như năng lực chống khai thác IUU để được EC gỡ 'thẻ vàng' đối với thủy sản khai thác.

Ngư dân làm thủ tục đăng ký xuất bến ra khơi khai thác thủy sản tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa Đại, Đồn Biên phòng Cửa Đại, BĐBP Quảng Nam. Ảnh:Bích Nguyên

Ngư dân làm thủ tục đăng ký xuất bến ra khơi khai thác thủy sản tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa Đại, Đồn Biên phòng Cửa Đại, BĐBP Quảng Nam. Ảnh:Bích Nguyên

Khung pháp lý được hoàn thiện

Nỗ lực và quyết tâm chống khai thác IUU của Việt Nam thể hiện trước hết ở việc hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách pháp luật về khai thác thủy sản theo khuyến nghị của EC. Theo đó, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Thủy sản năm 2017, Chính phủ ban hành 2 Nghị định và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) ban hành 8 Thông tư. Đến nay, khung pháp lý đã hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu chống khai thác IUU.

Để phục vụ tốt hơn công tác chống khai thác IUU, ngày 18/1/2022, Bộ NN-PTNT đã ban hành Thông tư số 01/2022/TT-BNNPTNT sửa đổi, bổ sung một số Thông tư trong lĩnh vực thủy sản. Hiện, bộ đang tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 26/2019/NĐ-CP, Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ; trong đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý về việc sử dụng 6 phương tiện, thiết bị kỹ thuật trong xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025” (tại Quyết định số 1077/QĐ-TTg ngày 14/9/2022).

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ Quốc phòng thường xuyên tổ chức các cuộc họp để chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiều giải pháp theo chức năng, nhiệm vụ được giao để ngăn chặn tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; định kỳ tổng hợp, báo cáo kết quả gửi Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU theo quy định. Các ban, bộ, ngành Trung ương có liên quan đã tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao về hợp tác quốc tế, thông tin truyền thông và bố trí kinh phí, nguồn lực chống khai thác IUU.

Tăng cường quản lý đội tàu

Thực hiện khuyến nghị của EC, Việt Nam đã cắt giảm số lượng tàu cá xuống còn 86.820 chiếc (giảm 9.789 chiếc so với năm 2019), trong đó, có 30.091 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên (giảm 1.206 chiếc so với năm 2019). Cường lực khai thác cũng được giảm, với tổng số hạn ngạch tàu cá đã công bố là 84.125 giấy phép và đang tiếp tục xem xét, điều chỉnh giảm hạn ngạch. Hiện, có 94,3% tàu cá từ 15m trở lên được cấp giấy phép khai thác thủy sản còn hạn ngạch.

31 địa phương đã triển khai cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase) với 73.282 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên được cập nhật trên hệ thống. Nhằm quản lý tàu cá, hệ thống giám sát tàu cá triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương và tổ chức trực ban 24/24 giờ để theo dõi, giám sát. Đến nay, 28.797/29.489 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS), đạt 97,65%. Số lượng chưa lắp đặt VMS được cơ quan chức năng lập danh sách theo dõi, quản lý.

Cán bộ Đồn Biên phòng Tam Thanh tới tàu cá neo đậu trong bến, nhắc nhở ngư dân tuân thủ khai thác hải sản đúng pháp luật quy định. Ảnh: Bích Nguyên

Cán bộ Đồn Biên phòng Tam Thanh tới tàu cá neo đậu trong bến, nhắc nhở ngư dân tuân thủ khai thác hải sản đúng pháp luật quy định. Ảnh: Bích Nguyên

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU, việc thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác trong nước được kiểm soát theo chuỗi, xác nhận tại 53 cảng cá chỉ định, chứng nhận tại Chi cục Thủy sản, cấp chứng thư xuất khẩu và kiểm soát nguyên liệu tại các nhà máy chế biến. Việc kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác nhập khẩu đảm bảo theo quy định của pháp luật Việt Nam và cơ bản đáp ứng được Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng nhằm ngăn chặn, chống lại khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc - FAO (Hiệp định PSMA) tại 14 cảng biển chỉ định cho tàu nước ngoài cập cảng.

Cùng với việc quản lý đội tàu, làm tốt công tác truy suất nguồn gốc, BĐBP và các lực lượng chức năng đã tăng cường thực thi pháp luật và xử lý vi phạm về khai thác IUU. Đến nay, đã ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm ở các nước, quốc đảo Thái Bình Dương. Từ năm 2020 đến nay, đã xử phạt trên 5.000 vụ vi phạm khai thác IUU với tổng số tiền xử phạt trên 110 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tỷ lệ các vụ việc được xử lý còn thấp so với thực tế và chưa đồng đều giữa các địa phương. Tình trạng tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài tiếp tục diễn biến phức tạp, chưa hoàn thành nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao. Điều đáng lưu ý là, EC khẳng định không gỡ “thẻ vàng” nếu không chấm dứt tình trạng này.

Thực hiện các biện pháp mạnh xử lý tàu cá vi phạm

Để đảm bảo chuẩn bị tốt cho việc tiếp, làm việc với Đoàn Thanh tra của EC lần thứ 4 với quyết tâm đến tháng 10/2023 gỡ cảnh báo “thẻ vàng”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, các địa phương cần thống nhất nhận thức, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hành động quyết liệt triển khai thực hiện các nhiệm vụ trước mắt, các giải pháp cấp bách, trọng tâm.

Bộ NN-PTNT kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 13/2/2023 và Công điện số 265/CĐ-TTg ngày 17/4/2023 và các ý kiến chỉ đạo của Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về IUU; gắn trách nhiệm người đứng đầu các cấp với kết quả thực hiện; nghiêm túc tổ chức kiểm điểm những tổ chức, cá nhân nếu để xảy ra sai phạm tại địa phương,

Cùng với đó, cần thực hiện các biện pháp mạnh, kiên quyết ngăn chặn từ nay trở đi không để tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Tập trung cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại vùng biển giáp ranh, chồng lấn, chưa phân định, các khu vực tập trung nhiều tàu cá và tại các đảo, cửa sông, cửa lạch, bãi ngang... nơi tiềm ẩn nguy cơ các tàu không đủ điều kiện lẩn tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng.

Kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến, nếu để xảy ra trường hợp không đủ điều kiện vẫn được xác nhận xuất, nhập bến thì chỉ huy đơn vị đó phải chịu trách nhiệm theo quy định. Điều tra, xử phạt triệt để các trường hợp vi phạm; nếu đủ căn cứ xử lý hình sự, điều tra, truy tố các hành vi cố tình vi phạm. Điều tra, truy tố các tổ chức, cá nhân môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi vi phạm vùng biển nước ngoài.

Nghiêm cấm các chủ nậu, vựa, cơ sở/doanh nghiệp thu, mua sản phẩm khai thác bất hợp pháp, tàu chuyển tải sản phẩm khai thác bất hợp pháp; nếu cố tình móc nối làm ăn phi pháp, điều tra, truy tố hình sự. Tập trung điều tra, xác minh, xử lý triệt để các hành vi vi phạm theo quy định tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP; xử phạt 100% các trường hợp ngắt kết nối thiết bị VMS và vượt ranh giới trên biển, các đơn vị cung cấp thiết bị VMS không tuân thủ các quy định về lắp đặt, sửa chữa thiết bị VMS. Tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về hồ sơ truy xuất nguồn gốc tại các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có liên quan.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/thuc-hien-cac-bien-phap-manh-kien-quyet-ngan-chan-tau-ca-vi-pham-vung-bien-nuoc-ngoai-post463992.html